Đảm bảo tính bền vững trong quy hoạch, quản lý đô thị

ThienNhien.Net – Theo báo cáo tại Đại hội IV Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, hiện nước ta đang trong quá trình đô thị hóa nhanh. Nếu như năm 2000, tỷ lệ đô thị hóa chỉ mới ở mức 24,2% với dân số 18,7 triệu người thì đến cuối năm 2013, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đã tăng lên 33,47% và dân số đô thị đã ở mức xấp xỉ 30 triệu người.

Một số đô thị tại Việt Nam hay xảy ra ùn ứ giao thông. (Ảnh: Phạm Cao Minh)
Một số đô thị tại Việt Nam hay xảy ra ùn ứ giao thông. (Ảnh: Phạm Cao Minh)

Tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh

Sau 25 năm đổi mới, hệ thống đô thị cả nước đã tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Cuối năm 2011 nước ta có 731 đô thị thì chỉ trong 3 năm (cuối 2013) đã tăng thêm 39 đô thị mới, nâng tổng số đô thị cả nước lên đến con số 770. Theo dự báo của Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa năm 2015 là 38% với 780 đô thị và 35 triệu dân, đến năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa sẽ là 50% với 1.000 đô thị, tổng sức chứa là 52 triệu dân.

Nhờ sự phát triển của hệ thống đô thị, tỷ lệ người dân được tiếp cận hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như cấp nước, cấp điện, chiếu sáng, thu gom xử lý rác thải… ngày càng gia tăng. Các công trình dịch vụ công cộng đô thị ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng, dần dần đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Về công tác quy hoạch, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho biết: Đã có 770/770 đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn) được lập quy hoạch chung. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt 13 quy hoạch vùng liên tỉnh; 63/63 tỉnh, thành đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh hoặc quy hoạch khu dân cư. “Ngoài ra, kinh nghiệm quản lý và năng lực tổ chức thực hiện quy hoạch của chính quyền các đô thị ngày càng được khẳng định, đặc biệt là năng lực quản lý các đô thị mới. Sự phát triển của đô thị đã góp phần cải thiện nâng cao điều kiện sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự hình thành phát triển các trục hành lang kinh tế…” – ông Trần Ngọc Chính nói.

Tuy nhiên, KTS Trần Ngọc Chính cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém của hiện trạng đô thị Việt Nam. Đó là tỷ lệ đường phố hiện đại ít; thiếu nhà ở và không gian công cộng; tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn ngày một gia tăng; diện tích các dịch vụ công cộng tại các đô thị vừa và nhỏ còn thấp…

Quy hoạch tốt để đô thị phát triển bền vững

Các nhà lập và quản lý quy hoạch đô thị cũng nhận thức rõ những tồn tại mang tính hệ thống, cần được quan tâm, giải quyết. GS-TS-KTS Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng: “Đô thị Việt Nam đang phát triển mạnh nhưng việc phân loại, phân cấp và công tác nâng loại, nâng cấp hiện còn rập khuôn, mang tính hành chính chưa phát huy được tính đặc thù của đô thị tại các vùng miền. Hiện trên cả nước còn tồn tại nhiều đô thị có diện tích nội đô nhỏ hơn 10% diện tích toàn đô thị theo quy hoạch…”.

Về nguyên nhân của những tồn tại trên, ông Đỗ Hậu cho rằng đó là do tốc độ đô thị hóa nhanh, toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu (BĐKH) đặt ra nhiều thách thức. “Bên cạnh đó, việc thiếu tầm nhìn chiến lược, chậm đổi mới cơ chế hành chính, tác động khó khăn của nền kinh tế… là những vấn đề cần theo dõi, đúc kết kinh nghiệm trong quá trình phát triển đô thị” – KTS Đỗ Hậu nói.

Theo Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, phát triển đô thị ứng phó với BĐKH là chương trình khá mới mẻ tại Việt Nam, giúp cho các nhà quản lý hiểu vấn đề liên quan tới khí hậu và thành phố. Đô thị là một đối tượng vô cùng quan trọng trong việc hứng chịu BĐKH. Và Việt Nam là 1 trong 5 nước tại Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ BĐKH. Nhằm ứng phó với tình trạng này, đề án Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2623/QĐ-TTg, ngày 31-12-2013.

Trao đổi với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, cho biết: “Ứng phó BĐKH là vấn đề sống còn trong phát triển đô thị. Để các đô thị Việt Nam có khả năng chống chịu, ứng phó với BĐKH cần nguồn lực lớn và sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng, đặc biệt kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, giúp cho các đô thị Việt Nam phát triển bền vững. Dự kiến trong tháng 11-2014, Cục Phát triển đô thị sẽ tổ chức các hội thảo để các địa phương chia sẻ, lắng nghe và rút kinh nghiệm trong việc xây dựng kịch bản ứng phó với BĐKH trong quá trình phát triển” – bà Trần Thị Lan Anh nói.

Trước những số liệu mà những người làm quy hoạch cả nước đưa ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng: Muốn hạn chế những tồn tại trước hết phải đổi mới phương cách quản lý và phát triển đô thị. Làm sao phải vừa đảm bảo đô thị phát triển đúng theo quy hoạch, vừa phải đảm bảo cho được tính bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, một vấn đề mới đặt ra cho phát triển đô thị hiện nay.

Theo ông Trịnh Đình Dũng, để đô thị thực sự trở thành hạt nhân trong sự phát triển của mỗi địa phương, nhất là trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội, thì cần phải đẩy mạnh công tác phát triển đi đôi với quản lý thực hiện quy hoạch. “Mỗi cá nhân làm quy hoạch, mỗi chính quyền quản lý quy hoạch cần có trách nhiệm cao, nhận thức đúng, đặt vấn đề đúng trước khi hoàn thiện một đề án quy hoạch. Có quy hoạch tốt thì đô thị mới phát triển bền vững được. Ngoài ra, tôi cho rằng không thể để đô thị phát triển theo kiểu tự phát gây lãng phí tài nguyên đất đai. Vì vậy, trong mỗi đề án quy hoạch phát triển đô thị, tôi đề nghị các nhà làm quy hoạch, các nhà quản lý cần đảm bảo tính bền vững, bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH” – ông Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Đề án Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH 2013 – 2020

Giai đoạn 1 (2013 – 2015): Thực hiện tại TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và tỉnh Cà Mau.

Giai đoạn 2 (2016 – 2020): Thực hiện cho 35 đô thị, trong đó có 24 đô thị thuộc 15 tỉnh vùng duyên hải Bắc bộ, duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, 11 đô thị thuộc 10 tỉnh vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Giai đoạn 3 (sau 2020): Thực hiện trên hệ thống đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt và hệ thống các đô thị có nguy cơ cao chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất tại các vùng miền núi phía Bắc, duyên hải ven biển miền Trung, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.