20% diện tích đất đai toàn quốc còn bom mìn

ThienNhien.Net – Hiện còn trên 20% diện tích đất đai toàn quốc bị ô nhiễm bom mìn với hơn 100.000 người chết và bị thương từ sau chiến tranh đến nay, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em.

Đó là con số được đưa ra trong chương trình giao lưu “Khắc phục hậu quả bom mìn vì bình yên cuộc sống” vừa được tổ chức nhằm hưởng ứng kỷ niệm Ngày thế giới phòng chống bom mìn (4/4).

Hình ảnh được trưng bày tại triển lãm “Khắc phục hậu quả bom mìn vì bình yên cuộc sống”.
Hình ảnh được trưng bày tại triển lãm “Khắc phục hậu quả bom mìn vì bình yên cuộc sống”.

Theo kết quả sơ bộ của Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn thực hiện năm 2002 cho thấy trên toàn quốc có 9.284 xã trong tổng số 10.511 xã còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, chiếm 88,3% tổng số xã. Tất cả những loại bom mìn, vật nổ này đều rất nguy hiểm trong quá trình lao động sản xuất, công trình xây dựng, có thể gây nổ hoặc tự nổ do thay đổi về tính chất cơ học, lý học hay hóa học.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ của các địa phương trên toàn quốc, số thương vong do bom mìn, vật nổ gây ra từ năm 1975 -2002 là 104.298 người, trong đó số người chết là 42.135 người, bị thương 62.143 người và con số này còn thấp hơn so với thực tế. Tính chung từ năm 1975 đến nay, bình quân mỗi ngày có 3 người chết và 4 người bị thương vì bom mìn. Điều đáng quan tâm là các nạn nhân phần lớn là trẻ em và người lao động chính trong các gia đình. Tuy nhiên, với diện tích đất còn bị ô nhiễm do bom mìn, vật nổ khoảng 20%, với tốc độ rà phá như hiện nay, khoảng 300 năm nữa Việt Nam mới khắc phục xong hậu quả bom mìn do chiến tranh để lại.

Trong chương trình giao lưu, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Để khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 – 2025, sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đã tổ chức biên soạn xong dự thảo Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật khắc phục hậu quả bom mìn; tổ chức thực hiện dự án “Điều tra, lập bản đồ bom mìn toàn quốc” và đã hoàn thành việc điều tra, lập bản đồ bom mìn tại 49/63 tỉnh…

Để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam cần có kinh phí hàng chục tỷ USD với thời gian kéo dài hàng trăm năm, chưa kể hàng tỷ USD cho phục vụ tái định cư, an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn; vì thế, việc tập trung mọi nguồn lực cả trong nước và quốc tế là rất cần thiết. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác tích cực, sự hỗ trợ từ Chính phủ các nước cũng như bạn bè quốc tế để đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”.