Tuyển rửa quặng ba-rít gây ô nhiễm môi trường ở Bắc Kạn

ThienNhien.Net – Thời gian vừa qua, dư luận nhân dân xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) vô cùng bất bình trước việc Công ty cổ phần Đầu tư và Khai thác ba-rít Bắc Kạn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Đáng chú ý, công ty có nhiều sai phạm…

Bục hồ chứa, nước thải và bùn đỏ chảy ra môi trường

Trước đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Khai thác ba-rít Bắc Kạn (Công ty Ba-rít Bắc Kạn) khai thác ba-rít tại mỏ Phạc Lẫm, xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn bằng phương pháp sàng tuyển khô. Cuối năm 2012, công ty này chuyển sang phương pháp tuyển nước nhằm thu hồi tối đa quặng còn lẫn trong đất mà tuyển khô không lấy được.

Đang trong quá trình tuyển rửa, ngày 30/1/2013 thì hồ chứa chất thải bị bục, làm cho nước thải và bùn đỏ chảy ra suối Phạc Lẫm. Cả dòng suối Phạc Lẫm dài đến 15 km bị “nhuộm” một màu đỏ quạch, đoạn gần hồ chứa bị bục, lớp bùn đỏ lắng đọng dày hơn một gang tay. Sự cố này, làm cho dư luận xã Lãng Ngâm vô cùng bất bình, cá của nhân dân thả ở suối bị chết, Công ty Ba-rít Bắc Kạn phải đền bù cho nhân dân 20 triệu đồng. Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Bắc Kạn) xử phạt vi phạm 20 triệu đồng.

Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn, Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Bắc Kạn) yêu cầu công ty này tạm dừng hoạt động tuyển rửa quặng ba-rít tại đây nhằm đề phòng tiếp tục gây ô nhiễm môi trường.

Theo Quyết định số 2767/GP-UBND, ngày 14/9/2009 của UBND tỉnh Bắc Kạn, Công ty Ba-rít Bắc Kạn được phép khai thác quặng ba-rít ở mỏ Phạc Lẫm trên diện tích 33 ha, trữ lượng khai thác là 235.600 tấn (117.800 tấn/năm), với thời gian ba năm, tháng 8-2012 là hết thời hạn khai thác. Tuy nhiên, ngày 11/7/2012, UBND tỉnh Bắc Kạn lại cho phép công ty này tiếp tục sàng tuyển, thu hồi khối lượng quặng ba-rít lẫn trong đất thải với khối lượng 60 nghìn tấn bằng Công văn số 1759/UBND-CN, thời gian đến hết năm 2013. Đồng thời, UBND tỉnh Bắc Kạn cũng cho phép Công ty Ba-rít Bắc Kạn hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo kết quả thăm dò, nâng cấp trữ lượng gửi các cơ quan chức năng thẩm định, xem xét thủ tục cấp phép (khai thác) tiếp.

Hồ chứa nước thải và bùn đỏ tại mỏ ba-rít Phạc Lẫm bị bục, gây ô nhiễm môi trường
Hồ chứa nước thải và bùn đỏ tại mỏ ba-rít Phạc Lẫm bị bục, gây ô nhiễm môi trường

Vẫn có nguy cơ bục hồ chứa…

Sau khi cho phép Công ty Ba-rít Bắc Kạn tiếp tục thu hồi quặng sau khi đã hết hạn khai thác (tháng 8-2012) bằng Công văn 1759/UBND-CN, ngày 28/12/2012, UBND tỉnh Bắc Kạn lại tiếp tục có Công văn 3627/UBND-CN, chấp thuận đề nghị của Sở Công thương, đồng ý cho doanh nghiệp (Công ty Ba-rít Bắc Kạn) được bổ sung phương pháp tuyển ướt để thu hồi tối đa khoáng sản còn tồn tại mỏ.

Theo quy định, Công ty Ba-rít Bắc Kạn phải xây dựng phương án bổ sung công nghệ tuyển nước trình cơ quan chuyên môn cho ý kiến thẩm định trước khi quyết định phê duyệt; lập bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung gửi cơ quan chuyên môn thẩm định và phê duyệt.

Tuy nhiên, chẳng những “phớt lờ” những quy định mang tính bắt buộc đó, công ty này còn thực hiện tuyển ướt từ trước khi UBND tỉnh có Công văn 3627/UBND-CN cho phép hàng chục ngày, cho đến nay cam kết bảo vệ môi trường bổ sung chưa được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt. Cùng với đó, các hồ sơ khai thác sử dụng nước mặt, đăng ký chủ nguồn thải chất nguy hại cũng không có.

Sau khi gây ra sự cố hồ chứa chất thải bị tụt hang caster làm nước thải và bùn đỏ chảy ra suối Phạc Lẫm, gây ô nhiễm môi trường, Công ty Ba-rít Bắc Kạn xử lý bằng cách dùng bạt để che chắn lỗ bị sụt lún, dùng máy xúc đổ đất đá lấp hố. Với cách xử lý như vậy liệu có bảo đảm? Mặt khác, theo nhận định của cơ quan chức năng, khu vực bờ đập chứa nước và bùn đỏ còn có nhiều hang caster nên khó bảo đảm an toàn cho bờ đập của hồ chứa chất thải, nhất là trong mùa mưa. Do đó, khó lường trước các sự cố trong thời gian tới.

Báo cáo của Công ty Ba-rít Bắc Kạn, khai thác ba-rít ở mỏ Phạc Lẫm từ năm 2009 đến nay, công ty này nộp các loại thuế, phí cho địa phương được tổng cộng gần 4,4 tỷ đồng, trong đó từ đầu năm 2013 đến nay, nộp được 101 triệu đồng cho ngân sách địa phương. Với hiệu quả kinh tế mang lại cho Nhà nước như thế, có đáng để đánh đổi với những hậu quả trực tiếp và nguy cơ lâu dài về mặt môi trường do hoạt động khoáng sản ở đây gây ra?