“Động rừng” ở Yok Đôn

Ông Đoàn Xuân Thiện – Chủ nhiệm Ban Kiểm tra Đảng uỷ Vườn quốc gia Yok Đôn – gọi điện thoại với giọng khẩn thiết: "Nhà báo ơi, Vườn quốc gia Yok Đôn bị động rừng rồi. Động to lắm rồi"… Ông nói giọng đầy khẩn thiết, xen nỗi đau khổ, xót xa: "Vào đây, sẽ thấy sự cướp bóc gỗ quý của lâm tặc khủng khiếp như thế nào… Phải có báo chí các anh lên tiếng mạnh mẽ, tạo ra sự đồng thuận của xã hội, may ra mới cứu được vườn!"…

Dịch săn gỗ hương

Rừng Yok Đôn là rừng khộp, mùa này cây trụi hết lá, nên đi giữa rừng mà nắng chang chang. Nhưng nhờ vậy mà tầm mắt có thể phóng xa để nhìn thấy đâu là cây gỗ dầu, đâu là cà chít, căm xe, đâu là gỗ hương – thứ gỗ lâm tặc đang săn lùng chặt trộm, gây nên cuộc động rừng ở Yok Đôn hiện nay.

Sáng 11/04, xuất phát vào rừng, cùng đi có ông Thiện, ông Hồ Văn Cầu – Phó Giám đốc, Phó Bí thư Đảng uỷ vườn, ông Nguyễn Văn Hiệt – Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 4 của vườn…. Ông Thiện bảo: “Lần đi rừng này là để kiểm tra cụ thể, nhằm thực hiện quyết tâm của Đảng bộ vườn, không giấu giếm việc mất rừng mà phải làm rõ yếu kém ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai, điều gì vườn phải tự giải quyết, điều gì phải có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của cả xã hội… Từ đó mới có thể có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ vườn”…

Con đường vào tiểu khu 441 thuộc vùng lõi của vườn ngoằn ngoèo băng qua hàng chục con suối, mùa này cạn trơ đầy đá lởm chởm, băng qua hàng chục đồi cao ken dày rặt một loại gỗ dầu, thỉnh thoảng mới thấy vài thứ cây khác lạc loài xen vào. Rừng yên ắng. Mãi khi vào tới tận suối Két (Đắc Na), cách xa trụ sở vườn khoảng 25 cây số, chúng tôi mới nghe tiếng mang tác ầm ĩ. Ông Thiện bảo: “Rừng có vẻ đang bình yên đấy, nhưng đi mấy trăm mét nữa, anh sẽ thấy đang bị động rừng ghê gớm lắm”…

“Tiểu khu 441 đã ở trước mặt chúng ta” – ông Hiệt dẫn đường giơ tay chỉ. Vẫn là một khu rừng khộp, nhưng ở đây xen lẫn khá nhiều gỗ hương. Mùa này hương ra lá mới, xanh non, hoa vàng mơ thấp thoáng trong kẽ lá, rơi như dệt hoa văn trên mặt đất. Tuyệt đẹp. May là những cây tốt số chưa bị lâm tặc sát hại. Khi mới lọt vào tiểu khu này độ trăm mét, những cây hương bị đốn trộm nằm chỏng chơ đã hiện ra trước mắt.

Có cây đã bị lâm tặc kéo đi một phần, có cây còn nằm dài trên mặt đất nguyên vẹn, lâm tặc chưa kịp bốc. Cành lá đã khô. Nhựa cây từ gốc trào lên đen đặc bám quanh miệng vết cưa, trông tựa như con mắt oan khuất mở to nhìn lên bầu trời. Chỉ một vạt rừng nhỏ ở đây đã có tới 12 cây hương bị chặt, cây nhỏ nhất đường kính gốc cũng trên 50cm, nhiều cây đường kính tới gần 1m. Có súc gỗ suôn óng, dài tới gần chục mét. Ông Thiện cho hay: “Những khúc nạc như thế này xẻ thành hộp, đưa ra phố cầm chắc mấy chục triệu như chơi…”.

