Hà Nội phấn đấu 40-45% xã đạt chuẩn nông thôn mới

ThienNhien.Net – Đảng bộ thành phố Hà Nội vừa đặt ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ phấn đấu đạt 40-45% số xã theo chuẩn nông thôn mới, trong đó rất coi trọng nguồn lực tại mỗi địa phương.

Mô hình nông thôn mới ở Thụy Hương

Mô hình nông thôn mới (NTM) ở xã Thụy Hương (Chương Mỹ) là 1 trong 11 mô hình triển khai thí điểm xây dựng NTM của cả nước, thời gian thực hiện từ tháng 06/2009 đến tháng 06/2011.

Hiện nay, Thụy Hương đã hoàn thành công tác quy hoạch theo tiêu chí của Bộ Xây dựng, cơ sở hạ tầng y tế, hệ thống điện cũng đã được đầu tư xây mới, chỉnh trang và nâng cấp… Trong nông nghiệp, xã đã lập và phê duyệt xong dự án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn quy mô 80ha và đang triển khai lập dự án chuyển đổi 15ha trồng cây ăn quả, 10ha trồng hoa, 10ha nuôi trồng thủy sản và 9,5ha chăn nuôi tập trung xa khu dân cư…

Trên cơ sở những kết quả ban đầu của mô hình NTM tại xã Thụy Hương, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo tiếp tục triển khai mở rộng mô hình NTM tại các huyện, thị xã. UBND thành phố đã chọn 3 xã Mai Đình (Sóc Sơn), Đại Áng (Thanh Trì) và Song Phượng (Đan Phượng) tiếp tục xây dựng điểm để làm cơ sở nhân rộng ra các địa phương.

Riêng trong năm 2010, mỗi huyện, thị xã chọn ít nhất từ 1-2 xã làm điểm để rút kinh nghiệm. Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố đã khảo sát xong 401 xã theo 19 tiêu chí xây dựng NTM.

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã hoàn thiện hệ thống khung chuẩn đánh giá các tiêu chí NTM để các địa phương dễ dàng áp dụng khi triển khai trên diện rộng. Hệ thống này gồm 17 danh mục, biểu mẫu điều tra tại xã bao gồm: rà soát các quy hoạch trên địa bàn, hiện trạng quy hoạch và sử dụng đất, hiện trạng và kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương, thủy lợi, điện, hệ thống trường học, khu văn hóa thể thao…

Các địa phương phát huy nội lực xây dựng NTM

Không chỉ dựa hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước, đề án của các huyện ngoại thành phản ánh rõ tâm điểm của chương trình NTM chính là phát huy nội lực cộng đồng, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường của nhân dân.

Điển hình như xã Mai Đình (Sóc Sơn), để có thêm nguồn lực, xã đã kiến nghị với thành phố, huyện cho đấu giá các diện tích đất xen kẹt và huy động nguồn lực từ nhân dân theo phương châm để dân biết – dân bàn – dân làm – dân giám sát. Tiêu biểu đã có 210 hộ dân cam kết hiến đất mở rộng đường làng và mỗi hộ tự nguyện đóng góp 25 ngày công để xây dựng các hạng mục công trình.