Cứu lấy rừng Đà Nẵng!

Kỳ 1: Tan hoang rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa

ThienNhien.Net – Những vụ phá rừng với quy mô lớn, diện tích rộng, thời gian dài cộng với hàng loạt trường hợp xây dựng, chuyển nhượng trái phép đất rừng là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý và bảo vệ rừng của Đà Nẵng. Có vào tận lõi, đi đến những vùng giáp ranh mới thấy được “lá phổi” của thành phố đã bị biến dạng chỉ trong một thời gian ngắn.

KL địa bàn nói việc mở đường La Sơn - Túy Loan cũng tạo điều kiện để lâm tặc khai thác, vận chuyển gỗ thuận lợi hơn.
kiểm lâm địa bàn nói việc mở đường La Sơn – Túy Loan cũng tạo điều kiện để lâm tặc khai thác, vận chuyển gỗ thuận lợi hơn.

Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã có 2 lần thâm nhập vùng lõi của rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa để chứng kiến hiện trạng của những vụ phá rừng nghiêm trọng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Lần trước là năm 2014, khi hàng chục lâm tặc đã ăn dầm nằm dề trong một thời gian dài tại các tiểu khu giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam thuộc thôn Láy, xã Tư, H. Đông Giang để “xẻ thịt” khối lượng gỗ khổng lồ. Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng sau đó, tổng cộng đã có 154,360m3 gỗ tròn cây đứng nguyên khai bị đốn hạ, giá trị thiệt hại tạm tính là 4,278 tỷ đồng. Trong khi vụ án đang trong giai đoạn hoàn tất quá trình điều tra, truy tố, chuẩn bị đưa ra xét xử thì lâm tặc lại có thời gian hàng tháng trời để triệt hạ khối lượng lớn gỗ quý tại các tiểu khu 12, 13 và 20, giáp ranh với H. Nam Đông, TT-Huế.

Từ trung tâm xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang, mất hơn một giờ đồng hồ qua 2 ngầm nước chảy xiết và những con dốc dựng đứng, chúng tôi có mặt tại khu vực thuộc tiểu khu 20, một trong những vị trí có số lượng gỗ bị đốn hạ nhiều nhất của rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa. Khi đoạn đường La Sơn – Túy Loan được khởi công xây dựng, chuyện đi lại không còn khó khăn thì cũng là lúc lâm tặc cũng được “hưởng lợi” để khai thác và vận chuyển gỗ từ rừng ra ngoài thuận tiện hơn. Nhờ dẫn đường lên hiện trường vụ phá rừng, một cán bộ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sông Nam bảo, “bây giờ anh em đi địa bàn hết, không còn người dẫn đường”. Để đến được chính xác địa điểm, chúng tôi điện thoại hỏi ông Lê Đình Thám – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hòa Vang thì ông Thám nói “khó lắm, cần thiết thì lên, nếu không cứ về Hạt, ông cung cấp hết số liệu, hình ảnh hiện trường”. Chúng tôi đành phải tự tìm đường đi.

Từ trục đường chính đang được thi công, có rất nhiều đường xương cá cắt rừng đến những địa điểm có nhiều loại gỗ quý như trám đinh, sơn huyết, xoan đào… Dẫn chúng tôi đến hiện trường, một người dân đi làm rẫy, chua chát: Dân ở đây sống trên “rừng vàng” mà vẫn nghèo. Vàng thì người ta khai thác vô tội vạ rồi lấy đi, ô nhiễm thì dân lãnh hết. Gỗ thì lâm tặc khai thác hàng tháng trời “gọn gàng” mà ngành chức năng không hề hay biết. Trên tiểu khu 20, cây nào trước đây cao to thì giờ còn lại mỗi gốc thôi.

