Nghệ An: Phát triển miền Tây hiệu quả và bền vững

ThienNhien.Net- UBND tỉnh Nghệ An vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội miền Tây của tỉnh đến năm 2020. Theo đó sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ ngành nông, lâm nghiệp sang hình thành vùng sản xuất cây nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến.

Mục tiêu cụ thể phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2015 đạt 13 -14%, bình quân đầu người khoảng 28 – 29 triệu đồng năm 2015. Phấn đấu đến năm 2016 – 2020 tăng trưởng 12 – 13% và thu nhập bình quân 56 – 58 triệu đồng/người vào năm 2020.

Quy mô dân số của miền Tây tỉnh Nghệ An sẽ được ổn định ở khoảng 1,2 triệu người vào năm 2020, giải quyết việc làm cho khoảng 8 ngàn lao động trong giai đoạn 2011-2015.

Kế hoạch chuyển dịch của ngành công nghiệp sẽ theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, đạt khoảng 70% vào năm 2020, để phấn đấu công nghiệp chiếm khoảng 40% giá trị gia tăng

Trong đó, tỉnh chú trọng hình thành các vùng kinh tế trọng điểm ở Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Con Cuông; tập trung hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực trong những ngành và lĩnh vực có lợi thế so sánh như kinh tế rừng, chăn nuôi đại gia súc, chế biến sữa, thực phẩm, mía đường, thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản.

Trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản, với lợi thế có sẵn về đất đai, tỉnh sẽ đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, mục tiêu chiếm trên 50% giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn sau 2015. Hình thành một số vùng cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây ăn quả tập trung, quy mô lớn gắn với các cơ sở chế biến như: mía, chè, cà phê, cao su, cam, dứa. Về thủy sản sẽ phát triển trên các hồ đập lớn và thâm canh các loại con nuôi có giá trị kinh tế cao, thị trường ổn định.