Giải pháp tài chính bền vững cho Khu bảo tồn biển và mô hình ở Cù Lao Chàm

Khu bảo tồn biển được xem là “công cụ” hữu hiệu trong việc giảm thiểu sự suy giảm nguồn lợi do tác động của hoạt động khai thác, đồng thời giúp phục hồi sức khỏe các hệ sinh thái biển và cải thiện sinh kế cộng đồng địa phương, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và nhiều nghiên cứu gần đây còn chỉ ra vai trò của bảo tồn biển đối với việc thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để vận hành hiệu quả một khu bảo tồn biển, cần rất nhiều yếu tố, trong đó giải pháp tài chính bền vững là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Thực tiễn quản lý tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam cho thấy để duy trì nguồn tài chính bền vững cho khu bảo tồn biển, cần phải hiểu được các giá trị dịch vụ sinh thái mà khu bảo tồn biển đó mang lại, hiểu được nhu cầu sử dụng các giá trị dịch vụ và nguyên tắc tối quan trọng là người sử dụng dịch vụ phải trả tiền. Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu ý nguồn tài chính thu được từ sự gia tăng giá trị lợi ích sinh thái đó phải được tái đầu tư cho sức khỏe hệ sinh thái của khu bảo tồn.

Bãi Bấc, Cù Lao Chàm (Ảnh Chu Manh Trinh)

Quản lý khu bảo tồn biển theo hướng tổng hợp và điều phối

Cấu trúc hệ sinh thái là nền tảng hình thành các chức năng dịch vụ của hệ sinh thái và là tiền đề của các lợi ích mà hệ sinh thái mang lại cho chúng ta. Một khi cấu trúc hệ sinh thái bị phá vỡ, chúng ta sẽ phải mất hàng chục hoặc hàng trăm năm mới gây dựng lại được, thậm chí đôi khi mất vĩnh viễn: như rừng ngập mặn bị san lấp, rạn san hô bị chết, bãi biển bị xói lở… Hiện nay, cấu trúc hệ sinh thái và sức khỏe hệ sinh thái như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi biển, vùng cửa sông tại các khu bảo tồn biển hoặc các vùng lân cận đã và đang bị uy hiếp, tổn thương ngày một trầm trọng. Do đó, chúng ta cần quản lý các khu bảo tồn biển theo hướng tổng hợp và điều phối tốt hoạt động bảo tồn này.

Kết quả nghiên cứu về quản lý bảo tồn tại Cù Lao Chàm cho thấy hoạt động điều phối bảo tồn biển không chỉ đòi hỏi năng lực hiểu biết về các mô hình phát triển bền vững liên quan từ thượng nguồn đến biển khơi mà còn cần kỹ năng làm việc với cộng đồng cũng như trong nghiên cứu thực địa, trong phòng thí nghiệm và kể cả bảo tàng, đặc biệt cần vững vàng trong quá trình phân tích, xây dựng chính sách, hỗ trợ tư vấn cho cộng đồng xây dựng chính sách phát triển bảo tồn biển và kinh tế – xã hội địa phương (tham khảo Hình 1 dưới đây).

Hình 1: Khung điều phối hoạt động bảo tồn biển tại Cù Lao Chàm

Các hoạt động điều phối trong quá trình bảo tồn tại Cù Lao Chàm phần lớn tập trung vào hỗ trợ giới thiệu kiến thức, sử dụng kiến thức thông qua kỹ năng và thể hiện hành động. Vì vậy hoạt động giáo dục, truyền thông bảo vệ tài nguyên môi trường là nhiệm vụ hàng đầu của bảo tồn, bên cạnh đó là hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng kiến thức, hiểu biết và thông tin về nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, môi trường cũng như văn hóa xã hội trong và xung quanh khu bảo tồn. Ngoài ra, hoạt động xây dựng và phát triển sinh kế phù hợp với bảo tồn cũng được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho người dân địa phương có thể tham gia thể hiện hành động bảo tồn và kinh tế xã hội đi kèm. Hoạt động với sự tham gia đầy đủ các bên liên quan và người dân địa phương nhằm xây dựng công cụ quản lý như kế hoạch quản lý khu bảo tồn, quy chế quản lý khu bảo tồn, kế hoạch và quy chế quản lý chuyên đề về hệ sinh thái vùng cửa sông ven bờ.