Hiện trường mà chúng tôi đến chỉ cách đất của H. Nam Đông, TT-Huế khoảng 3km. Nơi đây từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11 vừa qua, lợi dụng sự buông lỏng quản lý của cơ quan kiểm lâm, lâm tặc đã kéo vào khu vực nằm giữa đất rừng sản xuất và rừng đặc dụng để khai thác gỗ. Rừng bị tàn phá nặng nề, kéo dài hàng tháng trời được ông Phan Thế Dũng – Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa giải thích là do thời gian cuối năm thường xuyên có mưa lớn nên cán bộ Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Tà Lang – Hòa Bắc phải rút về Trạm Sông Nam. Lợi dụng địa hình hiểm trở, thời tiết không thuận lợi cho việc tuần tra, truy quét bảo vệ nên các đối tượng khai thác gỗ trái phép đã lén lút vào khu vực giáp ranh giữa rừng trồng và rừng đặc dụng để ra tay.

200116_rungDaNang2 200116_rungDaNang3

Chỉ trong một thời gian ngắn, 2 vụ phá rừng nghiêm trọng đã khiến RĐD Bà Nà - Núi Chúa tan hoang (trong ảnh: Những cây gỗ cổ thụ giờ chỉ còn lại gốc).
Chỉ trong một thời gian ngắn, 2 vụ phá rừng nghiêm trọng đã khiến rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa tan hoang (trong ảnh: Những cây gỗ cổ thụ giờ chỉ còn lại gốc).

Sau khi đi thực tế ở hiện trường, phải mất nhiều lần hẹn, chúng tôi mới làm việc được với ông Lê Đình Thám – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm H. Hòa Vang. Trái với lời hứa cung cấp hết số liệu, hình ảnh hiện trường, ông Thám nói vụ việc đã được chuyển cho CQĐT nên bây giờ không thể thông tin gì thêm cho báo chí! Khi nói về việc gỗ bị khai thác trái phép thì ông Thám cho rằng: “Ông bà mình ngày xưa ngồi cưa cả ngày không được một gốc cây, giờ lâm tặc có cưa lốc, vài tiếng đồng hồ là cưa hết dăm ba cây liền” – ông Thám ví von. Nhưng khi hỏi vì sao rừng bị tàn phá trong thời gian dài mà cơ quan chức năng không biết thì ông lại cho rằng “địa hình phức tạp” nên việc tuần tra gặp khó khăn.

Sau khi giải thích chuyện không thể cung cấp thêm thông tin do hồ sơ đã chuyển cho CQĐT, ông Thám cũng tạm tính khối lượng gỗ thành phẩm đã bị lâm tặc triệt hạ tại các tiểu khu 12, 13, 20 là khoảng hơn 100m3, bao gồm trám đinh, sơn huyết, xoan đào. Nhưng đa số đã được tẩu tán, vận chuyển khỏi hiện trường, cơ quan kiểm lâm chỉ thu hồi lại được khoảng 10m3 nằm rải rác trong rừng. Sau khi đề cập đến các yếu tố như khai thác gỗ là “miếng cơm manh áo của người dân, cơm áo gạo tiền của các đối tượng”, ông Lê Đình Thám kết luận rằng, nói gì thì nói, kiểm lâm phải nhận trách nhiệm, ông Lê Huy Ngọ hồi làm Bộ trưởng Bộ NN&PTNT mà còn nhận trách nhiệm chuyện phá rừng ở trong miền Nam nữa là mình!

Trong một thời gian ngắn, nhiều loài gỗ quý đã bị “hô biến” khỏi rừng Hòa Vang. Trong đó, được giao quản lý khoảng 33.000ha rừng, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa với nhiệm vụ phối hợp cùng cơ quan cùng cấp của H. Đông Giang quản lý đã để lâm tặc từ nhiều địa phương trên cả nước thoải mái gây ra vụ phá rừng lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực rừng Cà Nhông. Không lâu sau, lại đến lượt hàng loạt gỗ quý hàng trăm năm tuổi khu vực giáp ranh với H. Nam Đông, TT-Huế cũng ngã xuống. Rõ ràng, rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa đang “hấp hối”, nếu chính quyền và ngành chức năng không sớm có phương án quản lý, bảo vệ hiệu quả thì không còn lâu nữa, “lá phổi xanh” của thành phố sẽ bị khai tử.