Không chỉ ở tiểu khu 441 mà tại tiểu khu 458, cũng có 4 cây hương bị chặt hạ. Có cây dài tới 12m, đường kính tới gần 1m. Lửa của lâm tặc nhóm bếp nấu ăn vẫn còn cháy âm ỉ trong những cây gỗ mục và lan ra xung quanh. Những khúc gỗ hương lâm tặc chưa kịp lấy đi bị cháy đen. Ai cũng xuýt xoa, tiếc của trời…

Tất cả các cây hương đều được đốn hạ bằng cưa máy hiện đại. Vết cắt ngọt, phẳng lì. Chỉ cần nổ máy gí lưỡi cưa vào gốc, 5 phút sau cây gỗ lớn đường kính cả mét đã lăn kềnh giữa đất. Chỉ cần vào rừng một ngày, khoảng 2 tên lâm tặc đã có thể đốn hạ, cắt lóng, xẻ hộp (có nơi xẻ thành tấm) hàng chục cây gỗ lớn. Sau đó gỗ có thể lên lưng voi, lên xe công nông, xe máy, luồn lách theo lối mòn ra ngoài.

Ông Đoàn Xuân Thiện còn định đi vào tiếp tiểu khu 447 (tức là đi thêm 10 cây số nữa), nhưng vì không kịp thời gian, nên đành quay lui. Nhưng theo ông Thiện thì phải vào 447 mới thấy được sự cướp bóc tài nguyên của lâm tặc khủng khiếp như thế nào. Chỉ trong một khoảnh 4-5ha đã có tới hàng trăm cây gỗ hương đường kính lớn bị chặt. Tổng lượng gỗ hương từ tháng 07/2007 đến nay của vườn bị thiệt hại lên tới cả ngàn mét khối, trong đó lượng gỗ chúng đã lấy đi không dưới 500m3.

Ông Thiện cho biết: “Về công tác ở vườn hơn chục năm rồi, nhưng chưa bao giờ thấy việc phá rừng (mà chỉ rặt phá gỗ hương) quái ác như thời gian gần đây. Vừa căm phẫn, vừa buồn, vừa xót xa… Và cũng vì vậy, đây là lần đầu tiên Đảng uỷ vườn phải trực tiếp vào cuộc, nội bộ phải đấu tranh với nhau gay gắt nhất”. Ông là người thẳng thắn đấu tranh, yêu cầu làm rõ trách nhiệm để mất rừng của từng bộ phận, từng cán bộ. Biết là có người ghét, có kẻ tìm cách trả thù, nhưng ông bảo: “Nhìn rừng mà xót, không đấu tranh, không tìm cách ngăn chặn được nạn phá rừng hiện nay thì chỉ 2 năm nữa Vườn quốc gia Yôk Đôn sẽ không còn một cây gỗ quý nào”.

 
Những cây hương lớn bị đốn trộm tại tiểu khu 441.

Lâm tặc mạnh, kiểm lâm yếu (!)

Tôi nêu câu hỏi với ông Giám đốc vườn Ngô Tiến Dũng: “Vì sao vườn không thể giữ được rừng?”. Ông thẳng thắn thừa nhận: “Ta quá yếu mà địch quá mạnh”. Thứ nhất về con số, lâm tặc quá đông. Đến giờ thì các lâm trường xung quanh vườn về cơ bản đã diệt xong rừng. Chỉ còn lại vườn, còn miếng nạc ngon nhất treo trước mắt thiên hạ, nên luôn luôn bị lâm tặc bốn phương tập trung dòm ngó, hở một chút là chúng tấn công cấu xé. Chúng có hàng ngàn tên, trong khi kiểm lâm chỉ có 80 người, so với định biên còn thiếu khoảng 130 người, nhưng xin mãi từ nhiều năm nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa cho thêm”.

Thứ hai là… lâm tặc lại ở ngay trong nhà mình, thể hiện qua hành vi kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc, có người lợi dụng để đưa gỗ quý về nhà. Lâm tặc ở trong nhà mình còn thể hiện ở chỗ: Giữa vùng lõi của vườn hiện vẫn còn buôn Đ’răng Phôk, có 85 hộ, nhưng có tới 43 cưa máy, 21 xe công nông dùng chở gỗ.

