Việt Nam sẽ công bố bản đồ ô nhiễm bom mìn trong năm nay

ThienNhien.Net – Tại cuộc Tọa đàm “Khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh tại Việt Nam” diễn ra ngày 27/3 tại Hà Nội, đại diện một số nhà tài trợ và chuyên gia quốc tế đã chia sẻ các kinh nghiệm giúp Việt Nam trong lĩnh vực Khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh.

Buổi tọa đàm do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm quốc tế-Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (IC-VVAF) cùng Trung tâm Rà phá bom mìn nhân đạo quốc tế Giơ-ne-vơ (GICHD) đồng tổ chức.

Đại sứ Xtê-phan Hu-xi, Giám đốc GICHD đã tham dự tọa đàm nhân dịp có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 25 đến 27/3. Đại sứ X. Hu-xi đánh giá cao việc Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực Khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh. Ông khẳng định GICHD sẽ hỗ trợ Việt Nam một cách tốt nhất để thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh.

“Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong rà phá bom mìn nên cần chia sẻ kinh nghiệm này với nhiều nước trên thế giới”. Đại sứ X. Hu-xi nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia đi đầu trong lĩnh vực Khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh vì cho đến hiện tại phần lớn nguồn lực để khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ là từ nguồn ngân sách quốc gia.

Quả bom dài 1,4m, nặng 450kg được Lữ đoàn Công binh 414 Quân khu 4 phát hiện, vô hiệu hóa tại địa bàn xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh (Ảnh: Tiền Phong)
Quả bom dài 1,4m, nặng 450kg được Lữ đoàn Công binh 414 Quân khu 4 phát hiện, vô hiệu hóa tại địa bàn xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh (Ảnh: Tiền Phong)

Trong khuôn khổ chuyến thăm, cùng ngày, Đại sứ X. Hu-xi và bà Vơ-gi-ni-a Phút (Virginia Foote), Chủ tịch IC-VVAF đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác ba bên giữa GICHD, IC-VVAF và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Ban chỉ đạo 504).

Tại buổi tọa đàm, Đại sứ Na-uy Xtên T. Ri-xa (Stale T. Risa) đánh giá cao những thành quả Việt Nam đã đạt được trong nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh quốc gia cũng như sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với công tác Khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh. Tuy nhiên, Đại sứ T. Ri-xa cũng lưu ý Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đạt được các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh quốc gia.

Theo ông, tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào một cơ chế thông tin minh bạch cho phép sự tiếp cận của các bên. Tất cả các hoạt động có liên quan đều phải được báo cáo. Tất cả các hoạt động điều tra, rà phá, giải phóng đất đai khỏi mối nghi ngờ ô nhiễm đều phải được báo cáo đầy đủ và nhập vào một cơ sở dữ liệu quốc gia.

Chia sẻ quan điểm với Đại sứ Na-uy, ông Tét Pa-tơ-xơn, Cố vấn cấp cao, Ban Quản lý Chiến lược GICHD cho rằng, các nhà tài trợ cho Chương trình Khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh quốc gia của Việt Nam nhiều khi vẫn còn thiếu thông tin về các ưu tiên của Việt Nam trong chương trình này.

Cụ thể, theo ông, để huy động được các nguồn tài trợ bổ sung từ phía các nhà tài trợ quốc tế, Việt Nam cần giúp các nhà tài trợ hiểu rõ hơn về những ưu tiên hành động của mình. Ngoài ra, cần thiết lập một cơ chế điều phối với các nhà tài trợ và đối thoại chính sách giữa Việt Nam với các nhà tài trợ cho Chương trình Khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh.

Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện Trung tâm Hành động khắc phục bom mìn Việt Nam (VBMAC) thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm nay, Việt Nam sẽ công bố bản đồ ô nhiễm bom mìn. Việc này được hy vọng sẽ giúp thúc đẩy tiến độ cũng như hiệu quả của công tác Khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh tại Việt Nam. Ông Bùi Hồng Lĩnh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá cao sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế đối với Việt Nam và đề nghị tiếp tục dành cho Việt Nam sự giúp đỡ để sớm khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh.