Rừng đặc dụng tại Tuyên Quang bị tàn phá nghiêm trọng

ThienNhien.Net – Rừng đặc dụng Na Hang cũng là điểm nóng của nạn phá rừng làm nương rẫy; nạn khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản. Đồng thời, đây cũng là điểm nóng của việc lâm tặc hành hung cán bộ quản lý bảo vệ rừng.

Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cây nghiến (nhóm IIA) cổ thụ đường kính từ 1m – 1,5m đã bị đốn hạ, cắt thớt… Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn tự hào vì Tuyên Quang là tỉnh có độ che phủ rừng cao (64,2%), đứng thứ ba toàn quốc. Thực tế “máu” rừng vẫn chảy, những người yêu rừng chỉ biết xót xa và tiếc nuối…

Vào rừng trộm nghiến dễ như hái rau dại?

Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang được thiên nhiên ưu đãi khi sở hữu rừng đặc dụng Na Hang với độ che phủ cao thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung khá nổi tiếng. Rừng có nhiều thực vật quý, đặc biệt là gỗ nghiến.

Nói đến rừng nghiến, người ta thường nghĩ ngay đến những “vựa nghiến” trong rừng đặc dụng Ba Bể, Kim Hỷ, tỉnh Bắc Kạn; Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; Khau Ca, Bát Đại Sơn, Du Già, tỉnh Hà Giang… Tuy nhiên, rừng nghiến cổ thụ ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang thì vẫn là con số bí ẩn. Ít ai nghĩ rằng, rừng già và quý hiếm ấy đang ngày đêm bị tàn phá.

Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cây nghiến trong rừng đặc dụng Na Hang bị lâm tặc khai thác trái phép. Ảnh: Văn Hoàng

Từ TP Tuyên Quang, vượt hơn 150km đường rừng mới đến được huyện Na Hang. Trong vai người đi rừng tìm thuốc chữa bệnh, chúng tôi thuê thuyền vượt hồ thủy điện Na Hang để vào trong rừng nghiến. Tại bìa rừng vẫn có các nhóm người tụ tập khá đông và liên tục để ý người lạ mặt. Già làng B, người dẫn đường chúng tôi cho biết: Trong số người trên có cả lực lượng cơ động kiểm lâm và cả “lâm tặc”. Suốt chặng đường đi, già làng B. hết lời căn dặn, những hành động của chúng tôi sẽ luôn bị để ý, nếu phát hiện là PV thì “lâm tặc” sẵn sàng “xử” tại rừng.

Sau vài giờ đồng hồ vật lộn trên đường rừng gồ ghề, những tảng đá dốc đứng, chúng tôi đã thâm nhập được các “điểm nóng” nơi lâm tặc thường xuyên xuất hiện. Trên đường đi, chúng tôi không khỏi giật mình khi chứng kiến những cây nghiến có tuổi đời hàng trăm, hàng nghìn năm bị cưa đổ, nhiều cây bị lấy đi phần thân, gốc cây vẫn còn chảy nhựa. Quanh đó, những vỏ can xăng, chai nhớt vứt tràn lan, dấu vết để lại của lâm tặc có mặt tại đây vài ngày trước.

Dụng cụ mà bọn lâm tặc mang theo để vào rừng lấy gỗ là những chiếc cưa máy có lưỡi dài khoảng 1m. Chỉ loại máy này mới có thể cưa được những cây nghiến già tuổi có đường kính hơn 1m. Một cây nghiến lớn thì cũng chỉ cần vài phút đã bị hạ gục và được xẻ thành từng thớt gỗ hoặc những thanh, phách vuông vắn. Sau đó nhóm lâm tặc lăn gỗ xuống chân rừng và vận chuyển đi tiêu thụ bằng tàu thuyền. Trong bán kính vài trăm mét, những thân nghiến bị xẻ và vận chuyển ra khỏi rừng, hiện trường còn ngổn ngang những thứ bỏ lại tràn lan khắp rừng. Điểm nóng nhất luôn bị lâm tặc tàn phá là các khu vực rừng thuộc xã Khau Tinh, Đà Vị, Sơn Phú…

Gỗ thu giữ của lâm tặc được thanh lý theo hình thức bán đấu giá tại Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang. Ảnh: Văn Hoàng

Điều ngạc nhiên là trong suốt hai ngày, chúng tôi đi khảo sát không hề bắt gặp bóng dáng của một cán bộ kiểm lâm nào. Thỉnh thoảng chỉ thấy một số người dân vào rừng nhặt củi khô, hái cây thuốc hay tìm mật ong. Gặp chúng tôi, bác H, một người dân xã Sơn Phú hỏi: “Hỏi thật các chú đến tìm thuốc hay “thăm” gỗ nghiến. Kiểm lâm lâu lâu họ mới vào rừng nhưng cũng không vào sâu đâu, lâm tặc ở đây lấy gỗ nghiến dễ như lấy rau dại trong rừng ấy mà. Nghe đâu bọn họ và kiểm lâm có quen biết nhau nên chỉ cần tránh mặt nhau hoặc nháy điện thoại là xong”.