Hình 2: Tập hợp và liên kết các nhóm hoạt động cơ bản trong khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Về vấn đề chi phí và lợi ích của quá trình quản lý tổng hợp bảo tồn biển, đối với trường hợp Cù Lao Chàm, chi phí bảo tồn tập trung vào các nhóm hoạt động tư vấn truyền thông, giáo dục, nghiên cứu, sinh kế, tuần tra, giám sát, quan hệ quốc tế, tham quan học tập, vệ sinh môi trường, bảo vệ, phục hồi, bảo tàng. Các lợi ích bảo tồn mang lại không chỉ là du lịch mà còn là thủy sản, nguồn lợi, giáo dục, nghiên cứu… Tuy nhiên, hiện tại, du lịch là hoạt động chiếm ưu thế tại các khu bảo tồn và nguồn thu chính đến từ sự đóng góp của du khách thông qua vé tham quan học tập. Trong tương lai, trên cơ sở áp dụng các tiến bộ từ khoa học kỹ thuật, công nghệ, việc tính toán chia sẻ trách nhiệm từ các hoạt động khác trong khu bảo tồn biển như thủy sản, nguồn lợi, giáo dục, môi trường, sức khỏe được tiến hành và lợi ích mang lại từ các hệ sinh thái khỏe mạnh sẽ được mở rộng và gia tăng.

Quá trình đầu tư xây dựng khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được bắt đầu từ 10/2003 đến 10/2011 với nguồn vốn đầu tư từ chính phủ Đan Mạch và sự hỗ trợ từ các cơ quan liên quan của Việt Nam. Trong vòng hơn 8 năm đầu tư lớn, tổng chi phí cho các hoạt động bảo tồn tại Cù Lao Chàm gần 2,5 triệu đô (tương đương khoảng 50 tỷ đồng), tuy nhiên cũng trong khoảng cuối thời gian đó, hoạt động du lịch đã bắt đầu có sự đóng góp trở lại cho bảo tồn Cù Lao Chàm thông qua vé tham quan Khu Bảo tồn biển. Trong những năm gần đây, vé tham quan khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã được chấp thuận ở mức 70.000 đồng/người, theo số lượng trung bình du lịch khoảng 500.000 lượt khách/năm, Cù Lao Chàm cũng đã tập hợp được một nguồn kinh phí đáng kể cho việc tái đầu tư trở lại các hệ sinh thái của khu vực.

Hình 3: Phân tích chi phí và lợi ích quá trình xây dựng và phát triển Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Nhìn chung, phân tích chi phí và lợi ích từ các khu bảo tồn biển cho thấy việc đầu tư ban đầu để đạt được sự đồng thuận cao trong cộng đồng thường kéo dài từ 8 đến 10 năm, đối với Cù Lao Chàm cũng vậy, thời gian đầu tư được tính từ những ngày đầu cho đến khi được đồng thuận cao và nguồn thu từ du lịch một cách đáng kể được tính tổng cộng đến hơn 11 năm.  Việc xây dựng và hoàn thiện các kỹ năng điều phối tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm từ việc tiếp nhận kiến thức đến thành thạo sử dụng và thể hiện được hành động được tính toán tổng từ 8 đến 10 năm, tuy nhiên các khu bảo tồn khác ngày nay, có thể rút ngắn được quãng thời gian này theo tiếp cận kinh nghiệm điều phối của Cù Lao Chàm.

