Vì sao người Việt phải chịu án tù ở nước ngoài vì mấy chiếc vòng ngà voi

Điều tra trên quy mô toàn quốc của phóng viên Lao Động về tình trạng buôn bán, sử dụng tương đối phổ biến các sản phẩm động vật hoang dã giữa “thanh thiên bạch nhật” đã cho thấy tình trạng tấp nập kẻ bán người mua. Còn cơ quan chức năng thờ ơ hoặc tỏ ra bất lực ngay cả khi nhà báo tìm đến đưa tư liệu tố cáo.

Hầu như ở địa phương nào, chúng tôi cũng dễ dàng thấy những gian hàng bán đồ chế tác từ ngà voi.

Giữa năm 2019, trước thềm Hội nghị các nước thành viên (CoP18) Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ), Cơ quan Điều tra Môi trường Quốc tế EIA đã công bố báo cáo “Running Out of Time” (Không còn thời gian) nhằm cảnh báo về sự thất bại của Việt Nam trong đấu tranh với buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD). Theo điều tra của EIA, nước ta đã nhanh chóng trở thành điểm nóng toàn cầu về nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép. Những năm gần đây, mạng lưới buôn bán ĐVHD gia tăng nhanh chóng, thúc đẩy nạn buôn bán ĐVHD bất hợp pháp trên toàn cầu.

Mới vài năm trước, ba lao động tự do tại Angola đã bị bắt giữ và chịu án tù tại Châu Phi, vì một lý do mà ai cũng cho rằng đơn giản: Họ mua vài chiếc vòng ngà voi và móng vuốt sư tử để làm quà cho vợ con khi về Việt Nam. Ai cũng cho rằng, họ là những người lao động, thiếu hiểu biết nên mới ra nông nỗi ấy. Đến khi chúng tôi đi khảo sát dọc từ Bắc vào Nam ở nước ta, thì hỡi ôi, chỗ nào cũng dễ dàng mua được những món đồ như ba lao động người Việt phải chịu cảnh tù đày nơi đất khách kia. Vậy thì, việc để tồn tại “ngang nhiên” một thị trường buôn bán các sản phẩm từ ĐVHD bấy lâu nay, có phải là nguyên nhân gián tiếp “đẩy” ba lao động khốn cùng vào vòng lao lý xứ người và khiến Việt Nam bị “phê bình” trước cộng đồng quốc tế vì đã thất bại trong đấu tranh với nạn buôn bán ĐVHD hay không?

Sáu vòng tay ngà voi, một móng vuốt và án phạt hàng chục năm tù

Hai năm trước, ông Trần Văn Tuấn mãn hạn tù ở Kenya. Về quê ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình sau bốn năm đi “xuất khẩu lao động”, gia đình ông vẫn mang gánh nợ oằn vai. Ba năm đầu làm công nhân xây dựng, số tiền kiếm được ở Angola không như mong đợi nên hết thời hạn là ông về, tính ở hẳn Việt Nam làm ăn. Trước khi về, ông mang theo ba chiếc vòng ngà voi làm quà cho vợ con. Ở Angola, vòng tay ngà voi bán đầy chợ chứ không khó kiếm như ở Việt Nam. Ông Tuấn đi xe bus đến chợ mua ba chiếc, mỗi chiếc 15.000 quan (kwanza) tiền Angola, tính tiền Việt vào khoảng 700.000 đồng/chiếc. Ông Tuấn vẫn nhớ, mấy loại vòng này tại Angola người dân bán không thiếu gì, nhiều như quần áo bán ở chợ quê ông.

