Lâm tặc len lỏi “triệt hạ” rừng nghiến Tuyên Quang

ThienNhien.Net – Nhiều năm nay, tại xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, tình trạng lâm tặc chặt trộm gỗ nghiến đang diễn biến rất phức tạp. Điều đáng nói là mặc dù tình trạng này đã xảy ra từ khá lâu, nhưng chính quyền địa phương dường như vẫn tỏ ra bất lực.

“Câu lạc bộ nghiến” thách thức kiểm lâm

Ngót nửa thế kỷ sống gần rừng nghiến, ông Hoàng Đức Thắng (67 tuổi) – một người dân ở xã Phúc Sơn – vẫn xem rừng nghiến như một biểu tượng cho sức sống kiên cường của người dân tộc Dao ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Thế nhưng, từ năm 1990 đến nay, ông Thắng đã hàng trăm lần phải chứng kiến những cây nghiến cổ thụ lần lượt bị lâm tặc đốn hạ. Mỗi lần, nhìn rừng nghiến đổ máu, nhìn lâm tặc chở hàng khối gỗ nghiến về xuôi buôn bán, ông Thắng như đứt từng khúc ruột. Cũng như ông Thắng, hàng trăm người dân ở xã Phúc Sơn cũng chỉ biết thương tiếc mỗi khi trông thấy rừng nghiến chỉ còn trơ gốc rễ.

Tuyên Quang là một trong ba tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước (chiếm 64,2%), đứng sau Kon Tum và Quảng Bình. Giống như một số tỉnh có độ che phủ rừng lớn khác, diện tích rừng trồng ở Tuyên Quang tăng theo từng năm, song bên cạnh đó, diện tích rừng tự nhiên lại ngày một giảm, nguyên nhân chính là do nạn chặt phá rừng lấy gỗ, làm nương rẫy, phát triển các loại cây trồng khác lấn vào rừng tự nhiên.

Tại xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, tình trạng chặt phá rừng nghiến thời gian qua diễn ra hết sức trắng trợn, nhiều cán bộ kiểm lâm đã bị thương, thậm chí hy sinh khi ngăn chặn lâm tặc chặt phá rừng xanh.

Vài năm nay, bằng nhiều biện pháp ngăn chặn của lực lượng kiểm lâm, tình trạng chặt trộm nghiến tại xã Phúc Sơn đã giảm xuống, nhưng mức độ phá rừng vẫn còn phức tạp.

Chị Nguyễn Thị Hường ở xã Phúc Sơn cho biết: “Cứ vào tầm trưa, tối và rạng sáng, rất nhiều lâm tặc điều khiển xe máy chở gỗ đi qua. Mặc dù thời gian gần đây, lực lượng kiểm lâm đã tăng cường quản lý rộng hơn, nhưng nhiều lâm tặc vẫn len lỏi chặt phá, vận chuyển gỗ nghiến đi tiêu thụ”.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài việc rừng nghiến bị đốn hạ, việc vận chuyện gỗ nghiến về xuôi cũng rất tinh vi. Để tiện việc vận chuyển, lâm tặc đã cưa gỗ nghiến thành dạng thớt, chồng cao lên xe máy. Khi gặp lực lượng kiểm lâm, chúng sẵn sàng cắt bỏ dây buộc, cho gỗ rơi xuống đường để cản lực lượng kiểm lâm. Nếu vẫn bị truy đuổi, chúng sẵn sàng bỏ của chạy lấy người theo các con đường vào sâu trong rừng.

Thớt nghiến thu được của lâm tặc tại Hạt Kiểm lâm huyện Chiêm Hóa (Ảnh: ThienNhien.Net)

Anh Hoàng Đức Tâm ở xã phúc Sơn cho hay, để vào được rừng sâu đốn hạ nghiến và vận chuyển gỗ nghiến đi tiêu thụ, lâm tặc đã thành lập một “câu lạc bộ nghiến”. Những tên lâm tặc trong câu lạc bộ này gồm cả thanh niên bản địa và người dân giáp ranh ở các xã, vốn thông thuộc đường rừng và có máu chiến khi gặp lực lượng kiểm lâm.

“Năm ngoái, lâm tặc chở gỗ nghiến về xuôi đi như trẩy hội. Có lúc vài ba chục xe nối đuôi nhau phóng như đua xe. Khi lực lượng kiểm lâm ngăn chặn, chúng còn phản kháng quyết liệt nên nhiều nghiến tặc vẫn trót lọt” – anh Tâm chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Cường, một người từng vận chuyển gỗ nghiến cho lâm tặc, cũng chia sẻ: năm 2008 có tên lâm tặc còn trắng trợn treo giải 5 triệu đồng cho đồng chí kiểm lâm nào bắt được hắn…

Rõ ràng, việc lâm tặc ngang nhiên thách đố kiểm lâm cho thấy hoạt động của lâm tặc đã ở mức trắng trợn và xem thường pháp luật. Và nếu lực lượng kiểm lâm tỏ ra yếu thế, đồng nghĩa với việc rừng nghiến sẽ không ngừng bị lâm tặc đốn hạ.