Dự báo thời gian đạt được sự đồng thuận bảo tồn, nếu bắt đầu từ kinh nghiệm Cù Lao Chàm sẽ được rút ngắn còn lại từ 3 đến 5 năm. Câu hỏi đặt ra là tại sao, nếu học tập kinh nghiệm Cù Lao Chàm thì thời gian đồng thuận cho bảo tồn được rút ngắn còn lại từ 3 đến 5 năm? Thực ra trong quá trình xây dựng và phát triển bảo tồn biển Cù Lao Chàm, thời gian tìm kiếm, nghiên cứu cho các phương pháp tiếp cận, giáo dục, truyền thông cộng đồng rất dài, chiếm hơn 1/3 đến 1/2 tổng số thời gian đạt được đồng thuận cao tại đây. Vì vậy, học tập Cù Lao Chàm là học tập các phương pháp tiếp cận, các kỹ năng từ thực tiễn trong công tác cộng đồng. Đồng thời Cù Lao Chàm đã và đang là hiện trường lớn cho việc đào tạo các nguồn lực này đến các khu bảo tồn mới tại địa phương và khu vực. Một vài khu bảo tồn mới như Khu Bảo tồn hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh, Khu Bảo tồn Đảo Bé, Lý Sơn, Quảng Ngãi cũng đang trong quá trình tiếp cận theo hướng Cù Lao Chàm.

Hình 4: Phân tích chuỗi thời gian hoạt động xây dựng năng lực điều phối quản lý bảo tồn biển (Nghiên cứu xây dựng năng lực điều phối hoạt động bảo tồn biển Cù Lao Chàm).

Các nguồn lực đầu vào quá trình quản lý tổng hợp

Nguồn lực đầu vào của quá trình quản lý tổng hợp tại các khu bảo tồn, đặc biệt các khu bảo tồn biển trước hết phải là tại địa phương, trên cơ sở phân tích theo hướng tiếp cận tài sản cộng đồng. Kinh nghiệm của khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tập hợp được nguồn lực này là sức mạnh tổng hợp giúp cho Khu Bảo tồn biển vận hành quá trình quản lý bảo vệ, bảo tồn tài nguyên và môi trường tại địa phương.

 

Hình 5: Mô phỏng các quan hệ của doanh nghiệp bảo tồn trong khung hợp tác với 4 thành phần cơ bản của xã hội (quản lý, khoa học, doanh nghiệp và người dân)

Với sự mô tả các mối quan hệ giữa 4 thành phần cơ bản trong cộng đồng, năng lực điều phối bảo tồn được cải thiện dần theo nguồn nhân lực chuyên môn cùng với trang thiết bị, cơ sở vật chất và sự đồng thuận của cộng đồng. Sản phẩm của sự điều phối là sự đồng thuận, hay nói cách khác sản phẩm của điều phối bảo tồn là sự đồng thuận. Chất lượng của sự đồng thuận được diễn tả theo các mức độ biết, hiểu, làm, kiểm tra, ra quyết định.

Doanh nghiệp bảo tồn

Thông thường, việc quản lý, bảo vệ, bảo tồn, hoặc sử dụng các nguồn tài nguyên môi trường tại Việt Nam và thế giới đều là nhiệm vụ của nhà nước. Tuy nhiên, nếu như quản lý bảo tồn biển được nhìn nhận tách biệt hai góc độ về quản lý (governance) và quản trị/điều phối (management) thì cũng có thể phân chia hai nhóm chức năng chủ đạo này theo hai chủ thể với trách nhiệm tương tác nhau một cách hài hòa hơn giữa các yếu tố thực thi và chỉ đạo. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng của các dịch vụ sinh thái, văn hóa và cộng đồng mà còn góp phần đa dạng hóa các nguồn lực cho đầu tư hoạt động bảo tồn. Vì vậy, bên cạnh chức năng quản lý (governance) do Nhà nước đảm nhận thì chức năng quản trị/điều phối (management) có thể được đảm nhiệm theo một chủ thể chuyên môn gọi là doanh nghiệp bảo tồn.

