Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia

ThienNhien.Net – Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với 13 nội dung.

Cụ thể, 13 nội dung của Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gồm: 1- Phòng ngừa, ngăn chặn việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường, khu vực ô nhiễm môi trường; 2- Kiểm soát, xử lý, giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm; 3- Cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm; 4- Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường; 5- Thực hiện khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; 6- Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; 7- Tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; 8- Tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường; 9- Hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường; 10- Nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ về bảo vệ môi trường; 11- Phát triển ngành kinh tế môi trường để hỗ trợ các ngành kinh tế khác giải quyết các vấn đề môi trường; 12- Tăng cường và đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường; 13- Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Không cấp phép đầu tư mới loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng

Theo Kế hoạch, trong thời gian tới sẽ xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hạn chế, hướng tới loại bỏ các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; dần hạn chế, tiến tới không cấp phép đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng đối với các loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt tại các khu vực tập trung dân cư, các lưu vực sông, khu vực nhạy cảm, vùng ưu tiên cần phải bảo vệ; chú trọng phát triển các ngành kinh tế xanh, thân thiện môi trường.

Nghiên cứu, thử nghiệm, thực hiện phân vùng chức năng theo các hệ sinh thái phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo hướng làm rõ các khu vực ưu tiên cần được bảo vệ, khu vực hạn chế hoặc cấm phát triển công nghiệp, khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo sự hài hoà giữa mục tiêu bảo vệ môi trường với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Xây dựng và triển khai Đề án cải tạo, phục hồi môi trường các ao, hồ, kênh, mương, đoạn sông trong các đô thị, khu dân cư đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xác định ranh giới diện tích các hồ, kênh mương, đoạn sông trong các đô thị, khu dân cư và tiến hành kè bờ, chấm dứt tình trạng lấn chiếm, san lấp trái phép; hạn chế, tiến tới không cho phép thực hiện các dự án san lấp hoặc có hạng mục san lấp làm thu hẹp diện tích mặt nước.

Đồng thời, xây dựng và triển khai các dự án đầu tư xây dựng trung tâm xử lý chất thải nguy hại tại 4 vùng kinh tế trọng điểm, trước mắt ưu tiên triển khai tại khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; trong giai đoạn đến năm 2020 tiếp tục xây dựng và hoàn thành đưa vào hoạt động các dự án đầu tư xây dựng trung tâm xử lý chất thải nguy hại tại 2 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Trung Bộ.

 

Ảnh: Hà Nội mới
Ảnh: Hà Nội mới

Điều chỉnh quy hoạch phát triển các dự án sân golf, thủy điện

Nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, Kế hoạch cũng đưa nội dung tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các dự án sân golf, thủy điện, khai thác khoáng sản để khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, nước, rừng; tiến hành kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm các cơ sở khai thác nước mặt, nước ngầm có hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt vào mùa khô; nghiên cứu, tổ chức áp dụng thí điểm việc cấp hạn ngạch trong khai thác nước mặt, nước ngầm cho từng khu vực.

Xây dựng và triển khai Đề án phát triển một số ngành sản xuất, sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường, các sản phẩm tái chế, sản xuất năng lượng từ chất thải, từng bước hình thành và phát triển ngành kinh tế môi trường ở Việt Nam, trong đó ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực cung ứng sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường, các sản phẩm tái chế, sản xuất năng lượng từ chất thải kết hợp thực hiện các gói kích cầu, thúc đẩy tiêu dùng các loại sản phẩm này…