Hàng tỷ đồng ngân sách bồi thường… dân lấn rừng phòng hộ

ThienNhien.Net – UBND tỉnh Kiên Giang đầu tư mở rộng đường Dương Đông – An Thới tại huyện đảo Phú Quốc với chiều dài 34 km, tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ. Con đường đi ngang rừng phòng hộ, những hộ dân lấn chiếm trái phép đất rừng phòng hộ lại được chính quyền xác nhận, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng bồi thường cho hành vi vi phạm pháp luật này hàng tỷ đồng…

Bảo vệ rừng phòng hộ cũng là bảo vệ an ninh quốc gia
Bảo vệ rừng phòng hộ cũng là bảo vệ an ninh quốc gia

Lời cảnh báo

Ngày 30/1/2004, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Quốc (huyện đội Phú Quốc-HĐPQ) được UBND huyện Phú Quốc giao cho 35,64 ha rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 158B, tọa lạc tại xã Hàm Ninh- Phú Quốc. Trong quá trình bảo vệ rừng phòng hộ, Ban chỉ huy HĐPQ đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ bảo vệ tốt khu rừng được giao, đặt biệt đã phủ xanh diện tích đất trống trong khu rừng, tạo nên khu rừng phòng hộ khép kín.

Năm 2010, HĐPQ phát hiện khu rừng của mình bị người dân vào lấn chiếm phá rừng, cất nhà, làm rẫy. HĐPQ cùng với Hạt Kiểm lâm đã nhiều lần kiểm tra nhắc nhở các hộ dân lấn chiếm đất rừng này nhưng tình trạng này vẫn không được chính quyền chức năng sở tại giải quyết dứt điểm.

Ngày 13/3/2012, Thượng tá Huỳnh Tấn Phương – Phó Chỉ huy trưởng HĐPQ – ký công văn số 23/-BCH gởi UBND huyện Phú Quốc cùng các ban ngành liên quan thông báo việc lấn chiếm đất rừng của người dân. Công văn này kiến nghị UBND huyện, xã và các ban ngành liên quan phải có biện pháp chế tài với hành vi vi phạm pháp luật này.

Tháng 4/2012, Hạt Kiểm lâm Phú Quốc, Ban Quản lý rừng Phòng hộ, Chính quyền xã Hàm Ninh kiểm tra tình hình thực tế theo công văn nói trên. Kết quả, đoàn kiểm tra đề nghị UBND xã Hàm Ninh xử lý vi phạm về lãnh vực đất đai của 5 hồ sơ vi phạm, tổng diện tích 5 hộ này phá rừng tạm tính là 20.421m2 (gần 20,5ha) nhưng mọi việc sau đợt kiểm tra này… vẫn như cũ, và UBND xã Hàm Ninh không xử lý 5 hồ sơ này.

Thượng tá Phương nói: “Bảo vệ rừng phòng hộ cũng là bảo vệ an ninh quốc gia, chúng tôi là những người được giao rừng để bảo vệ, khi phát hiện rừng bị xâm chiếm nhưng HĐPQ không có thẩm quyền xử phạt nên chúng tôi đã có công văn gởi các cấp, ban ngành có thẩm quyền để biết mà xử lý. Đáng tiếc, vụ việc không được xử lý ngay từ đầu nên đến nay đã gây hậu quả nghiêm trọng”.

Thiếu tinh thần trách nhiệm hay tiếp tay? 

Sau khi dự án mở rộng nâng cấp đường Dương đông-An thới khởi động, con đường đi ngang qua khu rừng do HĐPQ quản lý, phần đất thu hồi để làm đường là phần đất của những hộ lấn chiếm rừng. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng công trình này được giao cho Trung tâm Phát triển Quĩ đất (TTPTQĐ) huyện Phú quốc đảm nhiệm.

Khi xác minh nguồn gốc đất của các hộ dân lấn chiếm này, TTPTQĐ phối hợp với chính quyền xã Hàm Ninh ký xác nhận nguồn gốc đất như sau: Trong biên bản xác minh nguồn gốc đất, năm xây dựng (sau thẩm định) của công trình Dương đông-An Thới ngày 17/8/2012, Hội đồng tư vấn xét duyệt thống nhất nguồn gốc đất không có hồ sơ. Tiêu chí nào để Hội đồng xét duyệt thống nhất nguồn gốc đất?. Nguồn gốc đất này thống nhất là của ai?. Do đâu mà có?. Đất do người dân làm chủ sở hữu lâu năm sao không có hồ sơ đất?