Hình 6: Mô phỏng điều phối hoạt động bảo tồn được đảm nhiệm bởi một đơn vị kinh tế gọi là doanh nghiệp bảo tồn theo quy trình quản lý tổng hợp (Nghiên cứu chuyển giao mô hình điều phối bảo tồn biển Cù Lao Chàm đến các địa phương).

Doanh nghiệp bảo tồn được hiểu như là một đơn vị kinh tế thực hiện các nhiệm vụ khoa học ứng dụng phục vụ cho công tác bảo tồn. Doanh nghiệp bảo tồn được gọi như vậy bởi vì đơn vị kinh tế này cũng là một doanh nghiệp, có nghĩa là trong hoạt động sản xuất, kinh doanh họ vẫn là đơn vị thực hiện các quá trình lao động hình thành sản phẩm và sản phẩm của họ vẫn là một sự tồn tại các kết quả nhất định mà chúng ta thường gọi là “đồng thuận” hoặc “partnership” trong một hệ thống quản lý tổng hợp.

Doanh nghiệp bảo tồn được hiểu theo khung hợp tác với 4 thành phần cơ bản của xã hội là quản lý, khoa học, doanh nghiệp và người dân, là đơn vị kinh tế khoa học ứng dụng có thể được hình thành từ khối nhà nước, khoa học, doanh nghiệp truyền thống hoặc từ người dân địa phương. Tuy nhiên, một điểm khác cơ bản của doanh nghiệp bảo tồn đối với danh nghiệp truyền thống là doanh nghiệp bảo tồn đặt lợi ích của bảo tồn (thiên nhiên, văn hóa) làm mục tiêu phấn đấu đầu tiên, sau đó đến lợi ích của người dân, và cuối cùng là lợi ích của doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp truyền thống thường quan tâm hàng đầu là lợi nhuận cho doanh nghiệp, mặc dầu trong thực tiễn vẫn có những doanh nghiệp có chọn lựa sự quan tâm với bảo tồn, và con người trong quá trình kinh doanh của mình, tuy nhiên đó không phải là yếu tố bắt buộc. Một nguyên tắc bắt buộc của doanh nghiệp bảo tồn là phải đặt lợi ích của bảo tồn, con người và của doanh nghiệp theo thứ tự 1, 2, 3, không thể có trường hợp khác.

Như vậy vấn đề đặt ra là làm sao để quản lý doanh nghiệp bảo tồn này? Theo kết quả nghiên cứu thực tiễn tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam, doanh nghiệp bảo tồn có một nội dung hoạt động rất phong phú, đòi hòi phải trang bị một kiến thức và kỹ năng tối thiểu để có thể hoạt động. Kiến thức và kỹ năng của doanh nghiệp bảo tồn được mô tả theo khung logic hoạt động được yêu cầu trong mục 2 thảo luận ở phần trên.

Hoạt động giám sát đánh giá kết quả điều phối hoạt động bảo tồn

Giám sát đánh giá kết quả điều phối hoạt động bảo tồn là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, giúp Nhà nước nắm chắc tiến độ hằng năm và theo định kỳ nhằm xác định được nguồn lực đầu tư cho hệ sinh thái của khu bảo tồn thông qua chi trả dịch vụ sinh thái, văn hóa và các giá trị cộng đồng. Nhiệm vụ chính của điều phối hoạt động bảo tồn là chăm lo đến sức khỏe các hệ sinh thái, vì vậy hoạt động giám sát ở đây chính là giám sát đánh giá sức khỏe hệ sinh thái chủ đạo trong khu bảo tồn cùng với đánh giá kinh tế xã hội tại địa phương.

