Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Cao su

ThienNhien.Net – Trong 10 năm qua, diện tích cao su nước ta tăng gấp 2 lần, từ 454.100 ha (năm 2004) lên 955.600 ha (năm 2013), vượt khoảng 115.6000 ha so với định hướng quy hoạch cao su cả nước đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) tại hội nghị “Sản xuất cao su năm 2014” do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 11/7 tại TPHCM, hiện nay cả nước có khoảng 29 tỉnh, thành phố trồng cao su. Đối với 20 tỉnh nằm trong quy hoạch phát triển cao su cả nước thì đã có 11 tỉnh với khoảng 162.400 ha vượt so với quy hoạch được duyệt. Cụ thể Bình Phước vượt khoảng 82.000 ha, Tây Ninh 33.200 ha, Bình Thuận 10.800 ha, Bình Dương 7.300…
Như vậy, diện tích cao su vượt so với quy hoạch chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ, là vùng sản xuất cao su truyền thống, có điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp cho phát triển cao su.

Tương ứng với diện tích trồng cao su tăng thì đến năm 2013, sản lượng cao su cả nước đạt 958.9000 tấn, tăng 34,4% so với năm 2009 (bình quân tăng 6,9%/ năm), trong đó tỉnh có sản lượng cao su lớn nhất là Bình Phước với 269.300 tấn, tăng 49,5% so với năm 2009.

Bên cạnh đó, năng suất cao su của Việt Nam đạt 17,4 tạ/ha ( năm 2013) và so với thế giới thì năng suất cao su Việt Nam cao hơn năng suất cao su thế giới 50% ( từ 2009-2013), đây là yếu tố quan trọng tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm cao su Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NNPTNT, mặc dù diện tích cao su tăng trưởng với tốc độ cao, năng suất cao su lớn nhưng do quản lý quy hoạch chưa tốt, nông dân sản xuất tự phát khó kiểm soát nên có một số diện tích cao su trồng trên đất chưa phù hợp, dẫn đến chất lượng mủ kém, năng suất không cao, từ đó ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của cao su Việt Nam trên thị trường thế giới.

Rừng cao su (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)
Rừng cao su (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Mặt khác, chất lượng sản phẩm cao su của Việt Nam chưa cao do cách thu mủ hiện nayảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và giá trị xuất khẩu.

Về công nghệ, hiện nay dây chuyền thiết bị cao su sơ chế của Việt Nam chủ yếu là áp dụng công nghệ trong nước (chiếm 92% tổng số vốn đầu tư của các nhà máy chế biến và đầu tư trong nước), công nghệ lạc hậu nên ảnh hưởng đến chất lượng mủ cao su cũng như tăng chi phí sản xuất do sử dụng nhiều nhân công.

Đặc biệt theo Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế, trong 2 năm tới, thị trường cao su thế giới sẽ tiếp tục dư thừa. Năm 2015, thế giới sẽ thừa 483.000 tấn mủ cao su, năm 2016 thừa 316.000 tấn mủ cao su. Trong bối cảnh đó, vào những năm tới, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 4.000 ha cao su đưa vào khai thác, từ đó sản lượng mủ tiếp tục tăng lên sẽ tạo áp lực rất lớn cho tiêu thụ.

Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, đã đến lúc cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành Cao su để phát triển phù hợp với nhu cầu của thế giới trong thời gian tới nhằm tăng sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu của ngành.

Điều chỉnh quy mô sản xuất

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết, sau một thời gian phát triển mạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao, hiện nay ngành Cao su đang đứng trước khó khăn, thử thách lớn. Vì vậy, cần phải có sự rà soát, điều chỉnh, tái cơ cấu ngành Cao su cả nước theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững hơn nữa.

Trước tiên, trong năm 2014, Cục Trồng trọt và các địa phương sẽ tiến hành rà soát quy hoạch phát triển cao su theo đúng quy hoạch của tỉnh và phù hợp với quy hoạch chung của cả nước.

Tiếp tục điều chỉnh quy mô sản xuất trong ngành Cao su theo hướng tạm dừng không trồng mới cao su mà tập trung tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và thâm canh các vườn cây hiện có để nâng cao năng suất, chất lượng. Theo đó, tiến hành chuyển đổi diện tích cao su già cỗi hoặc bị bão không phục hồi được phải thanh lý để tái canh. Đồng thời, kiểm soát diện tích cao su do chuyển đổi từ diện tích của một số cây trồng như điều, mía, cây ăn quả kém hiệu quả theo đúng quy hoạch.

Tính trong 6 tháng đầu năm 2014, trên cả nước đã có là 3.856 ha cao su thanh lý và chuyển đổi.

Theo ông Trần Ngọc Thuận, để tăng giá trị xuất khẩu cao su, ngành Cao su cũng như các DN cần chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng cao su thiên nhiên bằng cách áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, tăng giá trị sản xuất bằng việc chăm sóc mủ cao su đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt khuyến khích mô hình xen nông lâm kết hợp với cây cao su để tăng thu nhập.

Ngoài ra, có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển ngành chế biến cao su trong nước để tăng tiêu thụ cao su nội địa, giảm nhập khẩu các sản phẩm chế biến từ cao su. Ngành Cao su sẽ đẩy mạnh công nghiệp chế biến gỗ cao su, đa dạng hóa các sản phẩm để tận dụng tối đa các sản phẩm cao su từ vườn thanh lý nhằm nâng cao giá trị gia tăng.