Những khuất tất đó dư luận đang đặt nghi vấn có hay không sự tiếp tay của chính quyền Phú Quốc vì chính quyền xã đã biết dân chiếm rừng nhưng không xử lý như đã nêu ở trên. Từ xác nhận nguồn gốc đất không rõ ràng, đất không có hồ sơ nhưng chính quyền xã và TTPTQĐ vẫn cho các hộ dân này nhận 70% tiền bồi hoàn với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ. Trước tình hình đó, ngày 14/3/2013, Thượng tá Phương lại gởi công văn số 241/BCH-BTM cho Thường trực UBND huyện Phú Quốc và TTPTQĐ yêu cầu ngưng phát tiền bồi thường do những hộ dân lấn chiếm đất rừng này.

Ngày 19/3/2013, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Phú Quốc Trần Minh Thuận ký công văn số 210/VP-KT thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực UBND huyện như sau: Giao Phòng TN&MT, Trung tâm phát triển quĩ đất, Ban Quản lý rừng Phòng hộ, Ban chỉ huy Quân sự và UBND xã Hàm Ninh kiểm tra xác minh làm rõ, báo cáo Thường trực UBND huyện. Chỉ đạo này cho đến nay vẫn giẫm chân tại chỗ.

Việc Hội đồng tư vấn xét duyện bồi thường cho những diện tích đất rừng bị lấn chiếm này gây bức xúc cho cán bộ, chiến sĩ HĐPQ. Dư luận bất bình bởi các cơ quan chức năng và chính quyền đã xác minh qua thực tế là các hộ dân này lấn chiếm rừng. Hành vi này của chính quyền xã Hàm Ninh và TTPTQĐ gây thất thoát tiền tỷ của nhà nước.

Tỉnh ủy và UBND tỉnh Kiên Giang nên chú ý xem xét lại vụ việc.

Theo Ngọc Long/phapluatvn.vn, 08/04/2013

Bồi thường tiền tỉ cho người… phá rừng

UBND H.Phú Quốc (Kiên Giang) vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra xác minh làm rõ, báo cáo thường trực UBND huyện về việc một số hộ dân lấn chiếm đất rừng trái phép nhưng vẫn được nhà nước bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất. 

Trước đó, thượng tá Huỳnh Tấn Phương, Phó chỉ huy trưởng Huyện đội Phú Quốc đã có công văn gửi Thường trực UBND huyện và Trung tâm phát triển quỹ đất huyện đề nghị ngưng phát tiền bồi thường cho các hộ này.

Năm 2004, Ban Chỉ huy quân sự H.Phú Quốc được giao 35,64 ha rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 158B (xã Hàm Ninh). Đến năm 2010, Huyện đội Phú Quốc phát hiện người dân vào lấn chiếm, phá rừng cất nhà, làm rẫy nên đã nhiều lần phối hợp với Hạt kiểm lâm kiểm tra, nhắc nhở… nhưng cơ quan chức năng sau đó không giải quyết dứt điểm. Tháng 4.2012, Hạt Kiểm lâm Phú Quốc phối hợp Ban Quản lý rừng phòng hộ và chính quyền xã Hàm Ninh kiểm tra đã phát hiện có 5 hộ dân lấn chiếm, phá gần 20,5 ha rừng và đề nghị xử lý nhưng mọi việc đâu vẫn vào đó. Đến khi dự án mở rộng nâng cấp đường Dương Đông – An Thới khởi động, Hội đồng tư vấn xét duyệt (gồm Trung tâm phát triển quỹ đất và chính quyền xã Hàm Ninh) lại xét duyệt cho các hộ dân này nhận 70% tiền bồi hoàn với tổng số tiền hơn 1,5 tỉ đồng, khiến dư luận bất bình.

 Theo Giang Sơn – Ngọc Long/Thanh Niên, 05/04/2013