Hình 7: Ví dụ giám sát đánh giá điều phối hoạt động bảo tồn biển

Giám sát đánh giá kết quả điều phối hoạt động bảo tồn thường được tổ chức độc lập theo tư vấn được cơ quan quản lý Nhà nước chọn lựa. Hiện nay, đối với các khu bảo tồn biển, hoạt động này được tổ chức thực hiện bởi hầu hết các BQL Khu Bảo tồn vì tại đây vừa thực hiện cả hai chức năng quản lý (governance) và quản trị, điều phối (management). Tuy nhiên, để kêu gọi nguồn lực tài chính đầu tư cho bảo tồn biển, hai chức năng này cần được tách rời, ở đây chức năng quản lý (governance) thuộc về Nhà nước trong khi chức năng quản trị, điều phối (management) có thể được đảm nhiệm bởi sự hình thành từ một trong 4 thành phần quản lý nhà nước, khoa học, doanh nghiệp và người dân địa phương với điều kiện hội đủ năng lực điều phối và khả năng tài chính khác.

Kết luận

Trên cơ sở nhu cầu cần thiết cho việc quản lý tổng hợp các khu bảo tồn, theo tiếp cận hệ sinh thái, sự điều phối hỗ trợ hình thành sự đồng thuận giữa 4 nhà quản lý, doanh nghiệp, khoa học và người dân địa phương, được xây dựng và phát triển. Sự gia tăng giá trị dịch vụ sinh thái, văn hóa, cộng đồng tại các khu bảo tồn biển được bảo vệ, bảo tồn cần được nghiên cứu tổ chức trao đổi một cách công bằng qua lại với người hưởng dụng giá trị này, theo nguyên tắc trao đổi hàng hóa.

Giải pháp tài chính bền vững cho các khu bảo tồn biển Việt Nam cần được xây dựng trên nền tảng của các giá trị dịch vụ sinh thái, văn hóa và cộng đồng mà khu bảo tồn biển bảo vệ, bảo tồn được và trên nguyên tắc người hưởng lợi từ sự gia tăng các giá trị dịch vụ này phải trả tiền. Nguồn thu từ chi trả dịch vụ sinh thái, văn hóa, và cộng đồng cần phải được sử dụng vào tái đầu tư cho các hệ sinh thái biển, công trình văn hóa, năng lực cộng đồng thông qua các hoạt động điều phối của bảo tồn biển.

Trong quá trình điều phối hoạt động bảo tồn biển, đặc biệt giai đoạn khởi đầu xây dựng bảo tồn biển, nguồn lực đầu tư ban đầu cần được xác định. Việc đầu tư nguồn lực này có thể được mở rộng với các thành phần kinh tế trong xã hội bao gồm nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, một khi các thành phần này đảm nhiệm điều phối hoạt động bảo tồn biển, điều tiên quyết là các thành phần phải có đủ năng lực điều phối, và được nhìn nhận việc đầu tư phục hồi, bảo vệ, bảo tồn là gia tăng giá trị dịch vụ sinh thái, văn hóa, năng lực cộng đồng như một doanh nghiệp đầu tư bảo tồn. Nhà nước giữ vai trò quản lý doanh nghiệp đầu tư bảo tồn này thông qua quy cách về năng lực điều phối, chất lượng sức khỏe các hệ sinh thái, hoạt động điều phối bảo tồn biển.

Giá bán các giá trị gia tăng của chất lượng dịch vụ sinh thái, văn hóa, môi trường và cộng đồng thông qua vé tham quan du lịch, học tập, nghiên cứu, khai thác hợp lý nguồn lợi,…trong khu bảo tồn cần phải được dựa trên kết quả nghiên cứu, khảo sát ý kiến của người sử dụng, khai thác như du khách. Nguồn lực tài chính được huy động một cách lâu dài cho công tác bảo tồn là người sử dụng dịch vụ sinh thái, văn hóa phải chi trả.

Chu Mạnh Trinh, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm