Rửa tay ngăn virus: Đơn giản nhưng 95% làm sai

Lời khuyên tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi COVID-19 mà các chuyên gia y tế đưa ra là: rửa tay.

“Suy cho cùng thì đôi bàn tay là quan trọng nhất”, Tiến sĩ Elizabeth Scott, đồng Giám đốc Trung tâm Dịch tễ và Y tế tại nhà và cộng đồng thuộc Đại học Simmons ở Boston nhấn mạnh.

“Bạn không nhất thiết phải kiểm soát những gì chạm vào. Bạn không thể kiểm soát ai khác chạm vào nó. Nhưng bạn có thể tự chăm sóc đôi bàn tay mình”.

Rửa tay – bằng xà phòng và nước – là vũ khí chống lại vi trùng uy lực hơn hẳn mức nhiều người trong chúng ta nhận biết.

Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch là cách quan trọng nhất để phòng chống virus corona. (Ảnh: Internet)

Scott nói rằng rửa tay có hiệu quả trên hai mặt trận: “Điều trước tiên và quan trọng nhất là bạn có thể loại bỏ mọi thứ khỏi tay bạn. Đối với một số tác nhân nhất định, xà phòng sẽ thực sự phá vỡ và bẻ gãy tác nhân đó”.

Các virus corona như chủng năm nay đã khiến hơn 100.000 người bị nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới được bọc trong một lớp vỏ lipid mà về cơ bản là một lớp mỡ. Xà phòng có thể phá vỡ chất béo đó và khiến virus không thể lây nhiễm cho bạn.

Điều thứ hai xà phòng mang lại là khiến da trơn trượt nên nếu cọ xát đủ, chúng ta có thể loại bỏ vi trùng và rửa sạch chúng.

Nghe có vẻ khá đơn giản nhưng đại đa số mọi người vẫn không thực hiện đúng.

Một nghiên cứu năm 2013 tập huấn cho các nhà quan sát kín đáo theo dõi hơn 3.700 người rửa tay, họ phát hiện rằng chỉ khoảng 5% trong số này làm theo tất cả các quy tắc. Khoảng 1/4 chỉ làm ướt tay mà không sử dụng xà phòng – một nhà nghiên cứu dịch tễ gọi đây là hoạt động “vẩy tay”. Khoảng 1/10 không hề rửa tay tí nào sau khi vào nhà vệ sinh. Lỗi phổ biến nhất với hầu hết mọi người là thời gian. Chỉ 5% dành hơn 15 giây để rửa, chà xát và xả lại tay.

Scott chỉ ra rằng như thế là không đủ để phòng bệnh.

Khi một loại virus mới đang lây lan, mọi thứ phức tạp hơn và cần phải hiểu cặn kẽ kỹ thuật rửa tay. Đầu tiên là mở nước, không quan trọng nước nóng hay lạnh. “Chúng tôi thực hiện nghiên cứu về nhiệt độ nước và phát hiện hiệu quả rửa tay không liên quan đến nhiệt độ nước lắm”, Tiến sĩ Donald Schaffner, nghiên cứu về vi sinh thực phẩm dự đoán, rửa tay và ô nhiễm chéo tại Đại học Rutgers, Hoa Kỳ cho hay.

Thứ hai là xát xà phòng. Xà phòng đẩy vi trùng khỏi da khi bạn xoa hai bàn tay vào nhau. Bạn có thể thích xà phòng dạng lỏng hoặc gel hơn là xà phòng nhiều bọt. Một nghiên cứu năm 2017 đã so sánh xà phòng bọt và xà phòng lỏng của cùng một thương hiệu và thấy rằng rửa bằng bọt không làm giảm đáng kể vi khuẩn trên tay của những người tham gia nghiên cứu trong khi rửa bằng xà phòng lỏng thì có.

Nghiên cứu này nhỏ và lần đầu tiên đề cập về vấn đề này. Thông thường giới khoa học muốn thấy kết quả nghiên cứu được lặp lại trước khi được chấp nhận là thực tế. Những người tham gia nghiên cứu chỉ rửa trong 6 giây. Đáng buồn thay, đó là khoảng thời gian trung bình hầu hết chúng ta rửa tay nhưng ít hơn mức 20 giây mà Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo.

Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả trên vẫn có ý nghĩa nhất định. Do xà phòng bọt rửa nhanh hơn xà phòng gel nên người dùng nhiều khả năng vẩy cả mảng bọt văng ra. Người ta có xu hướng rửa tay trong thời gian ngắn hơn khi dùng xà phòng bọt”, Ozlem Equils, Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận giáo dục MiOra khẳng định.

