Làm giàu nhờ trồng rừng

ThienNhien.Net – Bỏ lại sau lưng một thời trận mạc, anh thương binh bậc 3/4 Hạ Sỹ Lường lại trở về quê hương (xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn) lao động sản xuất, đóng góp, làm giàu cho quê bằng nghề trồng rừng.

Sau những năm tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại mặt trận biên giới Cao Bằng, năm 1982, anh Lường trở về địa phương, mang trên mình tỷ lệ thương tật 41%.

Về nhà với hai bàn tay trắng, gia đình nghèo, thiếu đất sản xuất lại đông anh em, hoàn cảnh này càng thôi thúc anh tìm cách phát triển kinh tế. “Cái khó không bó được cái khôn”, từ thực tế địa phương nhiều đất trống, đồi trọc và rừng nghèo, không có giá trị về kinh tế, cộng thêm nhà nước cũng có nhiều chính sách khuyến khích người dân tham gia trồng rừng nên anh đã chủ động tham gia vào các dự án phát triển trồng rừng của địa phương như dự án 327, dự án PAM.

Ngoài ra, anh Lường còn mạnh dạn đăng ký tham gia trồng thêm một số loại cây công nghiệp như thông, cây sa mộc. Vạn sự khởi đầu nan, những ngày đầu anh phải tiết kiệm từng đồng để thực hiện ước mơ trồng rừng. Dù vết thương do chiến tranh để lại đôi lúc lại tái phát, nhưng anh không nề hà đi bộ cả chục cây số để học tập kỹ thuật ở lâm trường huyện, rồi bất kể nắng mưa anh cặm cụi cùng gia đình leo núi, leo đồi chăm sóc cây giống mới trồng.

Xưởng mộc của gia đình anh Hạ Sĩ Lường

Mồ hôi và công sức đổ ra không ít, đến năm 1998, 4 ha rừng thông anh Lường trồng bắt đầu cho thu hoạch. Được khích lệ từ thành quả đầu tiên này, những năm tiếp theo anh tự mua con giống và mua lại cả những diện tích rừng của những gia đình không có nhân lực hoặc không tâm huyết với nghề rừng.

Tích tiểu thành đại, đến năm 2006 anh Lường đã trồng được 12 ha, tới năm 2010 con số này đã lên tới 96 ha và năm 2011 là 19 ha. Mục tiêu của anh Lường trong năm 2012 là trồng thêm 70ha (hiện anh đã xử lý xong thực bì) nâng tổng số rừng anh trồng được lên trên 200 ha. Chưa dừng lại ở đó, anh Lường còn đặt mục tiêu xa hơn là trồng đủ 500 ha rừng vào năm 2015.

Đi đôi với trồng rừng anh Lường còn mở một xưởng xẻ gỗ để tận dụng những cây rừng khai thác tỉa thưa, gỗ tạp, gỗ xử lý thực bì và các nguồn lâm sản địa phương để tạo ra các sản phẩm là gỗ hàng hóa. Ngoài ra, anh Lường có một cửa hàng tạp hóa, thức ăn chăn nuôi và một cửa hàng bán đồ gỗ. Hiện gia đình anh Lường đang tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân đầu người từ 30 đến 40 triệu đồng/1năm.

Song song với phát triển kinh tế, anh Lường còn tích cực tham gia nhiều công tác xã hội, phong trào của địa phương, là người chồng, người cha gương mẫu trong gia đình. Anh đã được UBND tỉnh Bắc Kạn tặng Bằng khen giai đoạn 1997 – 2007 và Bằng khen giai đoạn 2007 – 2012 do có nhiều thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất.