Cúc Phương tứa máu – Kỳ cuối

Kỳ cuối: Chính quyền với điệp khúc kêu khó

ThienNhien.Net – Để tìm hiểu nguyên nhân xảy ra tình trạng phá rừng vùng đệm, vùng lõi VQG Cúc Phương, phóng viên Nông nghiệp Việt Nam làm việc với chính quyền xã Thạch Lâm (Thạch Thành, Thanh Hoá) và Hạt Kiểm lâm VQG Cúc Phương.

Cán bộ ví rừng như gái đẹp, khó quản lý 

Theo thông tin phóng viên tìm hiểu tại thôn Thượng, xã Thạch Lâm được biết, trong số gỗ khai thác tại vùng rừng đệm VQG Cúc Phương thì một số lấy cớ sử dụng để làm nhà sàn nhưng thực chất sau đó hợp thức hoá giấy tờ để bán; số còn lại được đưa ra khỏi rừng đem đi tiêu thụ.

 

Căn nhà sàn ở thôn Thượng được chào bán
Căn nhà sàn ở thôn Thượng được chào bán

Nhiều hộ gia đình ở thôn Thượng khi được hỏi sẵn sàng bán nhà sàn của mình đang sở hữu. Một ngôi nhà làm bằng gỗ nghiến có giá từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng; còn gỗ trai, giá 200-300 triệu đồng (giấy tờ thủ tục người mua nhà lo, nếu để người bán lo thì bỏ thêm từ 10- 50 triệu đồng).

N, chủ ngôi nhà sàn bốn gian làm bằng gỗ trai, vải… ra giá 250 triệu đồng (giấy tờ người mua lo). Tôi hỏi N: Anh bán nhà rồi lấy gỗ đâu làm nhà mới? N cười: Mình lại lên rừng lấy. Loại gỗ nhỏ mình mang về, còn cây lớn thì nhờ anh em, bà con làm hộ. Mình chỉ bỏ tiền ra lo cơm, rượu.

Để hợp thức hoá số gỗ vừa khai thác, người dân thôn Thượng có nhiều cách để qua mặt kiểm lâm. Sau khi khai thác xong thì họ vận chuyển xuống bìa rừng cất giấu. Đến khi gỗ biến đổi màu sắc thì mới đưa về nhà, với cách làm này, kiểm lâm có đến kiểm tra thì thấy toàn là gỗ cũ, do đó không tịch thu được.

Hằng ngày lâm tặc vác cưa vào vùng đệm, vùng lõi VQG Cúc Phương phá rừng
Hằng ngày lâm tặc vác cưa vào vùng đệm, vùng lõi VQG Cúc Phương phá rừng

Trao đổi với ông Lê Huy Dương, Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm, về tình trạng phá rừng, ông Dương thừa nhận có, tuy nhiên mức độ “nhỏ lẻ”. Cũng theo ông Dương, ở xã việc người dân khai thác gỗ chủ yếu về làm nhà, đồ dùng trong gia đình. Ngoài ra, có một số người vận chuyển bằng xe máy đem đi tiêu thụ nên chính quyền rất khó phát hiện để xử lý.

“Nguyên nhân xảy ra tình trạng phá rừng là do lợi nhuận đem lại từ gỗ quá lớn, trong khi người dân trên địa bàn xã đất đai ít, phát triển chăn nuôi khó khăn. Để có thu nhập người dân vào rừng chặt gỗ”, ông Dương nói.

Liên quan đến việc người dân phá rừng lấy gỗ, sau đó làm nhà sàn để bán, ông Bùi Quý Ly, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm, “đỡ lời” cho chủ tịch xã của mình, rằng: Cách đây 3-4 năm tình trạng bán nhà sàn có diễn ra, nhưng càng về sau xã quản lý chặt chẽ. Trong năm 2012, xã chỉ xác nhận bán một ngôi nhà sàn ở thôn Thượng. Vừa qua, ngày 30/1/2013 xã tiến hành họp Hội đồng nhân dân và thông qua nghị quyết không xác nhận bán nhà sàn cho bất kỳ hộ dân nào. Xã muốn gìn giữ nét văn hoá nhà sàn của dân tộc Mường.

Theo lãnh đạo xã Thạch Lâm cho biết, tình trạng khai thác gỗ chỉ xảy lén lút, nhỏ lẻ nhưng mới đây, xã tiến hành đợt thống kê đã phát hiện được một số lượng gỗ không nhỏ. Xã có 644 hộ nhưng có đến 344 m3 gỗ được cất trữ trong dân. Trong đó, thôn Thượng 75 m3, Nội Thành 127 m3, Đăng 69 m3, Nghéo 30 m3, Thống Nhất 39 m3, Đồi 3,8 m3. Hiện xã Thạch Lâm đã thành lập một ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ rừng và phát triển rừng gồm 22 người.

