Từ vụ cá chết nghĩ về nhu cầu minh bạch thông tin và giám sát xã hội

ThienNhien.Net – Tròn một tháng kể từ ngày xảy ra hiện tượng cá chết trên quy mô lớn tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, hàng loạt các câu hỏi chưa được giải đáp một cách chính đáng vẫn đang khiến dư luận bất an. Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, cùng với đó là việc gia tăng tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam có thể sẽ còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thảm họa môi trường khác trong tương lai. Để không tái diễn các thảm họa tương tự, đã đến lúc Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ minh bạch thông tin và giám sát xã hội. Xem xét đến hai khía cạnh này, cần đặc biệt lưu ý ba nhóm đối tượng liên quan, gồm: doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các tổ chức xã hội.

Trong thảm họa cá chết hàng loạt, bất kể là nguyên nhân tự nhiên cũng đã được đặt giả thiết, doanh nghiệp vẫn được xem là tâm điểm của mọi sự nghi ngờ, và cụ thể ở đây là Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Một công ty quy mô và hoạt động trong lĩnh vực có ảnh hưởng đến môi trường thì các tác hại đến môi trường là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Doanh nghiệp ý thức rõ điều đó, như chính lời phát biểu của ông Chu Xuân Phàm, nguyên đại diện đối ngoại của Công ty Formosa: phải có sự lựa chọn giữa cá và sắt thép.

Cá nuôi lồng chết, trôi dạt trên đầm Lập An, Lăng Cô, Thừa Thiên Huế - Ngày 15/4/2016 (Ảnh: Sở TNMT Thừa Thiên Huế)
Cá nuôi lồng chết, trôi dạt trên đầm Lập An, Lăng Cô, Thừa Thiên – Huế ngày 15/4/2016 (Ảnh: Sở TN&MT Thừa Thiên Huế)

Doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận và trong khi theo đuổi mục tiêu đó, họ có thể không tính hết hoặc thậm chí không tính tới các tác động môi trường. Xã hội không đòi hỏi các doanh nghiệp phải theo đuổi thực hiện các mục tiêu về môi trường nhưng xã hội có quyền đòi hỏi sự đánh đổi (nếu có) giữa môi trường và phát triển phải nằm trong khuôn khổ mà xã hội chấp nhận được chứ không phải bằng bất cứ giá nào về môi trường. Sai lầm của Công ty Formosa, thể hiện qua phát ngôn của người đại diện đối ngoại, là có lẽ họ đã lầm tưởng hoặc cố tình lầm tưởng Việt Nam đã chấp nhận sự đánh đổi giữa cá và sắt thép thông qua việc cấp phép đầu tư dự án. Và sẽ là vô cùng sai lầm với bất cứ doanh nghiệp nào khác nếu họ cho rằng người Việt Nam chấp nhận đánh đổi môi trường lấy lợi ích về kinh tế, đồng nghĩa với việc chấp nhận việc xả thải gây hại cho môi trường.

Về phía các cơ quan chức năng, khi thảm họa xảy ra, sự vào cuộc chậm trễ và thiếu chuyên nghiệp đến bất ngờ như thời gian vừa qua thật khó có thể biện hộ, cho dù là với “một thảm họa môi trường biển trên diện rộng, phức tạp, lần đầu tiên xảy ra ở nước ta”. Cơ quan môi trường địa phương không có bất cứ thông tin cảnh báo gì về thảm họa cho ngư dân và nhân dân tại chỗ mặc dù điều này có thể ảnh hưởng đến công ăn việc làm và đời sống của hàng triệu người dân. Bản thân Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng bất nhất trong việc công bố thông tin khi vị thứ trưởng thì phát biểu đường ống xả thải ra biển của Formosa được phép nhưng vị Bộ trưởng lại khẳng định đường ống xả thẳng ra biển là không được phép, theo luật pháp Việt Nam. Hệ lụy là làm cho cả xã hội bất an bởi không biết tin vào đâu, nguyên nhân nào thật sự khiến cá chết cho dù có tới 7 bộ, 4 tỉnh và 70 giáo sư, tiến sỹ được huy động cùng vào cuộc. Đặc biệt, việc họp báo do Bộ tổ chức chỉ diễn ra vỏn vẹn 7 phút với việc công bố nguyên nhân gây chết cá thiếu thuyết phục đã thổi bùng những bức xúc âm ỉ, làm cho nhu cầu thông tin của xã hội trở nên bức bách hơn bao giờ hết. Và khoảng trống này đã được lấp đầy bằng đủ loại các thông tin xã hội khác nhau. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi muốn thông tin không hỗn loạn, cần phải công khai minh bạch. Có minh bạch thì xã hội mới có thái độ và ứng xử một cách bình tĩnh với thảm họa, dù nó xảy ra trên thực tế hay không xảy ra.

Ngoài ra, cần phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là việc không hề lắp đặt, kết nối bất cứ thiết bị giám sát môi trường nào đối với nguồn xả thải của Công ty Formosa (hoặc các nguồn xả thải khác chưa bị phanh phui) mà tất cả đều trông chờ vào… báo cáo của nhà máy này là một lỗ hổng lớn trong quản lý và giám sát môi trường của chúng ta. Điều này cần được các cơ quan chức năng nghiêm túc rà soát và điều chỉnh trong thời gian tới.

