Khôn nguôi nỗi đau rừng vàng (Kì 1)

ThienNhien.Net – Khu Bảo tồn Ngọc Sơn – Ngổ Luông được thành lập cuối năm 2005, với diện tích hơn 19 nghìn ha. Đây là một vùng rừng đặc dụng hiếm hoi của tỉnh Hoà Bình, có nguồn gỗ quý hiếm. Có lẽ đó là một phần nguyên nhân dẫn đến nghịch lý là lâu nay Ngọc Sơn – Ngổ luông đã bị tàn phá dữ dội, bất chấp những nỗ lực của cơ quan chức năng.

Ngang nhiên chở gỗ lậu qua trụ sở Ban Quản lý

Từ thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, một người dân thị trấn đưa tôi đến trụ sở Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông (KBT). Xe chúng tôi ngược chiều với những chiếc xe Win “ôm” gỗ trôi dốc vùn vụt. Ngoái lại đằng sau, tôi chỉ kịp thấy 3 chiếc xe ngả nghiêng rồi khuất nhanh trên khúc cua đường đèo quanh co.

Thấy tôi ngạc nhiên, anh xe ôm bảo: “Bình thường ấy mà, anh mới lên đây lần đầu nên mới lạ như thế, chứ chuyện chở gỗ thả trôi dốc ra ngoài thị trấn Vụ Bản mình là chuyện cơm bữa ở đây, vì ở huyện này, chỉ ở đây còn gỗ quý thôi”.

Câu chuyện của chúng tôi cởi mở hơn khi tôi tự giới thiệu mình là cán bộ bảo tồn mới nhận công tác. Người đưa đường cho biết rừng nơi đây trước đây còn nhiều, nhưng giờ chỉ còn tận vùng sâu. Điều anh nói tôi cũng có thể tận mắt chứng kiến bởi ngay tầm mắt chúng tôi, những quả đồi lúp xúp không còn bóng dáng cây cổ thụ nối tiếp nhau chạy dài. Nghe nói, nơi đây người ta đang đầu tư phục hồi sinh thái, nghĩa là tìm lại giá trị “rừng vàng” của một thời xa xưa nào đó. .

Trụ sở Ban Quản lý KBT nằm ven trục đường chính từ thị trấn vào KBT. Con đường rải nhựa ngon lành, là tuyến đường huyết mạch nối bà con sinh sống trong KBT với bên ngoài. Tuy nhiên, lâm tặc cũng lấy đây làm tuyến vận chuyển gỗ lý tưởng, cho dù nó không phải là cửa rừng duy nhất.

Anh Dương Thế Hoàng, cán bộ Kiểm lâm KBT chia sẻ: “Nếu ở lại qua đêm, anh sẽ được chứng kiến thời điểm lâm tặc lộng hành. Với chúng tôi, thực sự đó là một cuộc chiến cam go”.

Món lời khổng lồ

Nghe cán bộ kiểm lâm nói về giá thành của những xúc gỗ lậu được lâm tặc vận chuyển trót lọt, tôi mới hiểu vì sao những người dân vốn hiền lành kia đâm trở nên liều lĩnh tới vậy.

“Với khúc gỗ dài 60 phân, đường kính 20 cm này thì những đầu nậu thu mua của dân trong KBT với giá khoảng 40 – 50.000 đồng, nhưng đưa được đến thị trấn Vụ Bản, thậm chí chỉ qua con dốc dài 12 km này thôi, cũng đã lên giá 120.000 đồng. Với loại khúc tròn đường kính khoảng 30cm, chiều dài chỉ từ 40 – 50cm, thu mua tại chỗ cũng đã từ 60 – 70.000 đồng, và vận chuyển xuống thì được bán có thể tới 170 – 180.000 đồng.” – đứng trước những đống gỗ mới tịch thu được trong mấy ngày qua, anh Hoàng cho biết.

Với nhiều người, đó là món tiền khổng lồ có dư sức cám dỗ, nhất là khi nhàn nông, rảnh vụ. Nếu cứ tính trung bình mỗi chuyến xe vận chuyển 3 khúc gỗ như khi trước tôi quan sát được, lâm tặc cũng rỉnh rẻng đút túi vài trăm. Thấy bảo cũng có kẻ liều lĩnh hơn chở tới 5 khúc nhưng số này cũng ít, vì như vậy xe cồng kềnh, khó ép cua đi với tốc độ lớn. Nhiều xe đi hai người, kẻ ngồi sau sẽ đảm trách vai trò chống trả lực lượng chức năng khi bị săn đuổi.

Thứ gỗ khiến những tay lâm tặc dám mạo hiểm hơn cả là nghiến và trai. Hai loại gỗ này thường bị xẻ thành những thanh dài 2,2m, kích thước 20cm x 7cm trót lọt ra khỏi con dốc KBT, giá “đóng đinh” không dưới 200.000 đồng/tấm.

Mặt hàng này luôn được vận chuyển đêm bởi đêm đường vắng, xe có thể phóng tốc độ cao hơn. Đi đêm cũng có cái khó là hạn chế quan sát, tuy nhiên với những tay vận chuyễn gỗ lậu “ăn suơng” này thì từng mét trên con đường này, từng cái ổ gà lớn nhỏ chúng còn thuộc hơn cả những vết sẹo trên cơ thể.

Chính vì khoản lời “mê tơi” này lâu nay rừng vàng Ngọc Sơn – Ngổ Luông rả rích ngày đêm bị gặm nhấm và khiến những kẻ vi phạm trở nên bạo gan, bất chấp hơn. Chúng luôn trong tư thế sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng.

“Khi đuổi bắt, chúng tôi cũng chỉ dám áp sát và vượt lên ở những khúc cua. Nếu như tiếp cận chúng ở đoạn đường thẳng thì quá nguy hiểm. Hoặc là chúng cắt dây thả gỗ rơi tự do làm vật ngáng xe theo sau (nếu chúng đi một người) hoặc nếu đi hai, kẻ ngồi sau sẽ đẩy gỗ xuống đường. Mình đã may mắn thoát chết một lần như vậy” – anh Hoàng kể.