Nhu cầu cao da lừa ở Trung Quốc và nạn buôn bán động vật bất hợp pháp tại châu Phi

Nhu cầu bùng nổ gelatin từ da lừa được sử dụng để bào chế một loại thuốc cổ truyền gọi là “ejiao” (cao da lừa) ở Trung Quốc đang thúc đẩy hoạt động buôn bán lừa bất hợp pháp, đe dọa sinh kế của nông dân châu Phi.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói về vai trò của Mỹ trong xung đột ở Ukraine
Cảnh báo tủ lạnh Trung Quốc gắn chip theo dõi: Chiêu vũ khí hoá nỗi sợ để hạ gục đối thủ cạnh tranh?

Kenya và Tanzania đã cấm việc giết mổ lừa vì thiếu hụt vật nuôi. Ảnh: Handout

Dẫn nghiên cứu của Viện Các vấn đề Quốc tế Nam Phi (SAIIA), báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết Trung Quốc cần trên 5 triệu con lừa mỗi năm, chiếm khoảng 10% tổng số lừa toàn cầu, để đáp ứng nhu cầu cao da lừa bùng nổ.

Trong đó, chỉ có khoảng 2 triệu tấm da được lấy từ lừa nội địa của Trung Quốc. Trong số khoảng 3 triệu tấm da mà nước này nhập khẩu mỗi năm, khoảng 25% đến 35% là từ những con vật bị săn bắt trộm, chủ yếu là từ những hộ nông dân nhỏ nuôi lừa để vận chuyển hàng hoá.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh tình trạng buôn bán trái phép lừa để bào chế loại thuốc được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền Trung Quốc với buôn bán động vật hoang dã. Hoạt động này được coi là nguyên nhân đẩy các loài động vật – như tê tê – đến bờ vực tuyệt chủng.

Cao da lừa – loại thuốc cổ truyền có giá trị cao ở Trung Quốc – được sản xuất bằng cách trộn collagen, được chiết xuất từ da lừa, với các loại thảo mộc và các thành phần khác, để tạo ra dạng thanh, viên hoặc chất lỏng cho các sản phẩm làm đẹp hoặc tiêu dùng.

Trong lịch sử, cao da lừa từng là “vị thuốc quý dành cho hoàng đế”, nhưng ngày nay nó được bán trên thị trường như một sản phẩm chăm sóc sức khỏe được sản xuất đại trà cho những người dân ngày càng giàu có của Trung Quốc. Báo cáo cũng cho biết khi đất nước này già đi – sẽ là nơi sinh sống của khoảng 400 triệu người về hưu vào những năm 2030 – nhu cầu về cao da lừa có thể sẽ tăng hơn nữa.

Nghiên cứu cho biết ngoài nhập khẩu da lừa từ các nước như Brazil, Pakistan và Australia, châu Phi vẫn là thị trường chính của hoạt động thương mại này của Trung Quốc. Nghiên cứu cũng lưu ý chu kỳ sinh sản của lừa – thời gian mang thai của con cái có thể kéo dài hơn một năm – có nghĩa là loài động vật này không thể được nhân giống nhanh chóng để thay thế đàn đã mất.

Theo báo cáo, từ năm 2020, hành tinh này là nơi sinh sống của khoảng 53 triệu con lừa. Trong số đó, 99% con vật sinh sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, và gần 2/3 trong số đó (khoảng 63%) được tìm thấy ở châu Phi.

Nhu cầu về cao da lừa (ejiao) ngày càng tăng ở Trung Quốc, khiến nhu cầu về da trên toàn cầu tăng vọt. Ảnh: AFP

Bà Lauren Johnston, tác giả của báo cáo, cho biết cơ hội xuất khẩu lừa bị hạn chế vì chúng phần lớn vẫn giữ vai trò là động vật lao động và là vận chuyển chính của người nghèo.

“Nhu cầu cao da lừa của Trung Quốc gia tăng đã làm gián đoạn vai trò của loài động vật này trong nhiều thập kỷ trước khi người nghèo ở châu Phi có thể thay thế lừa bằng các phương tiện cơ giới. Điều này không những không thúc đẩy sự thịnh vượng mà còn có thể khiến tình trạng nghèo đói quay trở lại, đặc biệt là đối với phụ nữ châu Phi”, bà Johnston nói.

Đối với những người dân nghèo ở nông thôn châu Phi, lừa được sử dụng để vận chuyển người và hàng hoá, đặc biệt là ở những vùng khô hạn và xa xôi. Ngay cả trong môi trường khắc nghiệt, lừa vẫn có thể di chuyển quãng đường dài và tải nặng mà không có dấu hiệu mệt mỏi.

