“Rừng: Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên” (Kỳ cuối)

Kỳ 3: Cuộc sống của những chiến sĩ áo xanh

ThienNhien.Net –  Tôi đã nghe kể về những cuộc chiến cam go giữa kiểm lâm và lâm tặc, cảm nhận được sự nguy hiểm rình rập những người lính áo xanh khi các anh phải quyết chiến để bảo vệ rừng. Sau những ngày theo chân nhóm kiểm lâm ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung, tôi được biết thêm một góc nhìn chân thực mà cũng nghiệt ngã về công việc và cuộc sống của các anh. Tôi băn khoăn “Điều gì đã giữ chân các anh ở lại với rừng?”

Chốt bảo vệ rừng Tát Kẻ, ngôi nhà thứ 2 của anh Lê Công Viên.

Chốt bảo vệ rừng Tát Kẻ là một trong 8 chốt bảo vệ rừng của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang. Đó là một ngôi nhà sàn nhỏ đã được dựng cách đây gần chục năm.

Anh Lê Công Viên làm kiểm lâm đã 31 năm, nay 52 tuổi. Anh mới được luân chuyển về chốt được nửa năm nay, trước giữ một chốt khác, cũng trong địa bàn xã Khau Tinh này. “Sáu tháng vừa rồi mình ở đây có một mình, cũng may vừa rồi lãnh đạo bổ sung thêm một nhân viên tuần rừng nữa”- anh Viên cởi mở chia sẻ.

Người tuần rừng mới được nhận vào công tác là anh Bế Văn Minh, một thanh niên quê ở xã Sơn Phú, cùng huyện Nà Hang. Sáng nay, anh Minh phối hợp tuần rừng cùng chốt khác nên chỉ còn mình anh Viên giữ chốt.

Anh Viên cho biết địa bàn do hai anh quản lý rất rộng, hiện vẫn chưa đo đạc được chính xác nhưng cũng chừng vài nghìn héc ta. Trong suốt 6 tháng khi anh Minh chưa về, anh Viên chỉ có hai người bạn là chiếc đài và con cá cờ nuôi trong chai nước. Điện không có, nên phải kéo dây hơn 1 km xin đấu nối với dây điện của bà con thôn Tát Kẻ vốn đã chỉ đủ để sáng lờ mờ bóng đèn. Nhiều hôm có cành cây hay rác dính vào cánh quạt thì đến cả ánh sáng mờ cũng không có nổi.

Ngôi nhà sàn của hai anh nằm sát mép suối, thỉnh thoảng từng cơn gió mát thoảng qua. Chiếc ti vi đen trắng cũ rích nằm gọn một góc cùng chiếc máy phát điện không còn cánh quạt và củ nam châm. Anh mang cái ti vi và bộ dàn chảo lên, hy vọng xem những lúc nghỉ ngơi nhưng giờ chúng cũng thành vô dụng. Chiếc máy phát điện cũng chỉ duy trì được hơn một tháng. Tôi quan sát đồ dùng cá nhân của anh, ngoài quần áo, giày tất, cũng chỉ có thêm chăn màn.

Nói không may lỡ cháy rừng thì sao?” – tôi buột miệng hỏi. “Chắc cũng chỉ báo ra ngoài xin hỗ trợ thôi, vì ở chốt có trang thiết bị gì đâu”. – Anh Viên lắc đầu.

Bữa cơm giữa rừng

Anh Viên nhóm bếp nấu cơm. Thi thoảng có người dân thôn đi ngang qua gọi ới vào chào anh, trong hiên lại có tiếng vui vẻ đáp vọng ra.

Mải ngồi nói chuyện, chúng tôi không để ý anh Viên đã đi ra ngoài từ lúc nào. Lát sau, thấy anh trở về với mấy ngọn măng đắng và mấy cây nấm rừng. Chỗ rau ấy cũng đã trở thành hai món thịnh soạn cho bữa cơm giữa rừng của chúng tôi.

Anh Viên đang chuẩn bị bữa cơm đạm bạc mời sau một ngày tuần rừng mệt mỏi.

Anh Viên đào một cái ao nho nhỏ gần chốt để thả rau muống và quây một góc con con làm một mảnh vườn nhỏ trồng rau nhưng trâu, bò của người dân thả dông thỉnh thoảng vào dẫm nát sạch. Độ đôi tuần có việc ra ngoài hoặc ghé về thăm gia đình, anh mới kết hợp mua được ít dầu mỡ, mắm muối và ít thịt để cải thiện.

Trong những chuyến tuần rừng không kịp về chốt, việc phải ăn rau rừng đốt ống nứa chấm muối là chuyện thường, vậy mới có sức mà đi tiếp.

Vì xa nhà nên có tháng anh Viên chỉ ghé về nhà thăm vợ con một lần, cũng may các cháu đều đã lớn. Anh khoe: “Vợ mình rất hiền lành, lại biết thông cảm cho công việc của mình nên cũng đỡ, chứ bản thân mình trong này nhiều khi nghĩ về cũng lo lắm, chẳng biết vợ con ở nhà thế nào? Ở đây muốn gọi điện cũng không được vì không có sóng điện thoại, cơ quan cấp cho chiếc máy bàn thì cũng đã hỏng sạc pin.

Đánh bay nồi cơm đầy cùng hai món rau rừng anh Viên chiêu đãi, chúng tôi ai nấy lăn ra giường sau chặng đường đi bộ mệt nhọc. Anh Viên lặng lẽ mang chiếc đài con con ra hiên nhà. Bên cạnh là chai nước có chú cá cờ cứ lượn đi lượn lại. Hôm ấy, sau khi vào thôn, chúng tôi trở lại nghỉ cùng hai anh một đêm. Bữa chiều đã có chất tanh, đó là món cua luộc, cộng thêm ít cá mà anh Minh đi tuần mua của ngư dân hồ thủy điện. Chỉ một ít cá nhưng dưới bàn tay đầu bếp cừ khôi cũng lên được ba món, nào là cá nướng, cá kho trám 3 cạnh, cá băm nhỏ rang cùng rau răm.

Bữa cơm tối kết thúc, chúng tôi trò chuyện với nhau mãi cho đến tận khuya. Tôi còn nhớ câu nói tếu của anh Minh: “Mình chưa vợ, cũng muốn tìm cô nào để yêu nhưng nhắc đến mình là kiểm lâm tuần rừng thì chắc các cô chạy mất dép.”

Cuộc sống thường ngày của những người kiểm lâm chốt Tát Kẻ, Nà Hang:

Chuẩn bị một bữa cơm

 

Hái rau rừng
Đôi khi, nấm rừng được dùng thay rau
Những phút nghỉ ngơi nghe tiếng chim hót, voọc gọi đàn trong rừng già của anh Bế Văn Minh.
Hay nghe đài, ngắm cá cảnh của anh Lê Công Viên
Sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.