1/3 rừng khu vực Mê Kông có thể mất trong hai thập kỷ tới

ThienNhien.Net – Từ thực tế mất rừng đáng báo động thời gian qua, Báo cáo mới của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cảnh báo về nguy cơ Tiểu vùng Mê Kông Mở rộng (GMS) có thể mất hơn 1/3 độ che phủ rừng còn lại chỉ trong hai thập kỷ tới nếu các nước thuộc Tiểu vùng này không đẩy mạnh công tác bảo tồn, khôi phục vốn tự nhiên, đặc biệt là tập trung vào tăng trưởng xanh.

Cảnh quan rừng trong Khu bảo tồn hoang dã Huai Kha Khaeng Sanctuary, phía tây Thái Lan (Ảnh: Gerald S. Cubitt/WWF)
Cảnh quan rừng trong Khu bảo tồn hoang dã Huai Kha Khaeng Sanctuary, phía tây Thái Lan (Ảnh: Gerald S. Cubitt/WWF)

Theo số liệu của WWF, Tiểu vùng Mê Kông Mở rộng còn khoảng 98 triệu héc-ta rừng tự nhiên, chiếm một nửa diện tích toàn Tiểu vùng. Tuy nhiên, với tốc độ phá rừng hiện nay, WWF dự đoán tới năm 2030 sẽ chỉ còn 14% diện tích rừng hiện tại của Tiểu vùng có khả năng làm nơi trú ẩn an toàn cho nhiều loài hoang dã.

Từ thực tế mất rừng đáng báo động ở năm quốc gia trong Tiểu vùng gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, Báo cáo mang tên “Ecosystems in the Greater Mekong: past trends, current status, possible futures” (Tạm dịch: Các hệ sinh thái ở Tiểu vùng Mê Kông Mở rộng: xu hướng quá khứ, tình trạng hiện tại và tương lai dự tính) của WWF đã vẽ ra hai kịch bản có thể xảy ra vào năm 2030: một là rừng sẽ tiếp tục mất hơn 1/3 so với hiện tại nếu các nước vẫn đi theo con đường phát triển thiếu bền vững, và hai là tỷ lệ phá rừng hàng năm sẽ giảm 50% nếu các nước đầu tư cho phát triển xanh ngay từ bây giờ.

Cho rằng muốn cứu rừng, các nước GMS chỉ có thể tiến hành kịch bản thứ hai, ông Peter Cutter, Quản lý Bảo tồn Cảnh quan của WWF ở Tiểu vùng Mê Kông Mở rộng, khuyến nghị các lãnh đạo trong Tiểu vùng cần phải hành động nhanh, mạnh và hiệu quả hơn nữa trước khi các hệ sinh thái nói chung, trong đó có rừng, bị tổn thương trầm trọng hơn.

Bên cạnh việc cảnh báo nguy cơ mất rừng, Báo cáo cũng nhấn mạnh mối đe dọa tiềm ẩn từ con đập Xayaburi mà Lào đang triển khai đối với hệ sinh thái sông Mê Kông và toàn bộ lưu vực, đồng thời kêu gọi các nước nhân đôi nỗ lực bảo tồn nhiều loài động vật quý hiếm đang trên đà suy giảm như hổ, voi châu Á, cá heo Irrawaddy và cả loài sao la đặc hữu.