Ông Tuấn rời khỏi Angola hoàn toàn bình thường, chỉ đến khi quá cảnh ở Kenya thì ông bị bắt giữ vì tội tàng trữ, mua bán sản phẩm liên quan đến ĐVHD quý hiếm. Cùng là lao động tại Angola, hai người đàn ông Việt khác là Huỳnh Kiến Thành, Nguyễn Quang Huy cũng bị bắt giữ khi quá cảnh tại Kenya. Cả ông Thành, ông Huy đều bị kết án 6 năm tù giam. Ba người đàn ông Việt ấy, mua tổng cộng 6 vòng ngà voi, 1 móng vuốt sư tử với mục đích làm quà cho người thân. Và “cái giá” của những món đồ đó là mức án phạt hàng chục năm tù. Cả khi đã được trả tự do trước thời hạn, ba người đàn ông ấy vẫn sốc, không thể hình dung được là mình đã… phạm tội, mà lại là tội nặng! Họ càng không hiểu được tại sao cùng một món đồ, mà ở Angola, họ có thể mua dễ dàng như mua rau nhưng với Kenya, họ lại chịu án tù.

Bà Rodah Ogoma – Trợ lý công tố viên trưởng kiêm Trưởng Bộ phận vấn đề liên quan đến tội phạm về ĐVHD của Kenya – từng nói: Nếu bạn phạm tội, chúng tôi bắt được bạn, chúng tôi sẽ đối xử như với bất cứ ai ở Kenya, theo luật Kenya. Ví dụ, nếu bắt được bạn mang đồ làm từ ngà voi, nếu nó là từ nguồn hợp pháp, bạn phải chứng minh rằng bạn có giấy phép hợp lệ để mang theo nó, căn cứ theo luật Kenya. Dù bạn mua ở Botswana, ở đó sở hữu vật từ ngà voi là hợp pháp, nhưng bạn mang vào Kenya thì chúng tôi vẫn xử lý theo luật của Kenya. Liên quan đến quyền khiếu nại, chúng tôi sẽ xử lý yêu cầu của các bạn trong vòng 14 ngày. Tuy nhiên, liên quan đến tội phạm ĐVHD, tôi không nghĩ có nhận được khiếu nại nào. Hầu hết các khiếu nại liên quan đến hành chính.

Cuộc chiến bảo vệ động vật hoang dã vẫn “đá ném ao bèo”

Chúng tôi và các tổ chức bảo vệ ĐVHD đã có những cuộc khảo sát công phu, dọc từ Bắc vào Nam, và sự thật: Hầu như tất cả các địa phương chúng tôi khảo sát đều có bán các sản phẩm trang sức, mỹ nghệ được chế tác từ ngà voi. Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đắc Lắc, Kiên Giang, Tiền Giang đâu đâu cũng nhan nhản. Ở TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, trong tiệm vàng Đặng Khá 3, số 1/9b Nguyễn Huỳnh Đức bày bán một tượng Quan âm làm bằng ngà voi, giá 25 triệu đồng. Người bán giới thiệu là ngà thật, du khách có thể mua để trong ôtô trang trí cho đẹp, thể hiện sự giàu có, đem lại may mắn cho người sở hữu. Cũng tại cửa hàng này, còn rất nhiều mặt tượng Phật được khắc rất tinh xảo, bọc vàng, treo trên dây chuyền bằng vàng được bán với giá trên dưới 10 triệu đồng. Hiệu cầm đồ Sáu Sáng, số 6A Hùng Vương, cùng TP.Mỹ Tho cũng bày bán rất nhiều sản phẩm được chế tác từ ngà voi như vòng tay, nhẫn. Thậm chí, nếu người mua muốn mua cả khúc ngà chỉ cần đặt trước một đến hai hôm sẽ có hàng. Những người bán hàng ở đây còn tận tình đem thước ngoàm ra đo tỉ mỉ cổ tay của khách, sau đó mới giới thiệu các sản phẩm làm từ ngà voi.

Không chỉ các sản phẩm từ ngà voi, đối tượng ở TP.Tây Ninh còn có hai túi nylon màu trắng, bên trong là chất dẻo màu nâu. Chúng tôi được giới thiệu đó là cao hổ toàn tính. Ngoài ra, một khúc sừng tê giác nặng 0,9 lạng, được “báo giá” là 40 triệu đồng/lạng. Rồi thì cả nanh hổ, vuốt hổ, nhiều bình rượu ngâm cao hổ, tắc kè, tê tê, rắn hổ mang chúa.

