“Vua rừng” trên cao nguyên đá

ThienNhien.Net – Chủ nhân của những cánh rừng sa mộc tuyệt đẹp trên cao nguyên đá Bắc Hà là ông Giàng Seo Hòa hiền hậu, rắn rỏi. Nguyên là bí thư Ðảng ủy xã, mấy chục năm, đồng chí kiên trì, cần mẫn phủ xanh những đồi núi đá trơ trọc bằng rừng cây sa mộc xanh ngăn ngắt, lôi cuốn người Mông, người Dao, người Tày trồng rừng, giữ nước, chống sa mạc hóa ở vùng núi đá vôi huyền ảo nhưng khắc nghiệt này.

Yêu cây như con

Gần 70 tuổi, ông Hòa vẫn sải bước phăm phăm, vung dao quắm phát những dây leo, bụi cây đổ xuống chắn ngang lối mòn đi rừng. Ðó là “đường tuần tra” ông tự mở để mỗi ngày lại “chân giày vải, lưng đeo bi-đông nước, vai khoác dao quắm” đi tuần một vòng gần mười cây số, thăm nom những “đứa con không biết nói, nhưng suốt ngày vi vu cùng gió núi”. “Không lo bị lấy trộm đâu, nhưng không đi rừng nhớ cây lắm” – ông bộc bạch, mỗi lần đi thăm rừng “thấy vui lắm, khỏe ra nhiều”.

Nắng xiên khoai, tôi được “mục sở thị” cánh rừng hơn 80 ha thuần loài cây sa mộc, gần 30 năm tuổi, treo mình trên núi đá, ở đỉnh dốc Cổng Trời của xã Lầu Thí Ngài. Trên độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, cánh rừng sa mộc hiện ra như chiếc mũ bê-rê khổng lồ phủ kín dãy núi đá vôi trắng xỉn mầu, bồng bềnh một mầu xanh. Hơn 80 ha rừng sa mộc này, ông Hòa trồng từ khi có dự án 327 của Nhà nước đầu tư, nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc ở huyện Bắc Hà.

“Khi ấy, Nhà nước hỗ trợ giống cây, tiền công chăm sóc nhưng bà con người Mông còn chưa tin là trồng được rừng trên núi đá cao chất ngất, cho nên không ai dám nhận. Mình thấy đất trống đồi trọc thì tiếc, mới tìm đến Ban quản lý dự án trồng rừng phòng hộ 327 của huyện xin nhận đất, cây giống để trồng. Mấy anh kiểm lâm ở đó chắc chưa tin, chỉ khoanh cho một ít đất, cấp cho cây giống xoan đào và keo để trồng thử nghiệm, nhưng mình lại tìm giống sa mộc, vì người Mông mình biết chỉ có loại cây này mới cắm được cái rễ sâu vào núi đá, chịu được sương gió khắc nghiệt ở vùng núi cao Bắc Hà này thôi”- ông Hòa cười hể hả, chỉ tay về phía cánh rừng sa mộc xanh ngăn ngắt phía Tả Van Chư, giáp tỉnh Hà Giang.

Ðúng là chỉ có cây sa mộc mới trụ nổi trên vùng đất thừa đá và gió sương này, cây không phụ lòng người cứ ken dày, thẳng tắp. Bây giờ, người dân Lầu Thí Ngài gọi đó là “rừng ông Hòa”, còn ông được mệnh danh là “vua rừng” của cao nguyên đá Bắc Hà, một điểm đến hấp dẫn du khách bởi những cánh rừng sa mộc đẹp mê hồn.