Hiện gỗ đang có giá cao nên nhà nào cũng bỏ ruộng, bỏ rẫy đi làm gỗ. Bởi đi làm gỗ là có tiền “tươi”, vào rừng một ngày trở về là có ngay tiền triệu. Vì thế hầu hết đàn ông khoẻ mạnh trong buôn đều trở thành lâm tặc. Ngày 30/06/2007, anh em kiểm lâm ở Trạm 4 (thuộc vườn) phát hiện được Y Sắp K’sơ và một số tên lâm tặc đang chặt trộm gỗ, đã thu giữ cưa máy của chúng, nhưng sau đó chúng đã kéo đến trạm đập phá bàn ghế, giường tủ, đánh 2 kiểm lâm bị thương. Vườn báo cáo với các cơ quan pháp luật huyện Buôn Đôn, với chính quyền huyện, nhưng vụ việc không được xử lý đến nơi đến chốn.

Giữa tháng 3 vừa rồi, kiểm lâm vườn đi tuần tra, phát hiện được Y Sắp và tay chân đang cắt trộm gỗ hương, anh em không dám thu giữ phương tiện mà chỉ đuổi ra khỏi rừng. Vậy mà sau đó Y Sắp và tay chân đã kéo đến trạm kiểm lâm gây sự, đập phá bàn ghế, ấm chén của trạm. Vụ việc tiếp tục được báo lên các cơ quan chức năng của huyện, nhưng rồi người ta vẫn cho qua…

Ngày 11/04/2008 vào buôn Đrăng Phôk, thấy ngay cạnh nhà buôn trưởng Y Tê một lóng gỗ hương lớn, còn tươi, dài khoảng 3,5m, đường kính chừng 80cm. Dù trạm kiểm lâm ở cách đó 300m, biết rõ trong buôn đang có gỗ lậu nhưng ai dám đi thu giữ, xử lý…

Bên cạnh đó vườn cũng bị một loại lâm tặc thần thế khác mà anh em thường gọi là “lâm tặc hảo hán”, “lâm tặc chúa”, “lâm tặc đại ca” tấn công. Nổi danh nhất là T.H và B.Đ ở Buôn Ma Thuột. Nhiều lần kiểm lâm vườn được dân báo tin có chiếc xe 12 chỗ màu trắng của T.H đang chở gỗ lậu. Anh em dùng ôtô đuổi theo. Nhưng T.H cho đàn em đi xe máy chạy chậm vòng vèo chặn mặt xe ôtô của vườn, tạo điều kiện cho xe chở gỗ của hắn chạy thoát. Nhiều lần như thế kiểm lâm vườn gọi điện thoại ra Công an huyện, kiểm lâm huyện Buôn Đôn nhờ phối hợp chặn bắt, nhưng “không hiểu sao” nó vẫn trốn thoát…

Tiếng kêu khẩn thiết

Vào rừng Yok Đôn, thấy rõ nỗi tang thương của vườn, ngồi tâm sự với một số cán bộ từng có hàng chục năm gắn bó với vườn, chúng tôi thấy rõ Vườn quốc gia Yok Đôn đang đứng trước thảm hoạ lớn, sẽ mất hết gỗ quý trong một vài năm tới nếu không ngăn chặn được dịch ăn cắp gỗ hiện nay.

Rừng Yok Đôn sẽ tan hoang. Yok Đôn mà tan hoang thì Bản Đôn cũng hết thú, hết voi, sẽ mất hết cả cội rễ văn hoá đặc sắc của vùng đất này. Đó sẽ là một sự đau xót không có trời biển nào đo lường được. Và vì thế bài viết này xin là một tiếng kêu thương, khẩn thiết gửi tới Bộ NN&PTNT, gửi tới các ngành, các cấp có liên quan của tỉnh Đắc Lắc hãy có ngay giải pháp thiết thực cụ thể để bảo vệ Vườn quốc gia Yok Đôn. Đừng nói yêu rừng, đừng nói tinh thần trách nhiệm một cách chung chung. Xin tất cả hãy chung sức, chung lòng vì sự tồn vong của vườn…