Trung Quốc quyết định thận trọng hơn với lúa biến đổi gen

ThienNhien.Net – Nhiều năm qua, câu chuyện liên quan đến các giống lúa biến đổi gen (GE) phát triển tràn lan thiếu kiểm soát ở một số địa phương tại Trung Quốc lục địa đã thu hút sự quan tâm không chỉ từ phía chính quyền và người dân nước sở tại mà còn của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc đã quyết định con đường thận trọng hơn với lúa biến đổi gen với tuyên bố tạm hoãn thương mại hóa các giống lúa này hồi tháng 9/2011.

Bắt đầu được trồng ở Trung Quốc vào năm 2004, chỉ vài năm sau đó, lúa biến đổi gen đã nhanh chóng phổ biến tại các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam và Giang Tây. Đánh giá đây là những giống lúa có khả năng chịu hạn, chịu sâu bệnh tốt, đồng thời lại cho năng suất cao nên nông dân các tỉnh này đã tích cực đầu tư.

Một trong những tổ chức có tiếng nói mạnh mẽ nhất thúc đẩy Trung Quốc đi đến quyết định tạm hoãn thương mại hóa lúa biến đổi gen là Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) với 7 năm ròng gắn bó với các chiến dịch phản đối lúa biến đổi gen tại Trung Quốc.

Quan ngại của Greenpeace thể hiện rõ ràng hơn kể từ thời điểm một số nhà khoa học Trung Quốc kiến nghị đưa 4 giống lúa biến đổi gen vào danh mục lúa thương phẩm. Làn sóng bất bình càng được đẩy lên cao hơn khi Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tiến hành cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho hai giống lúa biến đổi gen Huahui 1 và Bt Shanyou 63 do Đại học Nông nghiệp Hoa Trung nghiên cứu. Mặc dù việc cấp giấy chứng nhận giới hạn trong trồng thử nghiệm hai giống lúa mới tại vựa lúa Hồ Bắc nhằm tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu, nhưng quyết định cấp phép của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc lại vô tình thúc đẩy phong trào trồng lúa biến đổi gen ở nhiều địa phương, trong đó phổ biến nhất là tỉnh Hồ Bắc.

Hai giống lúa biến đổi gen Huahui 1 và Bt Shanyou 63 đang được trồng phổ biến ở một số địa phương của Trung Quốc (Ảnh: Ma Meiyan/Greenpeace)

Cảnh báo của Tổ chức Hòa bình xanh tập trung vào nguy cơ mất chủ quyền lương thực của Trung Quốc. Tổ chức này cho rằng hầu hết các giống lúa biến đổi gen xuất hiện ở Trung Quốc đều nằm trong tay các tập đoàn nước ngoài như Monsanto, DuPont Pioneer của Mỹ hay Bayer của Đức… Trước khi tung ra thị trường, các nhà độc quyền trên đã khôn khéo ứng dụng công nghệ tự động tiêu diệt phôi giống để ngăn chặn nông dân lưu giống, theo đó, họ sẽ có cơ hội thu món lợi khổng lồ từ việc hàng năm bán giống, phân bón và các loại thuốc trừ sâu chuyên dụng cho đối tác hoặc thu phí bản quyền của mình. Nếu để diện tích gieo trồng lúa biến đổi gen cứ thế nhân rộng thì rất có thể trong tương lai, Trung Quốc – nước sản xuất và tiêu thụ lúa gạo lớn nhất thế giới – sẽ mất đi chủ quyền về lương thực.

Đến tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc đã chính thức quyết định tạm hoãn tiến trình thương mại hóa lúa biến đổi gen. Với Tổ chức Hòa bình xanh, đây là mốc đánh dấu thành công bước đầu của chiến dịch vận động loại trừ lúa biến đổi gen suốt 7 năm ròng rã. Trước Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… cũng đã “nói không” với lúa biến đổi gen vì lo ngại những ẩn họa không thể lường trước đến từ các giống lúa này.