Mỹ gây sức ép để Ả Rập Saudi chấp thuận Hiệp ước Copenhagen

ThienNhien.Net – Cho đến nay hầu hết các tài liệu bị rò rỉ từ Bộ Ngoại giao Mỹ do Wikileaks tiết lộ đang làm rúng động thế giới chủ yếu liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Nằm trong số các thông tin ít được chú ý hơn là một số tiết lộ về những thương lượng phía sau Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu tại Copenhagen hồi cuối năm ngoái. Trong số đó, một bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho thấy chính quyền Obama đã gây sức ép để Ả Rập Saudi chấp thuận Hiệp ước Copenhagen về biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu – trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ với Ả Rập Saudi

Các tài liệu có liên quan đến khí hậu trong số hàng trăm nghìn thư tín bí mật của Bộ Ngoại giao Mỹ bị Wikileaks tiết lộ mới đây đã cho thấy Mỹ đặt biến đổi khí hậu ở vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của mình với “người khổng lồ dầu mỏ” Ả Rập Saudi sau cuộc Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Copenhagen năm ngoái.

Trong bức thư của James Smith, đại sứ Hoa Kỳ tại Ả Rập Saudi gửi Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton trước chuyến viếng thăm của bà hồi tháng Hai có đoạn: “Bà có cơ hội chặn đầu một cuộc xung đột nghiêm trọng liên quan đến biến đổi khí hậu. Hiện các quan chức Saudi đang rất quan ngại rằng một hiệp ước biến đổi khí hậu có thể giảm đáng kể nguồn thu của họ vì gánh nặng chi phí từ việc đa dạng hóa nền kinh tế. Quốc vương Ả rập Sauddi lại đặc biệt nhạy cảm trong việc tránh cho quốc gia này trở thành một nhân tố cản trở đơn phương, đặc biệt với các vấn đề môi trường.”

Và trong bản ghi nhớ tổng kết chuyến đi của Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Cận Đông Jeffrey Feltman tới Ả Rập Saudi hồi tháng một, Smith đã viết rằng Feltman đã kêu gọi Ả Rập Saudi gửi thông báo chính thức cho Liên Hiệp Quốc thể hiện việc chấp thuận hiệp ước khí hậu.

Ả Rập Saudi, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, có truyền thống cản trở nỗ lực của các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc. Trong khi hầu hết các nước từ chối ký vào Hiệp ước Copenhagen đều lập luận rằng điều khoản quy định các nước phát triển viện trợ để các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu là không phù hợp thì Ả Rập Saudi lại nghĩ xa hơn thế. Đối với họ các điều ước về khí hậu là mối đe dọa lớn như chính bản thân sự biến đổi khí hậu vậy. Và vì thế, thậm chí khi Hiệp ước Copenhagen khá mềm mỏng – chỉ bao gồm các mục tiêu tự nguyện – cũng chưa thể thuyết phục Ả rập Saudi hạ bút thông qua.

Sau Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen, các quan chức Ả Rập Saudi đã bày tỏ sự “hài lòng” với bản Hiệp định, nhưng đến nay đất nước này vẫn chưa chính thức thông qua bản thỏa thuận chính trị.

Các nhà phân tích cho biết, bản ghi nhớ Saudi đặc biệt cho thấy sự bền bỉ của chính quyền Obama trong việc gây ảnh hưởng tới một đối thủ “khó chơi” của thỏa thuận quốc tế về khí hậu.

Nỗ lực thu thập thông tin cho các vòng đàm phán

Các tài liệu mật bị tiết lộ khi cuộc đàm phán về khí hậu đang được khởi động tại Cancun, Mexico. Năm nay, mối quan tâm chủ yếu của Mỹ là thông qua bản Hiệp ước mà Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo thế giới đã đặt bút ký tại Copenhagen, đồng thời đưa ra các quyết định chính thức về kế hoạch cắt giảm phát thải cùng kế hoạch vận động quỹ cho các nước nghèo, vốn đã được đồng ý về nguyên tắc.

Theo các tài liệu mật bị rò rỉ, biến đổi khí hậu đôi khi nổi lên như một vấn đề nóng bỏng đối với chính quyền Obama. Các tài liệu cũng đưa tới một góc nhìn về những thảo luận hậu trường dẫn tới Copenhagen và mối quan tâm của chính quyền Mỹ sau Hội nghị này.

Trong các tháng trước COP15, Hội nghị thượng đỉnh được coi là “vấn đề cốt yếu” mà các nhà ngoại giao Mỹ được chỉ đạo thu thập thông tin. Một tài liệu bì rò rỉ cho thấy các nhà ngoại giao Mỹ đã được hướng dẫn để liên kết “nhận thức của các nhà đàm phán quan trọng với vị trí của Mỹ trong vòng đàm phán về môi trường” và được chỉ dẫn cả về các quốc gia có thể hợp tác.

Tài liệu này cũng yêu cầu các nhà ngoại giao tìm kiếm thông tin xem liệu các nước có thực hiện các chương trình và luật môi trường của riêng họ không và bất cứ “nỗ lực nào của Ban thư ký hiệp định có ảnh hưởng đến việc tuân thủ hay đàm phán hiệp định.”

Trung Quốc cũng xuất hiện thoáng qua trong các thư tín bị tiết lộ. Sau một cuộc họp các đại sứ nhóm G-5 tại Bắc Kinh hồi tháng Năm, Phó đại sứ William Weinstein đã gửi tới Washington thông tin rằng Anh và các quan chức Trung Quốc đã thảo luận về vòng đàm phán Copenhagen.

“Trung Quốc có thể không đồng tình với các mục tiêu về khí thải, nhưng đã sẵn sàng đàm phán và có thể mang đến Copenhagen các cam kết về năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo và tái trồng rừng”, Weinstein viết, đồng thời bổ sung rằng đại sứ Anh cho biết: “Ấn tượng của ông là có thể thúc đẩy để Trung Quốc hành động nhiều hơn trong đối phó với biến đổi khí hậu.”

Quả thật, tại Copenhagen, Trung Quốc đã cam kết cắt giảm carbon khoảng 45% so với mức 2005 trong thập kỷ tới.

Cảnh báo về những hoài nghi ở Pháp

Đầu năm ngoái các phái viên của Mỹ tại Châu Âu đã gửi những bức điện cảnh báo về bối cảnh chính trị Hoa Kỳ và ảnh hưởng của nó tới triển vọng của Hội nghị Copenhagen. Trong một bản ghi nhớ mang tên “Biến đối khí hậu – mối quan tâm cấp thiết” được gửi trong thời gian Ngoại trưởng Clinton sửa soạn tới Pháp hồi cuối năm ngoái, Đại sứ Mỹ tại Pháp Charles Rivkin đã viết: “Người Pháp vẫn còn chia rẽ về phương thức đối phó với cách tiếp cận với vấn đề biến đổi khí hậu của chính quyền Obama.”

Lúc bấy giờ, Hạ viện Mỹ đã thông qua đạo luật cắt giảm khí thải carbon khoảng 17% trong thập kỷ tới so với mức năm 2005 – một mục tiêu mà nhiều nước châu Âu cho là quá thấp. Song Thượng viện Mỹ sau đó đã không thông qua bất cứ dự luật về khí hậu nào và Luật lưu trữ và thương mại carbon được coi là đã chết trong tương lai gần.

Theo bức điện tín hồi tháng 11 năm 2009 thì các nhà phân tích Pháp đã sớm nhận ra bối cảnh chính trị ở Mỹ và rằng các quan chức Mỹ đã phải làm việc vất vả để dập tắt những lo ngại về sức mạnh của những cam kết từ chính quyền Obama liên quan đến biến đổi khí hậu.

Đức hạ thấp kỳ vọng trước Copenhagen

Khi ngoại trưởng Clinton đến Đức để chào mừng kỷ niệm 20 năm sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào đầu tháng 12, vấn đề biến đổi khí hậu đã trở nên nóng bỏng trên bàn nghị sự.

Theo bức điện tín ngày 5 tháng 11 năm 2009, các quan chức Đức đã hy vọng vào “vai trò tiên phong mạnh mẽ của Hoa Kỳ ” tại hội nghị thượng đỉnh Copenhagen và ủng hộ một vị thế bình thường đối với các nền kinh tế lớn mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.

Tài liệu này cũng đưa ra nhận định về những nỗ lực ban đầu của chính phủ Đức nhằm “thức tỉnh” kỳ vọng quá cao về Hội nghị Copenhagen, vì khả năng Hoa Kỳ sẽ không hành động: “Các nhà lãnh đạo Đức đã nhận ra những thách thức của việc thông qua các đạo luật về biến đổi khí hậu ở Mỹ và đã hạ thấp kỳ vọng của họ đối với khả năng đạt được một thỏa thuận ràng buộc về pháp lý tại Copenhagen. Họ đã bắt đầu mô tả hội nghị thượng đỉnh như một bước tiến trong một quá trình lớn hơn và có lẽ đang chuẩn bị cho công chúng Đức một kết quả ít tham vọng hơn.”, bức điện viết.

Hiệp ước Copenhagen (Copenhagen Accord) được soạn thảo trong các cuộc đàm phán ngoài dự kiến kéo dài đến lúc kết thúc hội nghị của các tổng thống và thủ tướng của hơn 20 nước có nhiều ảnh hưởng trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, cùng một số nước châu Âu. Văn bản này còn phải được 193 nước thành viên Liên hợp quốc thông qua.

Hiệp ước Copenhagen đặt hạn mức gia tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo khuyến cáo của các nhà khoa học, nhưng cao hơn đề xuất 1,5 độ C của các quốc đảo.

Về quỹ hỗ trợ các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu, các nước giàu cam kết đóng góp 10 tỷ USD giai đoạn từ năm 2010-2012 và đặt mục tiêu đến năm 2020 huy động 100 tỷ USD từ nhiều nguồn khác nhau như nhà nước, tư nhân, song phương và đa phương.

Về cơ chế kiểm chứng, Hiệp ước Copenhagen quy định các cam kết của các nước giàu sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ và minh bạch theo Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Các nước đang phát triển sẽ đưa ra những cam kết về cắt giảm khí thải trên tinh thần “tôn trọng chủ quyền quốc gia”.

Hiệp ước Copenhagen không tán thành mục tiêu được các nước giàu ủng hộ là giảm một nửa khí thải điôxít cácbon (CO2) trên toàn cầu vào năm 2050 và không ấn định thời hạn chót biến thỏa thuận thành một hiệp ước mang tính ràng buộc về pháp lý.

(Theo Vietnam+)


COP15 nên thất bại