Bà Johnston cho rằng việc buôn bán trái phép cao da lừa đang khiến cuộc sống của phụ nữ và người nghèo ở nông thôn châu Phi bị thụt lùi.

“Đối với tôi, điều đáng tiếc là việc buôn bán lừa đã phát triển trước khi những người nghèo ở châu Phi sẵn sàng loại bỏ loài động vật này ra khỏi đời sống”, bà Johnston nói. Bà cho biết thêm với lợi nhuận khổng lồ tạo ra từ ngành công nghiệp cao da lừa của Trung Quốc và những hạn chế xuất khẩu lừa do một số nước châu Phi áp đặt, “có những trường hợp trộm và buôn lậu lừa xuyên quốc gia, giống như buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã”.

Trên khắp châu Phi, đã có nhiều trường hợp trộm lừa được báo cáo. Trong đó, có nhiều hộ gia đình ở nông thôn thức dậy và thấy lừa của họ bị trộm mất. BàJohnston cho biết: “Đã có trường hợp các ngôi làng phát hiện ra xác lừa bị lột da của họ ở một cánh đồng gần đó sau cuộc tấn công của những kẻ săn trộm trong đêm”.

Trích dẫn dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Cao da lừa Sơn Đông, bà Johnston cho biết thị trường sản phẩm này đã tăng từ 19,6 tỷ nhân dân tệ năm 2013 lên 53,5 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020.

Lừa là phương tiện vận chuyển chính, đặc biệt là ở những vùng nóng, khô và vùng sâu vùng xa. Ảnh: AP

Bà Janneke Merkx, giám đốc chiến dịch của tổ chức từ thiện The Donkey Sanctuary có trụ sở tại Anh, cho biết cao da lừa luôn là một sản phẩm xa xỉ được đánh giá cao về mặt văn hóa. Bà nói rằng là loài động vật lao động được sử dụng trong các cộng đồng nghèo nhất châu Phi, lừa từng được coi là động vật có ít giá trị và theo truyền thống, hầu như không có bất kỳ nhu cầu nào về thịt hoặc da của chúng.Nhưng đột nhiên điều này thay đổi khi giá lừa tăng chóng mặt do nhu cầu từ Trung Quốc.

“Do giá trị ngày càng tăng, nạn trộm cắp trở nên tràn lan, đôi khi những tên trộm bắt sạch toàn bộ lừa trong một ngôi làng chỉ trong một đêm. Và do giá tăng cao nhiều người châu Phi đang dựa vào những con vật này để kiếm sống cũng không thể mua những con lừa thay thế”, bà nói.

Trung Quốc nhập khẩu hàng triệu da lừa mỗi năm để lấy gelatin. Ảnh: Handout

Ở một số quốc gia châu Phi, chẳng hạn như Botswana và Kenya, số lượng lừa đã giảm, khiến việc buôn bán da lừa bị cấm ở nhiều nơi.

Năm 2016, Senegal là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Phi ban hành lệnh cấm giết mổ và xuất khẩu lừa. Namibia, Sudan, Nam Sudan, Uganda và Zimbabwe sau đó cũng đều áp lệnh cấm giết mổ loài động vật này.

Kenya đã đóng cửa 4 lò mổ đang hoạt động và đang từ chối cấp phép lại những cơ sở này. Tanzania đóng cửa 2 lò mổ đang hoạt động và áp đặt lệnh cấm giết mổ lừa trong 10 năm.

Nigeria, quốc gia đông dân nhất trên lục địa, hiện cấm xuất khẩu lừa và đang xem xét luật cấm hoàn toàn việc giết mổ chúng.

Lừa là loài động vật quan trọng đối với người nghèo ở nông thôn châu Phi. Ảnh: Reuters

Tại Hội nghị Lừa châu Phi gần đây ở Tanzania, do Cục tài nguyên động vật liên châu Phi của Liên minh châu Phi (AU) tổ chức, các nhà lãnh đạo đã thông qua nghị quyết bao gồm lệnh cấm giết mổ lừa trong 15 năm ở tất cả các quốc gia thành viên. Các nghị quyết này sẽ được trình bày trước các nguyên thủ quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh AU tiếp theo.

Trong khi đó, bà Merkx cho biết Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào ngành chăn nuôi lừa nội địa, nhưng mặc dù có rất nhiều nguồn lực và đầu tư, ngành này vẫn không thể sản xuất đủ lừa để duy trì nhu cầu cao trong nước.

“Chúng tôi kêu gọi ngành cắt đứt quan hệ buôn bán da lừa toàn cầu và đẩy nhanh các biện pháp hướng tới các nguồn nguyên liệu thô an toàn, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp tế bào”, bà Merkx nói.