"Vua rừng" Giàng Seo Hòa với khu rừng sa mộc của mình (Ảnh: Quốc Hồng/Nhân Dân)
“Vua rừng” Giàng Seo Hòa với khu rừng sa mộc của mình (Ảnh: Quốc Hồng/Nhân Dân)

“Trốn việc” lên núi trồng rừng

Dừng chân dưới gốc cây sa mộc “đầu đàn”, đường kính cỡ 40 cm, thân cao vút thẳng, tán lá xanh ngăn ngắt, “vua rừng” Giàng Seo Hòa nhớ lại những ngày “trốn việc xã” để đưa cây lên núi. Khi ấy, từ năm 1991 đến 1994, ông là Phó trưởng công an xã Lầu Thí Ngài. “Ðồi núi trọc thì nhiều, nước sản xuất lại ít, mình quyết không chịu thua cái đói, cái nghèo, lao vào trồng rừng. Nhưng công việc của xã bó cái chân nên phải “trốn” để cùng vợ lên núi trồng cây. Hằng ngày, mình đến trụ sở xã cắt cử, giao việc cho anh em công an viên rồi hai vợ chồng lặng lẽ gùi cây lên núi; có việc đột xuất, anh em báo lên, mình lại xuống giải quyết” – ông Hòa kể.

Cứ thế, vợ chồng ông Hòa cần mẫn trồng rừng trong bốn năm liền, bao nhiêu tiền “cóp ống vầu” đổ hết vào đó. Vừa trồng rừng, vừa làm tốt chức trách phó trưởng công an xã, đồng chí Hòa được tín nhiệm giao chức Chủ tịch UBND xã, rồi Bí thư Ðảng ủy xã Lầu Thí Ngài, nhưng đồng chí vẫn không “nguôi” niềm đam mê cây và quyết chí phủ xanh hết đất trống đồi trọc ở quê hương. Bận việc xã thì ông dành dụm tiền lương, bán cả cặp trâu duy nhất để mua cây giống và thuê nhân công phát cây bụi, cuốc hố, trồng cây. Trồng hết đất phòng hộ, ông nhận thêm 25 ha đất đồi ở cách xa nhà, giáp huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang để trồng rừng kinh tế, mặc dù phần hỗ trợ của Nhà nước sau này không còn nữa.

“Nhìn thấy công sức của mình được đền đáp bằng mầu xanh cây rừng, bằng mạch nước ngầm chảy ra từ đấy, giúp mình và bà con dân bản có nước sinh hoạt, sản xuất, đuổi cái đói, cái nghèo lùi xa là sướng cái bụng lắm; mình làm cán bộ cũng dễ hơn, vì nói dân nghe, làm dân tin” – “vua rừng” Giàng Seo Hòa khoát một vòng tay rộng như muốn tri ân rừng cây, trước khi xuống núi.

Khuyến lâm viên của bản

Vừa trồng rừng, ông Hòa vừa vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Bắc Hà tham gia. Theo “cánh chim đầu đàn” của dòng họ Giàng, các ông Giàng Seo Sáng, Giàng Seo Phềnh, rồi Thào Van Sùng, Vàng Văn Chan… và hàng trăm bà con người Mông ở xã Lầu Thí Ngài đã đăng ký trồng rừng phòng hộ phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống sa mạc hóa ở vùng cao Bắc Hà rất hiệu quả. Trưởng ban quản lý rừng 661 của huyện Bắc Hà Ðỗ Quang Nguyên, cho biết: Tấm gương say mê trồng rừng của ông Giàng Seo Hòa đã thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người Mông quen phát nương làm rẫy, chuyển sang trồng và giữ rừng, tạo nguồn nước làm ruộng bậc thang, canh tác ngô lai năng suất cao, chăn nuôi gia súc, nhờ vậy định canh định cư bền vững, cuộc sống ngày càng ổn định và được cải thiện. Ông Hòa không chỉ là con chim đầu đàn trong trồng rừng, mà còn là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Bây giờ, khi đã về hưu, với kinh nghiệm và niềm đam mê cây xanh đã ngấm vào máu thịt, ông Hòa tự nguyện làm khuyến lâm viên không lương ở xã. Nhiều kinh nghiệm quý của ông được áp dụng vào trồng và bảo vệ rừng ở xã Lầu Thí Ngài cũng như các vùng lân cận. Từ một xã rừng nghèo kiệt, đến nay Lầu Thí Ngài trở thành điểm sáng về trồng và bảo vệ rừng, với cánh chim đầu đàn Giàng Seo Hòa và hàng trăm hộ dân nhận trồng từ năm ha đến 30 ha rừng, chống sa mạc hóa trên vùng núi đá vôi hiệu quả, bền vững.