Không chỉ đồ chế tác từ ngà voi được bày bán gần như công khai, với nhiều loại động vật hoang dã khác, dù người bán biết là pháp luật không cho phép, nhưng vẫn bày bán như rau giữa chợ.

Các cơ quan chức năng đang ở đâu?

Đó là những hình ảnh sờ sờ mà chúng tôi dễ dàng ghi nhận được. Còn từ các dữ liệu công khai mà EIA thu thập được, nước ta có liên quan đến hơn 600 vụ việc buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. Trong đó, ít nhất là 105,72 tấn ngà voi. Với khối lượng quá lớn này, có nghĩa là 15.779 chú voi đã bị sát hay hoặc đe doạ nghiêm trọng. 1,69 tấn sừng tê có nguồn gốc từ khoảng 610 con tê giác. Da, xương và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ ít nhất 228 cá thể hổ.…

Năm 1994, Việt Nam trở thành thành viên của CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp). Nước ta cũng đã đạt được một số tiến triển trong công tác đấu tranh chống tội phạm môi trường, bao gồm sửa đổi Bộ luật Hình sự tăng nặng hình phạt cho tội phạm buôn bán ĐVHD có tổ chức. Nhưng những vụ bắt giữ cũng như những thay đổi trong Bộ luật Hình sự vẫn chưa đủ sức răn đe các đối tượng buôn bán ĐVHD trái phép. Còn các cơ quan chức năng, liệu đã thực thi đúng trách nhiệm của mình trong việc chống lại nạn buôn bán ĐVHD? Ở nhiều địa phương, chúng tôi đã gửi cả các hình ảnh, thông tin, địa chỉ đến điều tra viên của Cảnh sát môi trường, nhưng hầu hết đều không có phản hồi.

Tại Tây Ninh, chúng tôi còn đưa một đồng chí Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Tây Ninh đến nhà đối tượng. Nhưng đã nhiều tuần trôi qua, khi chúng tôi liên hệ với các đồng chí Cảnh sát môi trường, thì được biết đang tiến hành điều tra để bắt quả tang. Chúng tôi – những nhà báo, chỉ bằng mắt thường và chiếc điện thoại thông minh loại trung bình, mà đến đâu cũng có thể “bắt tận tay, day tận trán” việc buôn bán trái phép này. Điều đó cho thấy, sự vào cuộc của cơ quan chức năng còn chưa quyết liệt, thậm chí thờ ơ cho các đối tượng buôn bán hoạt động, kéo dài thời gian để đối tượng phi tang tang vật. Ở đây, nếu không là sự bao che cho các đối tượng buôn bán ĐVHD, thì cũng là sự coi thường pháp luật của chính những người thực thi.

Chẳng trách, đến nay, riêng các vụ bắt giữ ngà voi có quy mô lớn ở nước ta đã là 39 vụ, với tổng khối lượng lên đến 66 tấn, ước tính có nguồn gốc từ 9.850 cá thể voi. Sau những vụ bắt giữ, các lô hàng với khối lượng lớn ngà voi, vảy tê tê từ Nigeria và các quốc gia khác vẫn tiếp tục đổ vào nước ta, và số lượng lớn các sản phẩm từ hổ vẫn được chào bán. Đó là nguyên nhân khiến EIA cảnh báo về sự thất bại của nước ta trong đấu tranh với nạn buôn bán ĐVHD.

Buôn bán ĐVHD không chỉ là câu chuyện suy giảm nghiêm trọng số lượng các cá thể động vật quý hiếm ngoài tự nhiên; mà hơn thế, còn là vấn đề mất cân bằng sinh thái, dẫn đến những hệ luỵ rất lớn về môi trường sống mà những người u mê ích kỉ kia có thể chưa hình dung nổi. Quan trọng không kém, là sự thờ ơ trên đã làm tổn thương đến nỗ lực và tâm huyết của những người tử tế, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trong lĩnh vực này ở trên trường quốc tế.