Điều bất ngờ hơn cả trong câu chuyện này là sự thiếu vắng vai trò của các tổ chức xã hội, cả công lập lẫn ngoài công lập. Sự ghi nhận đầu tiên từ xã hội chỉ là việc có người dân chài trông thấy đường ống xả thải và chứng kiến sự xả thải đáng ngờ đang diễn ra nên đã thông báo cho bộ đội biên phòng. Sự tham gia của người dân dường như đến đây là hết, không hề có sự tham gia của bất cứ tổ chức xã hội nào từ cấp cộng đồng đến trên cộng đồng vào việc giám sát và làm rõ các hoạt động nghi vấn từ đơn vị xả thải. Nhìn rộng ra, người dân và các tổ chức xã hội hiện nay có vai trò vô cùng mờ nhạt trong việc giám sát, hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ môi trường sống của chính mình. Trong khi đó, ở các quốc gia phát triển, để bảo đảm quyền lợi của người dân, các nhóm xã hội và cả xã hội, khi có những sự việc lệch chuẩn xảy ra, chẳng hạn như thảm họa cá chết lần này, thì người dân sẽ đóng vai trò báo tin và phát hiện hiện tượng, còn các tổ chức xã hội, với sự tập hợp lợi ích chung của cộng đồng, tồn tại ở mọi nơi mọi chỗ, sẽ hỗ trợ cho xã hội giám sát các hoạt động của doanh nghiệp, cả tư lẫn công, cũng như giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện chức năng của mình.

Trở lại thảm họa cá chết, ban đầu các thông tin phát hiện dường như bị xem nhẹ và không mấy thu hút sự quan tâm của các cơ quan chức năng: thông tin đưa ra ít ỏi, không rõ ràng, cứ như là không có chuyện gì xảy ra hoặc xảy ra nhưng hoàn toàn trong tầm kiểm soát, nhân dân không cần lo ngại. Để rồi sự việc mỗi ngày một bùng nổ, tạo nên ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến tâm trạng và niềm tin của cả xã hội. Và khi vấn đề chính thức trở nên nghiêm trọng thì những thiệt hại cũng đã tăng lên rất nhiều, trong khi đó, điều đáng buồn là những đối sách đa phần mang tính chạy theo tình huống, kém phần chủ động. Các giải pháp đối phó cũng vậy, không rõ ràng đường hướng, bị bất ngờ trước các tình huống phát sinh. Bản thân ông Bí thư tỉnh Quảng Bình đã thừa nhận sự lúng túng khi phát biểu: khi người dân hỏi, chúng tôi không biết trả lời thế nào.

Điều có thể nhận thấy rõ ràng nhất tính đến thời điểm hiện tại là các cơ quan nhà nước dường như đang phải gồng mình để giải quyết các vấn đề và hê lụy đã xảy ra. Nhưng dư luận cũng đặt câu hỏi liệu các cơ quan chức năng có thể giải quyết được bao nhiêu sự vụ tương tự như vậy trong bối cảnh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa ngày càng mạnh mẽ và biến đổi khí hậu cũng như các nguy cơ môi trường luôn rình rập xảy ra khi hệ thống ứng phó và quản lý của chúng ta còn bất cập và thiếu hiệu quả. Sẽ có bao nhiêu cuộc họp được tiến hành giữa các bên để truy tìm nguyên nhân các thảm họa?

Hiện nay, từ cấp cao nhất là người đứng đầu Chính phủ đã họp chỉ đạo đến các cán bộ chính quyền địa phương đã vào cuộc rốt ráo, thậm chí đi ăn cá và tắm biển ở khu vực thảm họa. Bản thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp chiều 1/5 cũng nhấn mạnh “phải làm rõ để giải thích cho nhân dân hiểu rằng chúng ta không bao che cho ai, nhưng phải làm một cách thận trọng, trên cơ sở khoa học”. Đây có lẽ là tất cả những gì chúng ta có thể làm trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, để ngăn ngừa các thảm họa tương tự trong tương lai, cần đặc biệt thúc đẩy minh bạch thông tin từ phía chính quyền – coi đây như là sự bắt buộc và sự tham gia của các tổ chức xã hội ngoài công lập trong giám sát hoạt động của các doanh nghiệp cũng như của các cấp chính quyền – xem đây là sự thiết yếu. Bên cạnh những điều kiện cần, đây sẽ là điều kiện đủ để giúp ngăn ngừa các thảm họa tương tự và góp phần xử lý nhanh nhất vấn đề môi trường với tổn thất ít nhất.

Từ thảm họa cá chết có thể nhận thấy nhu cầu lớn hơn bao giờ hết đối với Việt Nam là thúc đẩy ba yếu tố cấu thành một tổ chức xã hội hiện đại, gồm: nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự. Trong đó, doanh nghiệp được quyền theo đuổi mục tiêu lợi nhuận của mình nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật và chịu sự giám sát của xã hội thông qua các tổ chức xã hội. Nhà nước tạo dựng khuôn khổ pháp luật, theo dõi việc thực thi nghiêm pháp luật để doanh nghiệp và các tổ chức xã hội có thể hoạt động theo mục đích, chức năng đã vạch ra. Còn các tổ chức xã hội phải triển khai được sự giám sát ở mọi nơi mọi lúc đối với sự theo đuổi lợi nhuận hợp pháp của doanh nghiệp cũng như sự vận hành đúng chức năng và quyền hạn của bộ máy nhà nước. Khi đó, sự giám sát và ngăn ngừa các thảm họa môi trường sẽ được vận hành trơn tru, ổn định và hiệu quả hơn.

PGS.TS. Phạm Bích San

Nguồn: