Báu vật rừng xanh… về làng

ThienNhien.Net – Gỗ Pơ mu từ lâu đã được biết đến là một loại gỗ quý, cấm khai thác dưới mọi hình thức. Nhưng ở một số tỉnh vùng cao Tây Bắc như Sơn La, Yên Bái, Lào Cai…, gỗ Pơ mu lại thường được dùng để dựng nhà, đóng bàn ghế, khắc tượng, và làm cả… mái nhà, hàng rào hay máng lợn, chuồng trâu, chuồng gà…

Dưới đây là những hình ảnh mà chúng tôi ghi được tại bản Tủa Mả Pán, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Ngay cạnh UBND xã Khao Mang là tấm bảng với khẩu hiệu tuyên truyền bảo vệ rừng rất ấn tượng: “Bạn phải đeo khẩu trang để bảo vệ lá phổi đỏ, nên đừng phá rừng để bảo vệ lá phổi xanh”.
Vậy mà chỉ qua khẩu hiệu “hoàng tráng” đó, ngày ngoài bìa rừng, trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà lợp bằng “ngói” Pơ mu san sát. Sự rêu phong của những “viên ngói” Pơ mu tạo nên sự cổ kính đến lạ thường. Nhìn vào đó cho thấy người dân đã biết vào rừng lấy Pơmu về sử dụng hàng trăm năm qua.
Không chỉ để làm nhà, gỗ Pơ mu còn được dùng để dựng chuồng trâu, chuồng bò, chuồng gà, máng lợn…
Đi khắp các bản thuộc xã Khao Mang, đâu đâu chúng tôi cũng thấy những hình ảnh từng tấm ván, khúc gỗ Pơ mu được xẻ vuông thành sắc cạnh xếp chồng chất quanh nhà.
Hầu hết người dân xã Khao Mang là dân tộc H’Mông và sống chủ yếu dựa vào rừng, nên sau mỗi mùa vụ, đặc biệt là gần Tết họ lại vào rừng xẻ gỗ mang về nhà cất trữ, ai mua được giá họ sẵn sàng bán.
Điều này khiến chúng tôi tự đặt ra câu hỏi, không biết lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đang làm gì, ở đâu mà để tình trạng người dân vô tư phá rừng như vậy. Không những ngang nhiên phá rừng mà cả tấm bảng “Rừng bảo vệ cấm chặt phá” cũng được “dinh” về xếp cạnh đống gỗ gần nhà.

Nếu cứ tình trạng này, có lẽ chẳng bao lâu nữa, trong danh mục Sách đỏ Việt Nam, Pơ mu sẽ phải chuyển từ “đang nguy cấp” sang “đặc biệt đang nguy cấp hoặc hết sức nguy cấp”.

Pơ mu có tên khoa học Fokienia hodginsii là cây gỗ lớn, họ Hoàng đàn (Cupressaceae). Gỗ màu nâu vàng, nhẹ, thớ thẳng mịn, vân đỏ có mùi thơm. Gỗ pơ mu dùng trong xây dựng, cất tinh dầu làm hương liệu và làm dược liệu. Là loài cây gỗ có giá trị, nên đã được xếp vào loại gỗ quý ở Việt Nam.