Chủ tịch UBND tỉnh điều hành xả lũ: Địa phương có gặp khó?

ThienNhien.Net – Bộ máy giúp việc cho Chủ tịch UBND tỉnh cần bổ sung các chuyên gia, kỹ sư thuỷ lợi, thuỷ điện chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản.

Mùa mưa đã đến. Đây là năm đầu tiên thực hiện Quyết định 909 của Thủ tướng Chính phủ “về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn trong mùa lũ hằng năm”. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng được giao trách nhiệm vận hành xả lũ, thay vì giao quyền cho chủ hồ tự quyết định như trước đây. Với trách nhiệm được giao, lãnh đạo 2 địa phương này là những người “đứng mũi chịu sào”, phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa một bên là lợi ích kinh tế của các hồ thủy điện, một bên là tính mạng của hàng triệu người dân vùng hạ du trước khi đưa ra quyết định.

Vào thời điểm này năm ngoái, liên tiếp 2 cơn bão số 10 và 11 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, kết hợp mưa to trên diện rộng khiến mực nước các hồ thủy điện lên nhanh. Cả 3 thủy điện lớn trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn là Sông Tranh 2, Đăkmi4 và A Vương đồng loạt xả lũ với lưu lượng lớn, có nơi lên đến 4.000m3/s. Đã có hàng ngàn ngôi nhà ngập chìm trong nước; tài sản, hoa màu của người dân bị lũ cuốn trôi, nhiều gia đình rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Thế nhưng, không một chủ hồ nào đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân.

Trước mùa lũ năm nay, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các chủ hồ không có quyền tự quyết xả lũ. Chính phủ giao trách nhiệm này cho Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam điều hành xả lũ; Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo xây dựng các phương án phòng chống lũ. Bởi hơn ai hết, người đứng đầu chính quyền mới có đủ thẩm quyền điều hành bộ máy chính quyền cấp dưới và các sở, ban, ngành, đoàn thể theo sự chỉ đạo chung. Chủ tịch UBND tỉnh cũng là người nắm rõ địa hình lưu vực sông, những nơi thường xuyên ngập lụt để đưa ra quyết định kịp thời.

Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tất nhiên đã điều hành chúng tôi hết sức quyết liệt, sẽ có kiểm soát, sẽ cho kiểm tra. Nếu đơn vị thủy điện nào mà không chấp hành đúng tôi sẽ đề nghị có một hình thức xử lý thích đáng. Mà đặc biệt chúng tôi quan tâm nhất đó là vấn đề dự báo cho thật tốt thì chúng ta điều hành tốt hơn”.

Trong khi đó, lãnh đạo chính quyền thành phố Đà Nẵng không được giao trách nhiệm vận hành xả lũ các hồ thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia- Thu Bồn cảm thấy lo lắng trong chỉ đạo thực hiện. Tại Điều 13 của Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức thông tin, tuyên truyền, giải thích công khai quy trình trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, nhân dân trên địa bàn hiểu, chủ động phòng ngừa, ứng phó, hạn chế thiệt hại do lũ lụt, chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khu dân cư. Nhiệm vụ này không dễ thực hiện. Bởi trên thực tế, chính quyền thành phố Đà Nẵng không nắm quyền “tự quyết” trong việc điều hành xả lũ mà trách nhiệm đó thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Do vậy, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 địa phương thì rất khó thực hiện.

Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng lo lắng về bộ máy quản lý tài nguyên nước ở địa phương không đủ các chuyên gia để tham mưu cho người đứng đầu địa phương đưa ra những quyết định quan trọng trong mùa mưa bão: “Theo quy định như vậy nhưng các chuyên gia cấp tỉnh để mà điều hành vận hành các hồ đó thì chúng tôi phải thực hiện, còn vận hành hồ đó phải là các ông chủ thủy điện đó. Họ biết được mực nước hồ, triển khai tốt hơn. Anh em bọn tôi chỉ giám sát đi kiểm tra yêu cầu anh phải thực hiện đúng với quy trình vận hành”.

Theo ông Lê Đình Bản – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần thuỷ điện A Vương, bộ máy giúp việc cho Chủ tịch UBND tỉnh cần bổ sung các chuyên gia, kỹ sư thuỷ lợi, thuỷ điện chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm thực tế để tham mưu lãnh đạo địa phương về công tác điều hành xả lũ liên hồ chứa trong mùa mưa bão: “Đội ngũ con người cũng như thiết bị chưa được tăng thêm cũng là một điều khó trong năm vận hành đầu tiên 2014 này”.

Mưa không lớn nhưng nhiều lúc vùng hạ du vẫn bị thiệt hại do thủy điện xả lũ
Mưa không lớn nhưng nhiều lúc vùng hạ du vẫn bị thiệt hại do thủy điện xả lũ

Quyết định 909 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quy chế vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn, kể từ ngày 1/9 đến ngày 15/12 hằng năm, các hồ A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2 phải vận hành theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thuỷ điện. Đồng thời, góp phần giảm lũ cho hạ du và đảm bảo hiệu quả phát điện. Theo đó, mực nước cao nhất trước lũ của các hồ chứa trong mùa lũ đối với hồ chứa thủy điện A Vương là 376m, hồ chứa thủy điện Đắk Mi 4 là 255m và hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 là 172m. Quy định này nhằm hạn chế các rủi ro khi vận hành xả nước đón lũ căn cứ vào dự báo lưu lượng đến hồ của chủ hồ như quy định trước đây, đồng thời, quy định rõ trách nhiệm, tổ chức vận hành các hồ chứa và cung cấp thông tin báo cáo của từng địa phương, chủ hồ và Trung tâm Khí tượng Thủy văn phù hợp với thực tế.

Ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên & Môi trường khẳng định: “Một điểm lớn liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan có liên quan là rất cụ thể, rõ ràng. Người nào ra lệnh, người nào thực hiện lệnh và nếu thực hiện sai lệnh trách nhiệm đến đâu, người ban hành sai lệnh như thế nào, quy định cụ thể ở trong điều 19. Rồi việc quan trắc, dự báo, cung cấp thông tin số liệu của các cơ quan ví dụ như cơ quan khí tượng thủy văn Trung ương, rồi Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Trung trung bộ”.

Nếu như trước đây, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng kêu ca về việc các thủy điện đầu nguồn “ mạnh ai nấy xả” thì nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao quyền cụ thể cho người đứng đầu chính quyền địa phương. Người dân nơi đây trông chờ vai trò của các “nhạc trưởng” trong điều hành xả lũ, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm như những năm trước.