Không thể tiếp tục đánh bắt hải sản theo lối cũ

ThienNhien.Net – Quy định thiết lập hệ thống phòng ngừa và ngăn chặn việc đánh bắt cá bất hợp pháp của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2010. Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản phải có hướng dẫn, tập huấn cho doanh nghiệp (DN) và ngư dân thực hiện quy định này.


Một “rào cản” kỹ thuật phải vượt qua

Ngành Thuỷ sản đang bước vào giai đoạn nước rút chuẩn bị thực hiện Quy định nhằm ngăn ngừa việc đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo (gọi tắt là IUU) do Ủy ban châu Âu (EC) đặt ra.

Theo Quy định IUU, từ 01/01/2010, các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) phải có thông tin về tàu khai thác, tên chủ tàu, phương tiện đánh bắt, vùng biển khai thác; loại sản phẩm và trọng lượng; giấy báo chuyển hàng trên biển…

Quy định này nhằm quản lý chặt chẽ đội tàu khai thác biển của các nước vì hiện nay, việc khai thác quá mức với các phương tiện mang tính hủy diệt đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thuỷ, hải sản…, đồng thời còn nhằm bảo vệ môi trường biển.

Yêu cầu này được đặt ra để EU truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nếu không tuân thủ, việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản sẽ bị từ chối.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương, đây là một “rào cản” kỹ thuật mà nếu thực hiện không đúng, chúng ta có nguy cơ mất thị trường số 1 này.

Tận dụng cơ hội, khắc phục khó khăn

Cũng theo ông Lương Lê Phương, về mặt chủ trương, Việt Nam hoàn toàn ủng hộ quy định này. Tuy nhiên khi áp dụng , khó khăn với chúng ta nhiều hơn thuận lợi.

Thuận lợi lớn nhất là thời gian qua, Việt Nam và Cơ quan Quản lý Vệ sinh An toàn Thực phẩm (VSATTP) của châu Âu có quan hệ rất tốt. Họ đã giúp nước ta đào tạo cán bộ, tập huấn phương pháp kiểm nghiệm, cung cấp trang thiết bị kiểm nghiệm hiện đại. Cơ quan này cũng chọn Việt Nam là nước đăng cai tập huấn cho các nước ASEAN về kiểm nghiệm chất lượng các mặt hàng nông sản. Ngoài ra, Việt Nam còn được ủy quyền thành lập phòng kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm của các nước ASEAN trước khi xuất sang châu Âu. Những kết quả kiểm nghiệm đó đa số được phía EU chấp nhận và họ chỉ kiểm tra lại các lô hàng của các DN có nghi ngờ. Điều này cho thấy độ tín nhiệm của cơ quan quản lý của Việt Nam đối với các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, khó khăn mà chúng ta cần khắc phục thì còn nhiều.

Ông Lương Lê Phương cho biết, tuy là khó khăn chung của các nước xuất khẩu thủy sản vào EU, nhưng Việt Nam là một trong những nước gặp nhiều khó khăn nhất do nghề cá hoạt động quy mô nhỏ với đa số tàu đánh bắt thủ công. Nhận thức của ngư dân còn hạn chế (chẳng hạn, cả nước vẫn có tới 90% đội tàu vi phạm quy định không ghi nhật ký để báo cáo vùng khai thác), công nghệ quản lý còn lạc hậu …

Bên cạnh đó, DN thu mua chế biến cũng chưa gắn kết với ngư dân. Vì vậy, DN cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc yêu cầu ngư dân kê khai thông tin khi thu mua sản phẩm.

Để thực hiện quy định IUU, Bộ NN&PTNT sẽ gấp rút hoàn thành Thông tư hướng dẫn như gắn mã tàu khai thác, quản lý tàu thuyền, chấn chỉnh lại các quy định của Nhà nước đối với DN chế biến thuỷ sản xuất khẩu, ngư dân và đặc biệt là phải làm thay đổi tập quán sản xuất từ tự phát sang có quy định.

Tại Hội nghị triển khai thực hiện Quy định IUU do Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tổ chức chiều 03/12, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng cho biết, tầm quan trọng của thị trường EU là rất lớn vì chiếm tới 1/3 tỷ trọng của thủy sản xuất khẩu cả nước. Mỗi động thái liên quan đến quy định này sẽ tác động lớn đến DN xuất khẩu, ngư dân và lực lượng lao động trên biển. Do vậy, bắt buộc chúng ta phải thay đổi tư duy và cách quản lý để đáp ứng yêu cầu của thị trường này.

Để tăng cường xuất khẩu các sản phẩm khai thác từ biển sang thị trường EU, trước mắt, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương phải có quy định chặt chẽ hơn kèm theo các chế tài xử lý. Cơ quan Nhà nước thẩm quyền là Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản, các Chi cục tại địa phương phải có hướng dẫn, tập huấn cho DN và ngư dân thực hiện quy định này.