ĐBSCL trữ nước ngọt để tránh hạn

Trữ nước mưa bằng mọi vật chứa có thể như: lu, bể xi-măng, lót bạt nhựa, nạo vét kênh mương, ao, đìa… càng nhiều càng tốt

Theo dự báo, năm nay lũ về ĐBSCL thấp và mưa ít nên năm 2021, vùng này sẽ có mùa khô khắc nghiệt. Các chuyên gia khuyến cáo ngay từ bây giờ, người dân nên chủ động trữ nước ngọt càng nhiều càng tốt.

Hạn chế trồng lúa để tránh thiệt hại

Theo ThS Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, lượng nước qua 2 trạm Stung Treng và Kratie (Campuchia) sẽ xác định mùa lũ về ĐBSCL có lớn hay không? Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 đến nay, lượng nước qua 2 trạm này, dù có lúc lên xuống, cũng chỉ tương đương với năm 2019 và vẫn ở ngưỡng thấp nhất lịch sử.

Ngày 9-9, tại trạm Tân Châu (tỉnh An Giang), mực nước cao nhất đo được chỉ 1,45 m, thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm. “Năm 2019, còn có trận bão tháng 8 làm nước lên nhanh, sau đó cũng giảm xuống nhanh nhưng năm nay không có bão nên nước về thấp và xuất hiện những yếu tố cho thấy mùa hạn khốc liệt vào năm sau” – ông Vinh nhận định. Nhưng theo ông Vinh, còn tùy vào lượng mưa tại chỗ và mưa trên thượng nguồn sẽ quyết định tình hình hạn, mặn. Nếu đầu năm sau có mưa sớm, mưa trái mùa, hạn mặn có thể được cải thiện. Ông Vinh khuyến cáo nông dân nên xoay chuyển vụ lúa đông xuân 2020-2021 sớm hơn và tích cực trữ nước càng nhiều càng tốt.

Người dân Vĩnh Long tưới cây ăn trái bằng nguồn nước dự trữ trong mùa khô 2020. Ảnh: NGỌC TRINH

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), cũng khuyến cáo người dân vùng ven biển cần trữ nước mưa cho mùa khô tới và hạn chế trồng lúa để tránh thiệt hại. “Bà con nên trữ nước mưa bằng mọi vật chứa có thể như: lu, bể xi-măng, lót bạt nhựa, nạo vét kênh mương, ao, đìa… càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, nông dân nên giảm trồng lúa vụ đông xuân trong mùa khô tới để tiết kiệm nước” – PGS-TS Lê Anh Tuấn khuyến cáo.

Cần nhiều không gian mở để hấp thu lũ

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái, cho rằng không thể khẳng định ĐBSCL không còn mùa nước nổi. Mực nước lũ ở ĐBSCL phụ thuộc vào lượng mưa ở các vùng phía trên nhưng lượng mưa ở các vùng này lại phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Thông thường, lượng mưa các vùng này biến động lên, xuống khoảng 15% giữa các năm nhưng giữa thập kỷ này với thập kỷ kia có thể chênh lệch nhau 30%. Những năm El Nino hoặc La Nina cực đoan thì biến động lớn hơn, mưa rất nhiều gây lũ lớn hoặc mưa rất ít gây hạn cực đoan. Trong bối cảnh đó, vào những năm bình thường thì thủy điện ít ảnh hưởng lượng nước nhưng khi gặp tình huống cực đoan thì thủy điện làm gia tăng cực đoan.

Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, không nên chỉ quanh quẩn với câu chuyện hạn, mặn mà cần thấy cả 3 tình huống: Đa số các năm sẽ bình thường; các năm mưa ít thì thủy điện làm gia tăng cực đoan hạn, mặn; các năm mưa nhiều, thủy điện cũng làm gia tăng cực đoan lũ. Vì vậy, lượt thích ứng cần chia làm 2 loại: để phát triển lâu dài thì cần dựa trên tình hình chung của các năm bình thường và chiến lược ứng phó cho các năm cực đoan (lũ và hạn). Phát triển lâu dài mà xây dựng trên nền tảng các năm cực đoan thì sẽ quá đà.

Ông Thiện cũng chỉ ra rằng đối với những năm cực đoan lũ cao, cần nhiều không gian mở để hấp thu lũ. Trong tình huống này, làm càng nhiều đê bao thì nước càng thiếu không gian, gia tăng ngập nơi khác và sẽ gây “tức nước vỡ bờ”. Đối với những năm khô hạn cực đoan thì né vụ vẫn là biện pháp tốt nhất. Bởi lẽ, trong bối cảnh thiếu nước bên trong, ngăn mặn từ ngoài vào chỉ có tác dụng vào đầu mùa khô. Càng sát ra biển thì tác dụng ngăn mặn càng kém hiệu quả. Do đó, không nên tiếp tục xây dựng các vùng ngọt hóa để “lấn ngọt vào vùng mặn” để canh tác nước ngọt như trước đây vì các vùng này chắc chắn sẽ “thất thủ” trong những năm hạn, mặn cực đoan. Các vùng kiểm soát mặn cần có đủ độ lùi sâu vào đất liền mới có thể giữ vững đến hết mùa khô.

Theo phân tích của ThS Nguyễn Hữu Thiện, các công trình ngăn mặn lại có tác dụng phụ rất nghiêm trọng là làm sông ngòi yếu hoặc chảy lờ đờ, thiếu ôxy, mất khả năng tự làm sạch và dễ trở thành những “dòng sông đen”. “Cần ưu tiên là nước ngọt cho sinh hoạt ở vùng ven biển và phải tách riêng việc này ra khỏi các công trình ngăn mặn. Đó là vì nước ở các công trình ngăn mặn tích tụ ô nhiễm trong mùa khô, không thể sử dụng cho sinh hoạt được” – ông Thiện cảnh báo.

Bến Tre xây hồ chứa nước ngọt 121 ha

UBND tỉnh Bến Tre vừa phê duyệt chủ trương xây hồ chứa nước ngọt Lạc Địa tại xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Dự án rộng 121 ha, gồm 3 hạng mục khu dân cư tập trung gắn với làng nghề truyền thống, khu di tích lịch sử văn hóa và hồ trữ nước ngọt. Trong đó, hồ có diện tích gần 57 ha, sâu 4 m, sức chứa 1,3 triệu m3. Tổng kinh phí dự án trên 352 tỉ đồng từ ngân sách trung ương, sẽ triển khai vào năm 2021 và đưa vào sử dụng sau 5 năm. Khi hoàn thành, hồ sẽ cung cấp đủ nước trong 5 tháng mùa khô cho 59.500 hộ dân trong huyện Ba Tri, hỗ trợ nước uống cho 150.000 gia súc, 340 cơ sở kinh tế, tiểu thủ công nghiệp, 255 phòng trạm xá, trường học.

L.Khánh