Khôn nguôi nỗi đau rừng vàng (Kì cuối)

ThienNhien.Net – Khoanh khu bảo tồn, đóng cửa rừng để bảo vệ rừng và lâm sản quý hoá ra không đơn giản như người ta trông đợi. Việc thành lập khu bảo tồn và ban quản lý ở một số nơi đã trở thành ngòi châm làm bùng lên tình trạng phá rừng và khai thác tài nguyên, mà Ngọc Sơn Ngổ Luông chỉ là một ví dụ. Đằng sau đó là những bức xúc chưa được giải tỏa về quyền lợi của người dân đối với tài sản đất và rừng mà họ vốn nắm giữ.

Một rừng hai chủ

Trước khi ra đời Khu bảo tồn Ngọc Sơn – Ngổ Luông, đất lâm nghiệp ở đây được giao cho dân, theo phương thức gia đình phối hợp với cộng đồng thôn bản quản lý, những hộ nhận giao khoán rừng đều được cấp sổ đỏ với thời hạn là 50 năm. Nhưng năm 2005, khi rừng đặc dụng được thành lập, rừng và đất rừng được giao cho Ban quản lý khu bảo tồn, UBND tỉnh Hoà Bình đã không hề đề cập đến “số phận” của hàng nghìn sổ đỏ mà cơ quan này đã cấp cho người dân từ năm 1998. Cho đến nay, 5 năm kể từ khi thành lập khu bảo tồn, rừng chịu sự kiểm soát của Ban quản lý KBT, trong khi sổ đỏ vẫn nằm trong tay người dân.

Ông Bùi Văn Hưm – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Ngọc Lâu chia sẻ: “Việc giao đất ở đây có sổ đỏ, nên nói rừng KBT có hai chủ là đúng. Khi thành lập KBT, lẽ ra tỉnh phải ra quyết định thu hồi sổ đỏ của dân, giao lại cho KBT quản lý thì mới phải, đằng này thì không. Như thế có khác gì một bà vợ chưa ly hôn ông này mà lại kết hôn với một ông chồng khác! Nhà nước có thu lại sổ đỏ, có bồi thường quyền lợi cho người dân bảo vệ rừng hay không thì cũng nên nói rõ, cho nguời dân biết để họ không phải thắc mắc và yên tâm sản xuất chứ”.

Trong cuộc họp tổng kết công tác bảo vệ và phát triển rừng Ngọc Sơn – Ngổ Luông năm 2010 diễn ra trung tuần tháng 12/2010, Ban quản lý Khu bảo tồn đã kiến nghị cơ quan chủ quản có biện pháp xử lý 1.855 bìa đỏ đất lâm nghiệp trong Khu bảo tồn để chấm dứt tình trạng một mảnh đất có hai chủ thể quản lý, đồng thời chỉ đạo thực hiện cơ chế cho phép người dân tận thu gỗ làm đồ gia dụng.

Tuy nhiên, phản hồi của ông Lê Minh Thuỷ, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh cho thấy họ cũng đang bế tắc: “Vấn đề này phía Chi cục kiểm lâm đã có công văn gửi các ban ngành có liên quan của tỉnh đề nghị giải quyết sớm, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi”. (*)

Trao đổi với Ban Quản lý KBT cũng như phỏng vấn nhiều người dân, trưởng bản khu vực các xã Ngọc Lâu và Ngọc Sơn, huyện Lạc Sơn, chúng tôi được biết trước khi thành lập KBT Ngọc Sơn – Ngổ Luông, cơ quan chức năng mới chỉ dừng ở mức kiểm kê số lượng gỗ hiện có trong mỗi gia đình và cả lượng gỗ người dân đã khai thác nhưng vẫn nằm trong rừng, chưa kịp vận chuyển về.

Ông Hưm cho biết, đây là chủ trương của UBND huyện Lạc Sơn. “Có thể chủ trương là tốt, nhằm kiểm soát lượng gỗ đã được khai thác, đảm bảo rằng sau thời điểm kê khai đó sẽ khống chế được các hành vi xâm hại tài nguyên rừng… nhưng thực tế đã không như vậy” – ông Hưm băn khoăn.

Ông Bùi Bình Yên, Giám đốc Ban Quản lý KBT cho biết thêm huyện cũng chỉ “kê khai xong là xong luôn, khoanh lại như thế, và đến nay vẫn như thế”. Thân gỗ đã khai thác nhưng chưa ra khỏi rừng, theo chủ trương này, sẽ phải để nguyên trong rừng, song người dân vẫn tự ý mang chúng đi.

Với chủ trương này của huyện, thực ra rừng đã bị mạnh tay tàn phá từ trước khi quyết định thành lập khu bảo tồn được ban hành bởi người dân phong thanh biết rằng một khi rừng thành KBT, họ sẽ không được lấy gỗ hay khai thác tài nguyên nào khác. Chính vì vậy, mạnh ai người ấy chặt, rừng mất tan tác.

Sổ Đỏ mà ông Vượng được cấp ghi rõ ông có nghĩa vụ và quyền lợi khoanh nuôi bảo vệ 214.000m2 rừng từ năm 1998 đến 2048.

“Khi KBT Ngọc Sơn – Ngổ Luông được thành lập thì rừng mất gấp 2 – 3 lần so với trước kia. Tôi rất tiếc khu rừng của tôi, vì trước tôi giữ rất cẩn thận. Ai muốn lấy gỗ trong rừng của tôi để làm nhà thì phải xin tôi và phải có giấy phép của UBND xã thì tôi mới cho chặt cây. Nhưng giờ thì đây, cái sổ đỏ còn đây nhưng tôi không còn quyền gì nữa vì nó không còn giá trị gì cả. Hai mươi mốt héc ta rừng trước tôi quản lý giờ mất đi có đến 40%, trong đó có rất nhiều gỗ quý, thân hai người ôm chẳng hết” – ông Bùi Văn Vượng bức xúc khi cầm chiếc sổ đỏ khoanh nuôi bảo vệ rừng còn ghi rõ thời hạn sử dụng từ năm 1998 đến năm 2048 giờ thành vật lưu niệm, như để thanh minh.

(*) Sau khi loạt bài “Khôn nguôi nỗi đau rừng vàng” được đăng trên www.ThienNhien.Net, ông Lê Minh Thuỷ, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Hòa Bình đã phản hồi với Ban biên tập trang tin Con người và Thiên nhiên, cho biết ý kiến của ông là “Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông cần có công văn chính thức gửi cho Chi cục kiểm lâm. Trên cơ sở đó, Chi cục sẽ gửi công văn tới các ban ngành liên quan đề nghị giải quyết.”

 

Khôn nguôi nỗi đau rừng vàng (Kì 1)

Khôn nguôi nỗi đau rừng vàng (Kì 2)