“Máu” rừng vẫn chảy

Theo lời bà Hoàng Thị Xiêm, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, hiện huyện Chiêm Hóa chỉ còn duy nhất xã Phúc Sơn có rừng nghiến, các xã lân cận đều đã bị lâm tặc chặt phá hết. Đồng bào dân tộc ở đây chiếm 70%, chủ yếu là dân tộc Tày, Dao. Bình quân thu nhập của người dân là 600.000 đồng/người/tháng. Hộ nghèo chiếm tới 70%.

Cũng theo bà Xiêm, xã Phúc Sơn hiện có 7.000ha rừng, riêng rừng nghiến đã chiếm 5.000ha. Việc lâm tặc chặt phá rừng nghiến ở xã Phúc Sơn những tháng đầu năm 2012 có giảm so với mọi năm, tuy nhiên tình hình vẫn rất phức tạp.

Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chiêm Hóa, ông Phương Văn Đông, cho biết: “Chiêm Hóa là huyện miền núi có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn (83.284,78ha). Vì vậy, để ngăn chặn lâm tặc chặt phá rừng nghiến, chúng tôi đã huy động lực lượng tuần tra, mật phục 24/24 giờ tại một số điểm thường vi phạm, nhưng do các đối tượng bố trí canh gác, theo dõi từ xa nên việc bắt quả tang rất khó. Hơn nữa, do lực lượng kiểm lâm mỏng (bình quân 3.000ha/1 kiểm lâm viên) và những tên lâm tặc thường chọn thời điểm đêm tối, chặt phá những nơi hẻo lánh nên anh em rất khó xử lý”.

Đáng nói hơn, hoạt động chặt phá rừng nghiến của lâm tặc đang trở nên ngày càng tinh vi và manh động. Mỗi khi chặt phá, vận chuyển gỗ trái phép bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, lâm tặc sẵn sàng kháng cự. Ngoài ra, việc bắt giữ các đối tượng chặt phá gỗ nghiến trái phép hết sức khó khăn bởi chúng sẵn sàng bỏ lại toàn bộ tang vật và phương tiện để thoát thân.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, Vũ Đình Tải, diện tích đất rừng ở Tuyên Quang rất lớn, trong khi đó lực lượng kiểm lâm vẫn còn mỏng. Nếu xét theo định mức chỉ tiêu thì hiện cả tỉnh đang thiếu 220 cán bộ kiểm lâm. Do vậy, việc ngăn chặn triệt để việc phá rừng ở một số nơi còn gặp nhiều vướng mắc.

Như ghi nhận của phóng viên, tại trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Chiêm Hóa, rất nhiều chiếc xe máy bị hư hỏng cùng với gỗ nghiến trên dạng thớt đã bị thu giữ.

“Chỉ cần chiếc xe máy có lốp, có đèn, có phanh là lâm tặc có thể vào rừng sâu trộm nghiến, vận chuyển gỗ đi tiêu thụ và sẵn sàng vứt bỏ xe để trốn chạy mỗi khi gặp lực lượng kiểm lâm truy quét” – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chiêm Hóa, Phương Văn Đông, nói.

Hiện rừng nghiến duy nhất trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đang ngày ngày bị lâm tặc len lỏi đốn hạ. Mặc dù mức độ chặt phá đã giảm nhiều so với mọi năm, nhưng nếu tình trạng này kéo dài, ắt rừng nghiến này sẽ bị khai tử.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có thêm nhiều giải pháp rắn và kiên quyết hơn nữa từ chính quyền địa phương, đồng thời các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc giữ rừng và bảo vệ rừng. Và một trong những biện pháp được xem là hữu hiệu nhất, trong khi lực lượng kiểm lâm có phần yếu thế, đó là vận động người dân cùng chung sức tham gia bảo vệ rừng.

Để tìm hiểu rõ ràng “căn bệnh” chặt phá rừng nghiến đã và đang diễn ra phức tạp ở xã Phúc Sơn, Phóng viên TTXVN cùng một số đồng nghiệp đã tìm tới các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang, song chỉ nhận được thái độ đùn đẩy, tránh né, thậm chí “đá bóng” trách nhiệm. Điển hình, UBND tỉnh đã đồng ý cho phóng viên xuống địa phương tìm hiểu thông tin và tác nghiệp nhưng Phó chánh Văn phòng UBND huyện Chiêm Hóa đã bác bỏ trách nhiệm trả lời phóng viên vì lý do… không có thẻ nhà báo, dù đoàn nhà báo đều có giấy giới thiệu từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Tương tự, được sự giới thiệu của Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhưng khi phóng viên đến hiện trường thì Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chiêm Hóa “né tránh” và quả quyết bằng câu trả lời: “Chưa có ai liên hệ, các anh phải thông qua huyện”…