Dù hiện tại đang là thời điểm mùa mưa, đường rừng trơn trượt, nhưng người dân sống lân cận rừng không còn lạ lẫm với tiếng máy cưa, cây đổ, kéo gỗ ầm ầm và bì bõm lúc chuyển gỗ lên thuyền cả ngày lẫn đêm. Nhiều lái thuyền trên hồ thủy điện Na Hang cũng mưu sinh nhờ đó.

Nhiều nơi còn mất gỗ sưa huống gì Na Hang mất gỗ nghiến(!?)

Sau khi đi thực tế tại rừng đặc dụng Na Hang, trao đổi với Hạt kiểm lâm huyện Na Hang, ông Nguyễn Thế Đồi, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang lại tỏ ra bình thường: “Tôi đã chỉ đạo quyết liệt cho anh em tăng cường công tác bảo vệ rừng, còn việc lâm tặc phá rừng thì khó tránh khỏi, đông người như ở Hà Nội còn bị mất gỗ sưa nữa là. Việc các anh phản ánh gỗ nghiến bị chặt phá là chưa đúng vì bây giờ chủ yếu là gỗ tạp chứ gỗ nghiến còn ít lắm?”.

Ông Vũ Đình Tải - Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang: Do lực lượng kiểm lâm mỏng nên việc quản lý rừng rất khó. Ảnh: Văn Hoàng

Rừng đặc dụng Na Hang cũng là điểm nóng của nạn phá rừng làm nương rẫy; nạn khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản. Đồng thời, đây cũng là điểm nóng của việc lâm tặc hành hung cán bộ quản lý bảo vệ rừng. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nhưng đơn vị chủ quản rừng và các đơn vị chức năng địa phương không có sự phối hợp cần thiết để đưa ra các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Na Hang cho biết: “Công tác quản lý rừng trên địa bàn còn diễn biến phức tạp; tình trạng buôn bán, vận chuyển, khai thác, chế biến gỗ rừng tự nhiên vẫn xảy ra. Các cơ quan chức năng chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng, chưa trấn áp được các đối tượng phá rừng trái phép. Một số cán bộ còn thiếu tinh thần trách nhiệm, né tránh, ngại va chạm, cá biệt còn có trường hợp tiếp tay cho các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng”.

Chiều 24-5, trao đổi với PV, ông Vũ Đình Tải, Phó Chi cục trưởng, Chi cục kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang vẫn chối bỏ trách nhiệm của ngành kiểm lâm và cho rằng, nguyên nhân xảy ra tình trạng phá rừng do lực lượng kiểm lâm mỏng. Bên cạnh đó, đối tượng lấy gỗ rộng khắp với nhiều hình thức tiêu thụ nên việc xây dựng cơ chế, quản lý rừng rất khó.

Theo thống kê của Hạt kiểm lâm huyện Na Hang, chỉ riêng quý 1-2012, Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang đã xử lý hành chính hơn 130 vụ, trong đó khởi tố, bắt giam 2 vụ. Phần đông trong số đó là người địa phương vi phạm.

Nhìn thực tế những cây nghiến cổ thụ đang bị tàn phá, các lối đi phủ đầy cây gỗ khiến không ít người chua xót đến chạnh lòng, nhất là những cao niên đã sống và gắn bó với rừng suốt gần thế kỷ. Đáng buồn khi cơ quan chức năng nơi đây vẫn cố bảo vệ thành tích: Tuyên Quang là một trong ba tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước, (chiếm 64,2%), đứng sau Kon Tum và Quảng Bình, trong khi không dám nhìn thẳng vào thực trạng và tìm ra giải pháp kịp thời, hiệu quả ngăn chặn nạn phá rừng, xẻ nghiến lấy gỗ.

Chia tay người dân Na Hang về Hà Nội, ánh mắt già làng B đượm buồn, cay cay, ông trăn trở: “Nghiến ở đây quý lắm, nó là linh hồn, sự sống của người dân miền núi chúng tôi. Bao mùa lũ đi qua cũng nhờ vào sức chắn của rừng cả. Ấy thế mà người ta cam tâm chặt phá, vì cái lợi trước mắt mà quên đi cái hại trăm năm. Nếu lần sau các anh về đây, chắc mấy cây nghiến vài trăm tuổi mà lúc sáng tôi vòng tay đo đường kính không còn đâu…”.

Khu BTTN Na Hang được thành lập theo quyết định số 274/QĐ-UB ngày 09/5/1994 của UBND tỉnh Tuyên Quang, với diện tích 41.930ha trên địa bàn 5 xã: Thanh Tương, Vĩnh Yên, Sơn Phú, Khau Tinh và Côn Lôn. Sau khi rà soát 3 loại rừng, đến năm 2007 diện tích khu bảo tồn giảm xuống còn 22.401 ha, thuộc 4 xã Khau Tinh, Sơn Phú, Côn Lôn và Thanh Tương. Trong số các loài động vật quý hiếm có 2 loài đang trong tình trạng nguy cấp là Vooc mũi hếch và Vạc hoa. Về thực vật có nhiều loài cây thân gỗ quý hiếm như đinh, sến mật, lát hoa,(Văn Hoàng)