Mắc áo thép, tháp điện gió vào Mỹ có thể chịu thuế cao

ThienNhien.Net – Mắc áo thép và tháp điện gió xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ có thể chịu thêm thuế phạt từ hơn 50% đến hơn 200% sau khi Bộ Thương mại Mỹ ra quyết định hai sản phẩm trên bán phá giá và có trợ cấp từ chính phủ.

211212_1KT_diengio
(Ảnh minh họa: Dân Trí)

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Bộ thương mại Mỹ (DOC) hôm 18/12 công bố quyết định cuối cùng của cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng mắc áo thép (steel wire hanger) nhập khẩu từ Việt Nam. Vụ kiện bắt đầu vào tháng 12/2011, và DOC tiến hành điều tra vào tháng 1/2012.

Cụ thể, DOC khẳng định hai bị đơn bắt buộc là Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đông Nam Á Hamico (Hamico) và Công ty TNHH công nghiệp móc áo Cao Quý đã nhận trợ cấp trái với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ Chính phủ Việt Nam, như ưu đãi tiền thuê đất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi cho vay xuất khẩu.

Theo đó, DOC sẽ hướng dẫn Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ thu các khoản đặt cọc bằng tiền mặt bằng với mức biên độ phá giá bình quân gia quyền. DOC cũng tiếp tục dừng việc thanh khoản đối với các lô hàng và yêu cầu phải nộp khoản tiền đặt cọc tương đương với mức thuế chống trợ cấp cuối cùng.

Tuy nhiên, mặt hàng trên nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ có chính thức bị áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp hay không còn phụ thuộc vào kết luận của Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (ITC), dự kiến công bố vào ngày 31/1/2013. Nếu ITC xác định có thiệt hại đối với ngành sản xuất của Mỹ thì DOC sẽ ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp vào ngày 7/2/2013. Nếu ITC xác định không có thiệt hại, thì vụ việc sẽ chấm dứt.

Theo số liệu thống kê của Mỹ, Việt Nam xuất khẩu mắc áo sang Mỹ với trị giá khoảng 19,5 triệu đô la Mỹ trong năm 2009, 29 triệu đô la Mỹ trong năm 2010, và 32 triệu đô la Mỹ trong năm 2011.

Ngoài ra, cũng trong ngày 18/12, DOC ra quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá sau khi tiến hành điều tra sản phẩm tháp điện gió (utility scale wind towers) nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, bị đơn bắt buộc là Công ty CS Wind Corporation và Công ty TNHHH CS Wind Việt Nam (gọi chung là CS Wind Group) được xác đinh biên độ phá giá là 51,50%. Các nhà sản xuất và xuất khẩu khác của Việt Nam có biên độ phá giá cuối cùng là 58,49%.

Tuy nhiên, lệnh áp thuế cũng còn tùy thuộc vào quyết định của ITC dự kiến vào ngày 31/1/2013. Nếu ITC xác định có thiệt hại với ngành sản xuất của Mỹ, thì DOC sẽ ban hành lệnh áp thuế vào ngày 7/2/2013.

Trong khi đó, biên độ phá giá của mặt hàng này từ Trung Quốc vào Mỹ từ 44,99% đến 70,63% đối với Trung Quốc. DOC cũng xác định biên độ trợ cấp mà các nhà sản xuất/xuất khẩu Trung Quốc nhận được là từ 21,86% đến 34,81%.

Trong năm 2011, mặt hàng tháp điện gió Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam ước đạt 79 triệu đô la Mỹ, trong khi từ Trung Quốc có giá trị 222 triệu đô la.