Những cây cổ thụ bị đốn hạ
Những cây cổ thụ bị đốn hạ
“Cán bộ xã không thể 24/24h ở rừng được, trong khi những người phá rừng luôn để ý mình, còn mình không để ý đến họ. Công tác của địa phương chủ yếu là tuyên truyền vận động, hằng năm có một vài đợt phối hợp với các ban, ngành đi kiểm tra”, ông Ly cho biết.

phóng viên đặt câu hỏi: Thực tế xã đã thành lập đội quản lý rừng nhưng vì sao tình trạng phá rừng vẫn diễn ra? Ông Ly cho hay: Việc tổ chức một lực lượng đi truy quét rất khó, Thạch Lâm là một xã nghèo, nguồn kinh phí chờ cấp trên hỗ trợ, xã không có kinh phí để tổ chức nhiều đợt truy quét. 

Hỏi tiếp về tình trạng chặt phá loại gỗ nghiến, ông Ly cho rằng: Rừng ở thôn Thượng không có gỗ nghiến, ở đó chỉ có gỗ thuộc nhóm 4 trở lên. Vị Phó chủ tịch xã còn ví von: Cả huyện Thạch Thành thì chỉ có Thạch Lâm còn lại rừng. Rừng già giống như cô gái đẹp, đứng ở giữa một bầy đàn ông ai cũng muốn nhòm ngó, cho nên việc quản lý là rất khó.

Kiểm lâm bị dân “theo dõi”? 

Trao đổi với ông Tạ Đức Biên, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Cúc Phương về tình trạng phá rừng, ông Biên cho rằng, tình trạng phá rừng là không tránh khỏi, mức độ khai thác chỉ lén lút. Ông Biên cho biết thêm: “Ở VQG Cúc Phương, nạn phá rừng thường xảy ra dọc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh bởi đây là nơi giao thông thuận lợi, sau khi vận chuyển ra khỏi rừng, gỗ sẽ được nhanh chóng đưa đi”.

Thắc mắc tình trạng phá rừng tại tiểu khu 7 đã xảy ra từ lâu, vậy lãnh đạo VQG có nắm được không? Ông Biên hay: Trong tháng 3, lực lượng kiểm lâm chốt chặn trên tiểu khu 7 báo cáo có xảy ra việc chặt phá rừng, tuy nhiên chỉ mất một số cây gần nhà dân. Tình trạng phá rừng không phải phổ biến, hằng tháng bị xẻ một vài cây. Hiện Hạt đang lập phương án để xử lý.

Gỗ được khai thác rầm rộ nhưng người có trách nhiệm cho rằng chỉ "lén lút, nhỏ lẻ"
Gỗ được khai thác rầm rộ nhưng người có trách nhiệm cho rằng chỉ “lén lút, nhỏ lẻ”

Căn nhà sàn ở thôn Thượng được chào bán

+ Ông Lê Huy Dương cho biết: Lâm tặc chủ yếu dùng cưa xăng để phá rừng. Cưa xăng là tài sản của người dân, họ lên rừng làm mọi lúc, mọi nơi, chúng tôi chỉ tịch thu cưa khi phát hiện đang khai thác gỗ.+ Ông Tạ Đức Biên cho hay: Xử lý không dứt điểm việc sử dụng cưa xăng đã khiến tốc độ phá rừng rất nhanh. Đối với cưa xăng, lực lượng kiểm lâm VQG chỉ bắt tận tay thì mới tịch thu được.

Liên quan đến thông tin có một số ông chủ thu mua gỗ bắt tay với kiểm lâm để phá rừng, ông Biên khẳng định: “Cái này chúng tôi không phát hiện được, không nắm. Nếu thực tế có như vậy, Hạt sẽ xử lý đích đáng. Để thông tin này chính xác hay không, Hạt phải điều tra mới rõ”. 

Ông Biên chia sẻ: Được xem là điểm nóng về phá rừng đoạn đường mòn Hồ Chí Minh chạy qua VQG Cúc Phương, tại đây, Hạt đã bố trí hai trạm chốt chặn số 4 và số 10. Ngoài ra, còn có một đội kiểm lâm cơ động, tất cả khu vực này có 14 cán bộ, có những thời điểm còn tăng cường lực lượng.

Chúng tôi đặt vấn đề: Sao lực lượng đông đảo như vậy nhưng vẫn để xảy ra phá rừng? Ông Biên đáp: Việc kiểm lâm đi tuần, kiểm tra thì ở thôn đã có người theo dõi, mỗi khi phát hiện kiểm lâm lên rừng truy quét thì các đối tượng phá rừng đã nhận thông tin. Do đó, bọn chúng sẽ bỏ chạy và chờ lúc sơ hở tiếp tục khai thác. Những đối tượng này không bắt được tận tay thì không thể xử lý được.

Liên quan đến việc phá rừng vùng đệm tại thôn Thượng, xã Thạch Lâm, ông Biên cho hay: Rừng vùng đệm không thuộc quản lý của VQG, trách nhiệm bảo vệ thuộc về chính quyền xã, nếu có tình trạng đưa gỗ qua trạm số 4, kiểm lâm có quyền kiểm tra, nếu phát hiện sai trái có biện pháp xử lý. Thực tế, trong vùng lõi mình bảo vệ còn bị chặt phá, còn đâu thời gian để kiểm tra quản lý ngoài vùng đệm!