Xã hội hóa dịch vụ môi trường rừng

ThienNhien.Net – Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, việc huy động các nguồn lực tài chính xã hội hóa là “lối thoát” cho các chủ rừng…

Đối với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân thì số tiền chi trả là động lực để họ cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ rừng, giúp họ gắn bó với rừng. Đó là nội dung chính được diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ môi trường rừng” tại Hòa Bình, ngày 13/11.151116-dichvumoitruongrung

Nhiều quy định không còn phù hợp

Theo ông Phạm Hồng Lượng, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến 30/6/2016, cả nước đã ký được 464 hợp đồng ủy thác tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) với các cơ sở sử dụng DVMTR, trong đó quỹ trung ương ký 64 hợp đồng, quỹ tỉnh ký 400 hợp đồng.

Trên cơ sở các hợp đồng ủy thác, nguồn tiền DVMTR của cả nước hàng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng, lũy kế đến 30/6/2016 là 5.744,792 tỷ đồng từ 3 nhóm đối tượng: Cơ sở thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, cơ sở du lịch.

Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Giám đốc Trung tâm KN Hòa Bình, từ năm 2011 -2015 cho biết, tỉnh đã thu 53.740 triệu đồng quỹ DVMTR và giải ngân, thanh toán cho chủ rừng tại 3 lưu vực và chi phí hoạt động của Ban điều hành quỹ cùng kinh phí hỗ trợ hoạt động cho BQL rừng phòng hộ Sông Đà là 45.952 triệu đồng. Hiện, tổng quỹ còn tồn 7.788 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc chi trả DVMTR tới từng chủ rừng còn rất khó khăn do quy định tại chính sách và các văn bản liên quan tới phương thức, hồ sơ nghiệm thu thanh toán chưa phù hợp đặc thù địa phương; diện tích rừng chi trả manh mún, nhỏ lẻ, mất nhiều thời gian cho công tác nghiệm thu thanh toán; mức chi trả thấp, chênh lệch chi trả trên các lưu vực rất lớn, gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, ảnh hưởng lớn đến ý thức người dân.

Là cơ quan chủ trì diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm KNQG cho rằng, chi trả DVMTR là chính sách đầu tiên về lâm nghiệp đã coi việc BV&PTR, bảo tồn các hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của rừng là các dịch vụ, nguồn lực mới, cơ hội đầu tư lớn góp phần phát triển ngành lâm nghiệp, thực hiện cơ chế tài chính người được hưởng lợi từ rừng…

Đến nay, chính sách chi trả DVMTR đã có sự đồng bộ, nhất quán một cách có hệ thống nhưng vẫn không tránh khỏi một số bất cập, hạn chế như: Còn 2/5 loại dịch vụ chưa được triển khai, quy định mức chi trả theo Nghị định 99 không còn phù hợp với tình hình lạm phát và biến động tăng giá như hiện nay, đồng thời chi trả theo từng lưu vực của từng cơ sở sử dụng DVMTR giữa các tỉnh tạo ra sự chênh lệch lớn, dẫn đến tình trạng không công bằng…

Huy động nguồn lực xã hội hóa

Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về phạm vi triển khai DVMTR, mức và cách chi trả DVMTR, mức chi trả giữa các lưu vực cũng như thủ tục thanh toán tiền DVMTR, để chính sách DVMTR phát huy tối đa hiệu quả… Nhiều quy định về chi trả cho DVMTR không còn phù hợp thực tế, cần sửa đổi, bổ sung để nâng cao hiệu quả BV&PTR.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong 5 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR, số tiền chi trả cho chủ rừng và các tổ chức không phải chủ rừng là 4.549,620 tỷ đồng, đã có hơn 500.000 hộ dân sống trong và gần rừng nhận được tiền chi trả DVMTR, tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện thu nhập… Tuy vậy thời điểm hiện nay, số tiền chi trả DVMTR chưa đáp ứng được giá trị sức lao động và nhu cầu tối thiểu…

Về chi trả cho DVMTR, ông Phạm Hồng Lượng, Phó Giám đốc Quỹ BV&PTR, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, thực tế từ năm 1999 – 2000, công tác quản lý BV&PTR phần lớn được đầu tư chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước thông qua các chương trình, dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng toàn quốc.

Để nâng cao hiệu quả BV&PTR, ông Lượng cho rằng, các đối tượng được hưởng lợi từ rừng phải đóng góp vào Quỹ BV&PTR, đồng thời đề cao các giá trị môi trường và coi đây là nguồn tài chính để BV&PTR. Song song là các sáng kiến của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ thông qua các chương trình, dự án đã thể hiện cách làm mới, tích cực đóng góp, hỗ trợ triển khai thực hiện thí điểm và thể chế hóa các quy định, hướng dẫn nhằm huy động các nguồn lực xã hội để tái đầu tư BV&PTR…

Trong đó, chính sách chi trả DVMTR đã từng bước thúc đẩy, tạo lập cơ chế thị trường có sự định hướng và thể hiện vai trò điều tiết của Nhà nước; thể hiện mối quan hệ trong giao dịch kinh tế giữa một bên mua là bên sử dụng DVMTR và bên bán là bên cung ứng DVMTR.

Tỉnh Hòa Bình có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước, trong đó có mô hình quản lý bảo vệ rừng tại đảo Xanh, xã Thung Nai, huyện Cao Phong. Ông Nguyễn Hồng Tuấn cho rằng, để DVMTR hiệu quả cần tăng cường hơn nữa công tác phổ biến tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, bà con cùng chung tay trong công tác quản lý BV&PTR.

Theo ông Tuấn, cần thực hiện khảo sát nhu cầu đào tạo hàng năm và lập kế hoạch đào tạo hợp lý. Ngoài ra, cần ban hành các hướng dẫn, văn bản quy định chi tiết theo hướng phù hợp thực tế, tinh giản thủ tục hành chính. Đồng thời cân đối bố trí kinh phí BVR đối với từng loại khu vực. Tăng cường biện pháp yêu cầu các đối tượng sử dụng DVMTR nội tỉnh nộp đúng, nộp đủ theo quy định cũng như khuyến khích các chủ rừng thực hiện quản lý BVR theo cộng đồng dân cư…

Các đại biểu tham dự diễn đàn đều cho rằng, công tác chi trả DVMTR là chính sách vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, việc huy động các nguồn lực tài chính xã hội hóa được xem là “lối thoát” cho chủ rừng. Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân thì số tiền chi trả là động lực để họ cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập, từ đó nâng cao ý thức, hiệu quả BVR…