Xà phòng bánh thì sao? Nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng vi khuẩn có thể tồn tại trên xà phòng bị ướt do sử dụng thường xuyên. Nhưng các nghiên cứu cũng xem xét liệu đó có phải là một vấn đề cho thấy vi khuẩn dường như không lây sang người dùng tiếp theo hay không. Nếu bánh xà phòng nhớt nhát, hãy xịt sạch trước khi bạn xoa lên tay, và cố gắng trữ nó khô ráo cho lần sử dụng sau.

Nếu bạn đến nhà tắm công cộng, và ở đó không có xà phòng, chỉ cần xoa hai bàn tay vào nhau dưới nước là được. Một nghiên cứu được các nhà nghiên cứu thuộc Trường dịch tễ nhiệt đới London công bố năm 2011 từ cho thấy chỉ cần rửa bằng nước làm giảm 1/4 vi khuẩn so với trước khi rửa. Rửa bằng xà phòng và nước mang làm giảm số lượng vi khuẩn xuống còn khoảng 8% trước rửa.

Điểm mấu chốt là có gì dùng nấy. Có còn hơn không.

Bạn nên chà tay trong bao lâu? Ít nhất 20 giây, theo CDC. Có thể bạn đã biết rằng thời gian đó bằng 2 lần hát bài Chúc mừng sinh nhật. Nếu bạn không thích điều đó, Twitter có gợi ý một số cách tuyệt vời khác.

Hãy chú ý đến những nơi trên tay mà bạn không phải lúc nào cũng nghĩ đến.

Các nghiên cứu mọi người xoa tay bằng Glo Germ (một sản phẩm phát sáng dưới đèn cực tím và được sử dụng để dạy rửa tay đúng cách) trước khi rửa cho thấy những chỗ có xu hướng bị bỏ qua.

“Thông thường, những điểm mọi người sẽ bỏ qua là mu bàn tay, nửa dưới lòng bàn tay. Bạn có thể thấy ánh huỳnh quang xung quanh móng tay và vùng nền móng – nơi mọi người thường không rửa sạch”, Schaffner phân tích.

Schaffner nói rằng nghiên cứu của mình chỉ ra rằng càng rửa tay chuẩn hơn hơn – rửa lâu hơn, chà kỹ hơn, người ta càng ít khả năng lây nhiễm ra chung quanh.

Cuối cùng, lau khô tay.

“Ngoài rửa tay, khăn giấy thực sự có tác dụng hữu ích khác”, Schaffner nói.

Đúng rồi. Lau tay bằng khăn giấy sẽ loại bỏ nhiều vi trùng hơn là chỉ rửa đơn thuần. Tay khô cũng ít có khả năng lây nhiễm hơn tay ướt.

Bao lâu bạn cần phải rửa? Rất nhiều. CDC khuyên hãy rửa tay:

• Trước, trong và sau khi chuẩn bị bữa ăn

• Trước khi ăn

• Trước và sau khi chăm sóc người ốm

• Trước khi xử lý vết rách hoặc vết thương

• Sau khi đi vệ sinh

• Sau khi thay tã hoặc giúp trẻ trong nhà vệ sinh

• Sau khi cọ vào mũi, ho hay hắt xì

• Sau chi chạm vào động vật, thức ăn thú cưng hoặc chất thải thú cưng

• Sau khi làm đồ ăn cho thú cưng

• Sau khi chạm vào rác

Nếu bạn không thể rửa tay, hãy lấy một ít dung dịch khô. Các virus bọc trong màng lipid như coronavirus sẽ bị chất khử trùng khô chứa cồn tiêu diệt. Chỉ cần chắc chắn rằng dung dịch đó chứa ít nhất 62% cồn.

Phải sử dụng đủ lượng bao phủ tất cả các bề mặt trên tay của bạn. Chà cho đến khi tay bạn cảm thấy khô, mất chừng 20 giây.

Ngoài ra, cần giữ sạch tối đa, tránh chạm vào bề mặt bị ô nhiễm. Sử dụng khăn giấy sạch để mở cửa phòng tắm. Khử trùng các bề mặt bẩn mà bạn sử dụng hàng ngày như màn hình cảm ứng điện thoại và bàn phím máy tính.

Nhật Anh (Theo Washington Post)

Nguồn: