Giảm thiểu rủi ro trong nhập khẩu gỗ

Nhiều cơ chế, chính sách kiểm soát rủi ro đối với gỗ nguyên liệu nhập khẩu (NK) đã được ban hành, tuy nhiên, việc thực hiện các văn bản, chính sách này đang gặp không ít khó khăn.

Nghị định 102/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành tháng 9/2020, có hiệu lực tháng 10/2020 quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS). Ngay sau đó, ngày 27/11/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 4832/QĐ-BNN-TCLN công bố Danh mục các loại gỗ đã NK vào Việt Nam và Danh sách vùng địa lý tích cực xuất khẩu (XK) gỗ vào Việt Nam. Đây được đánh giá là khung chính sách quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành gỗ, đặc biệt trong việc kiểm soát gỗ nhập lậu.

Kiểm soát chặt gỗ nguyên liệu nhập khẩu

Sự ra đời của Nghị định 102 và Quyết định 4832 nhằm thực hiện một phần Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU (VPA/FLEGT). Hiệp định VPA/FLEGT chỉ ra các yêu cầu pháp lý về gỗ tiêu thụ nội địa giống yêu cầu đối với sản phẩm XK. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), thực tế, tại thị trường nội địa, rất ít người quan tâm đến tính pháp lý của nguồn nguyên liệu cũng như các hoạt động khác trong chuỗi cung ứng. Trong khi đó, dù gỗ nhiệt đới NK không được sử dụng để làm hàng XK, tuy nhiên, do NK gỗ nhiệt đới từ nguồn rủi ro và nếu không có cơ chế thay đổi thực trạng sẽ tiếp tục đứng trước các cáo buộc về việc sử dụng gỗ bất hợp pháp. Chính phủ Mỹ cũng đang điều tra theo Điều khoản 301 về ngành gỗ Việt Nam có liên quan trực tiếp đến khía cạnh này.

Ngành gỗ cũng chứng kiến những khó khăn đáp ứng các khung trong luật pháp quốc tế. Ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends – chia sẻ, năm 2020, Việt Nam bắt đầu triển khai theo tinh thần của Hiệp định VPA/PLEGT, trong đó, có quy định rất rõ ràng tính pháp lý của gỗ và sản phẩm gỗ tiêu dùng nội địa giống như tính pháp lý của gỗ XK. Tuy nhiên, khi áp khung này vào Việt Nam, có một số yếu tố rủi ro. Phân tích kỹ hơn ở đầu NK, ông Tô Xuân Phúc cho hay, phần cốt lõi của Nghị định 102 là kiểm soát gỗ nguyên liệu NK từ các nguồn dễ gây rủi ro. Tuy nhiên, hiện việc thực hiện Nghị định này đang gặp phải nhiều khó khăn. Lượng gỗ được xác định rủi ro từ các vùng địa lý không tích cực hoặc lượng NK các loài gỗ mới, gỗ quý hiện tại vào Việt Nam cũng tương đối lớn, phức tạp từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt từ châu Phi…

Vấn đề lớn hơn trong việc thực hiện Nghị định 102 này là các bằng chứng, minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ NK từ các nguồn này cũng chưa được rõ ràng…

Để ngành gỗ phát triển bền vững, VIFOREST đang phối hợp với các hiệp hội, đơn vị liên quan xây dựng Bộ tiêu chuẩn gỗ NK. Ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị, chính phủ kiên quyết thực hiện hiệu quả và triệt để Nghị định 102, loại bỏ nguồn cung có rủi ro cao; tăng cường thực thi giám sát, đảm bảo các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của cơ quan quản lý.

Cùng đó, ông Tô Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam nên phát triển cơ chế giảm thiểu rủi ro trong NK gỗ. Theo đó, chính phủ và các hiệp hội thiết lập cơ chế đối thoại và hợp tác cùng quốc gia cung cấp gỗ chính cho Việt Nam, đặc biệt với loại gỗ có tính chất rủi ro cao. Về phía doanh nghiệp, phải hiểu rất rõ các yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ và tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu này.