Thế giới cần thêm 70% lương thực vào năm 2050

ThienNhien.Net – “Ngành nông nghiệp phải đạt năng suất cao hơn nếu muốn cung cấp lương thực cho dân số thế giới vốn đang gia tăng nhanh chóng trong khi vẫn phải chống chọi với những thách thức do biến đổi khí hậu trong tương lai”. Đó là phát biểu của chủ tịch Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) Aques Diouf tại Diễn đàn của các chuyên gia cấp cao diễn ra tại Rome, ngày 12 tháng 10.


Trước 300 đại biểu tham gia Diễn đàn “Làm thế nào để nuôi sống thế giới vào năm 2050” diễn ra hai ngày tại Rome, ông Diouf phát biểu: “40 năm tới, tác động kép của tình trạng gia tăng dân số, thu nhập và quá trình đô thị hóa… dự tính sẽ khiến nhu cầu về lương thực, thực phẩm và đồ may mặc tăng gần gấp đôi. Ngành nông nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài tăng năng suất.

Aques Diouf cũng nhấn mạnh rằng việc tăng năng suất nhất thiết phải đến từ việc nâng cao hiệu quả canh tác chứ không phải dựa vào sự mở rộng diện tích đất trồng, dù nguồn tài nguyên đất đai hiện vẫn còn dồi dào, đặc biệt là ở khu vực phía nam Sahara và Mỹ Latinh. Theo ông, dù nông nghiệp hữu cơ góp phần tích cực làm giảm đói nghèo và cần được đẩy mạnh, nhưng chỉ dựa vào nó thôi thì không đủ đáp ứng nhu cầu lương thực cho dân số đang bùng nổ toàn cầu.

Dân số thế giới dự kiến sẽ tăng từ 6,7 tỉ người hiện tại lên 9,1 tỉ người vào năm 2050, đòi hỏi sản xuất nông nghiệp tăng 70%.

Tài nguyên cạn kiệt 

Bên cạnh việc các tài nguyên thiên nhiên như đất, nước và đa dạng sinh học ngày càng cạn kiệt, nền nông nghiệp toàn cầu sẽ phải đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu như nhiệt độ cao hơn, lượng mưa thay đổi nhiều hơn và thiên tai xảy ra ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Theo chủ tịch FAO, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm nguồn nước sạch, dẫn tới tình trạng bệnh dịch gia tăng ở cây trồng và vật nuôi. Các tác động của biến đổi khí hậu có thể sẽ làm sụt giảm 30% sản lượng nông nghiệp ở các nước châu Phi và 21% ở châu Á.

Thách thức không chỉ là tăng sản lượng lương thực toàn cầu mà vấn đề còn nằm ở chỗ phải nâng cao sản lượng ở những nơi cần nhất và bởi chính những người cần nó nhất. Một vấn đề có liên quan mật thiết cần đặc biệt lưu ý là khó khăn về nguồn nước khi biến đổi khí hậu khiến lượng mưa thay đổi thất thường.Vì vậy, ngành  nông nghiệp cần ưu tiên đầu tư cải thiện khả năng điều tiết và quản lý nguồn nước để đảm bảo việc cung cấp nước canh tác.

Năng lượng sinh học và công nghệ

Lương thực cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ thị trường năng lượng sinh học hiện “có khả năng thay đổi những nguyên tắc cơ bản của các hệ thống thị trường nông nghiệp”, với sản lượng tăng gần 90% trong 10 năm tới, đạt mức 192 tỉ lít dầu vào năm 2018.

Một vấn đề quan trọng nữa được chủ tịch FAO lưu ý là sự cần thiết phải lấp đầy khoảng cách về công nghệ giữa các quốc gia thông qua việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ và tăng cường hợp tác để đạt được thành công chung trong việc nâng cao sản lượng nông nghiệp.

Tại diễn đàn, khoảng 300 chuyên gia hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới đã xem xét và thảo luận về nhu cầu đầu tư, công nghệ và các công cụ chính sách cần thiết để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực cho thế giới từ nay tới năm 2050.

Theo ước tính, sẽ cần khoảng 44 tỉ USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hàng năm để đầu tư cho nền nông nghiệp ở các nước đang phát triển – hiện tại con số này là 7,9 tỉ đô la. Việc huy động thêm vốn, bao gồm cả ngân sách quốc gia, vốn nước ngoài và từ khu vực kinh tế tư nhân cần được thực hiện để đầu tư cho các kỹ thuật canh tác hiện đại, nguồn nước tưới tiêu, máy móc nông nghiệp, xây dựng thêm kho bãi, đường xá và cơ sở hạ tầng nông nghiệp, cũng như đào tạo kiến thức cho nông dân.

Các kết luận và khuyến cáo của diễn đàn sẽ được đưa vào thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Lương thực dự kiến tổ chức tại trụ sở FAO từ 16 – 18 tháng 11 tới với sự góp mặt của các nhà lãnh đạo từ 192 quốc gia thành viên.