Xử lý tình trạng gây ô nhiễm ở khu công nghiệp Khánh Phú

ThienNhien.Net – Trung tuần tháng 12, tại cuộc họp thứ 6 HĐND khóa 13, cử tri Ninh Bình quan tâm đến 24 vấn đề trong đó bao gồm quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản, chế độ chính sách cho các đối tượng bảo trợ xã hội… Đặc biệt, việc ô nhiễm môi trường khí thải và nguồn nước ở khu công nghiệp Khánh Phú được cử tri đặt lên hàng đầu.

Hệ thống xử lý nước thải tại một khu công nghiệp (Ảnh: ThienNhien.Net)
Hệ thống xử lý nước thải tại một khu công nghiệp (Ảnh: ThienNhien.Net)

Không phải đến bây giờ khi kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Ninh Bình( khoá XIII) khai mạc, vấn đề ô nhiễm không khí và nguồn nước ở khu công nghiệp Khánh Phú mới được đông đảo nhân dân các xã Khánh Hoà, Khánh Phú, Khánh An( huyện Yên Khánh) và một số phường nằm gần khu công nghiệp thuộc thành phố Ninh Bình lên tiếng.

Trong lần tiếp xúc cử tri hồi tháng 11 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng với nhân dân các phường Nam Bình, Thanh Bình, Bích Đào (TP Ninh Bình) vấn đề ô nhiễm không khí bởi khí thải của nhà máy đạm và nhà máy kính nổi tại khu công nghiệp Khánh Phú được nhân dân chất vấn nhiều hơn cả.

Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng mới phát hiện rõ vụ việc nhà máy đạm đã gây ô nhiễm môi trường nước cho khu vực. Cụ thể, hồi tháng 3/2012 tại kênh điều hoà nước thải khu công nghiệp Khánh Phú (KCN) đoạn từ cống Kem đến cồng Bà Đại kết quả mẫu nước kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng amôni cao gấp 60 đến 80 lần cho phép. Tháng 9-2012, ba con bò do vô tình uống nước thải tại kênh điều hoà chỉ sau chừng gần 10 phút đã lăn ra chết khiến cơ quan chức năng phải mang mẫu nước thải đi xét nghiệm.

Kết quả là lượng amôni cao hơn 1.030 lần so với quy chuẩn kỹ thuật môi trường Việt Nam cho phép. Gần đây, còn có hiện tượng cá chết hàng loạt tại ngòi sông Chanh. Các cơ quan chức năng (gồm Cảnh sát môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình) bắt quả tang việc nhà máy đạm Ninh Bình xả trộm nước thải không qua xử lý ra sông Đáy với hàm lượng amôni gấp 330 lần qua cống Kem vào rạng sáng ngày 17/10 vừa qua càng làm cho nhân dân địa phương bức xúc.

Không chỉ nguồn nước bị ô nhiễm bởi nước thải chưa qua xử lý đã xả thẳng ra môi trường mà khói bụi của nhà máy đạm, nhà máy kính nổi Tràng An cũng xả ra môi trường nguồn khí thải chưa qua xử lý. Bằng chứng là Bộ Tài nguyên – Môi trường đã xử phạt nhà máy kính nổi Tràng An 25 triệu đồng và Sở Tài Nguyên- Môi trường Ninh Bình trình UBND tỉnh xử phạt 50 triệu đồng do khí thải vượt quá quy chuẩn cho phép, song đến nay tình trạng vẫn chưa được khắc phục.

Theo kết quả công bố chính thức khí thải tại ống khói lò nung, chỉ tiêu điôxít lưu huỳnh cao gấp 8,5 lần quy chuẩn, còn chỉ tiêu ôxít nitơ cao gần gấp ba lần cho phép.

Ai chịu trách nhiệm? 

Trước hết là các nhà máy đã thải nguồn nước, khói bụi không qua xử lý ra môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống hàng nghìn người dân khu vực chung quanh. Nhiều khi, khí thải độc hại theo chiều gió bay tới thành phố Ninh Bình cho dù khoảng cách là gần 7 km. Những ngày trời u ám, không khí nặng, khí thải của các nhà máy không bay lên được theo chiều gió đã tỏa đi các huyện, thị xã trong tỉnh.

Mùi hăng hắc của amôni cùng mùi như cao su đốt cháy lan toả khắp thành phố Ninh Bình trong đêm giá lạnh. Một số người dân phường Bích Đào, Thanh Bình còn cảm thấy tức ngực vì phải sống trong không khí ô nhiễm.

Nguy hại hơn, nguồn nước thải của nhà máy đạm Ninh Bình chưa qua xử lý xả thẳng ra sông Đáy qua cống Kem khiến một số người dân phát hiện nước máy có màu gạch cua, bốc mùi khó chịu. Điều đáng nói là từ cuối tháng 3-2012, Nhà máy đã cho ra tấn sản phẩm đầu tiên nhưng đến nay, gần một năm bể xử lý nước thải của nhà máy vẫn chưa hoạt động. Giải pháp khắc phục tình trạng này là nước thải của nhà máy đạm phải xả ra hệ thống xử lý của nhà máy nước Thành Nam để đổ ra sông Vạc, song thi thoảng, nhà máy đạm không thực hiện bởi lẽ mỗi mét khối nước thải qua xử lý phải đầu tư khoảng tám nghìn đồng trong khi mỗi ngày nhà máy đạm xả ra khoảng 20 nghìn mét khối, mất khoảng 160 triệu đồng. Vì lợi nhuận, nhà máy đã bơm trộm gây ô nhiễm.

Cơ quan chịu trách nhiệm chính trong vấn đề gây ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp Khánh Phú là Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên trong suốt quá trình Nhà máy đạm, Nhà máy kính nổi gây ô nhiễm, Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh dường như chưa tích cực áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Theo Thông tư số 48/2011/TT-BTNMT ngày 28-12-2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến ký có sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2009/TT-BTNMT ngày 15 tháng 7 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quản lý và bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp và cụm công nghiệp ghi rõ: “Điều 4. Tổ chức chịu trách nhiệm trực tiếp về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp và cụm công nghiệp”.

Cụ thể là: “ Ban Quản lý khu kinh tế, Ban Quản lý khu công nghệ cao, Ban Quản lý khu công nghiệp, cơ quan quản lý cụm công nghiệp là các tổ chức chịu trách nhiệm quản lý công tác bảo vệ môi trường KKT, KCNC, KCN và CCN theo chức năng, nhiệm vụ được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện.”.

Theo đó, nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều phải xử lý sơ bộ đạt điều kiện đã thỏa thuận với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung, trừ trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã có trạm xử lý nước thải riêng, như quy định tại khoản 2 Điều 13 của Thông tư số 08/2009/TT-BTNMT ngày 15 tháng 7 năm 2009, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 của Thông tư này (thông tư số 48/TT-BTNMT). Nước thải sinh hoạt của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các tổ chức, cá nhân trong KCNC, KCN và CCN sau khi xử lý sơ bộ (bằng các bể tự hoại,…) phải được xử lý tiếp tại nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCNC, KCN, CCN hoặc tại trạm xử lý nước thải riêng của cơ sở.

Khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh (khoá XIII) được truyền hình trực tiếp tại địa phương, ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: “ Không giá trị kinh tế nào có thể thay thế được cuộc sống của hàng nghìn người dân xung quanh khu công nghiệp và vùng lân cận ở khu công nghiệp Khánh Phú.”

Nếu các chủ đầu tư không nhanh chóng khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp, các cơ quan chức năng ở địa phương phải có biện pháp xử lý nghiêm, kể cả phương án đình chỉ sản xuất để hoàn thiện hệ thống xử lý nước và khí thải theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của Việt Nam, không vì lợi nhuận kinh tế mà đe doạ cuộc sống hằng ngày của người dân.