Lạc quan và bi quan với REDD

ThienNhien.Net – Kể từ khi được giới thiệu, Sáng kiến giảm phát thải do phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển (REDD) đã nhận được rất nhiều kỳ vọng. Người ta trông đợi rằng nó sẽ ít tốn kém – nhanh – dễ áp dụng so với nhiều giải pháp khác. Tuy nhiên, ngót 3 năm sau hội nghị thượng đỉnh về BĐKH tại Bali, đã có những ý kiến cực đoan cho rằng REDD đang chết yểu.

Dĩ nhiên mọi đánh giá phải có chứng cứ, có tiêu chí và thước đo mới khiến người nghe thuyết phục. Với REDD, những điều này có vẻ phức tạp và rối rắm.

REDD ban đầu được đề xuất như một mục tiêu trong hội nghị Bali 2007 nhằm giảm phát thải từ rừng rồi sau đó nhanh chóng triển khai rộng rãi. Mục tiêu các chương trình REDD được mở rộng nhằm thúc đẩy việc lưu trữ các bon hơn nữa, vì vậy REDD+ ra đời. Chương trình REDD+ càng khiến sự việc thêm rối rắm.

Đã có thực tế cho thấy rằng tình trạng phá rừng suy giảm, đồng thời rừng tái sinh gia tăng ở các nước nhiệt đới mà không cần tới REDD+.

Vậy, làm thế nào để biết REDD góp phần giảm phát thải và tăng lưu trữ các-bon ra sao?

Dĩ nhiên phải dựa vào kết quả đo đếm, mà lĩnh vực này hiện cần được thúc đẩy hơn nữa. Năm ngoái, Trung tâm Tài nguyên cho Tương lai – một nhóm gồm các chuyên gia cao cấp có trụ sở tại Washington- đã hoàn thiện một báo cáo toàn cầu đánh giá năng lực kiểm kê trữ lượng, giám sát sự biến động về rừng và lượng các bon. Kết quả cho thấy năng lực này rất hạn chế, không chỉ ở các nước nhiệt đới, ngoại trừ Brazil.

Các nhà khoa học đang rất nỗ lực đầu tư, và cũng đã có những cải thiện ban đầu về công nghệ cũng như kho dữ liệu. Nhóm nghiên cứu Gregory Asner và các đồng nghiệp của ông là một ví dụ. Nhóm vừa công bố một phương pháp tiếp cận mới đầy hứa hẹn, tuy mới chỉ là giai đoạn thử nghiệm.

Kết quả đo lường về rừng và các-bon cũng sẽ là một chỉ số gián tiếp cho thấy nỗ lực của các chính phủ. Cho đến nay, một số chính phủ đã thể hiện quyết tâm muốn tạo nên thay đổi thực sự. Brazil là một ví dụ, và lượng phát thải của họ đã giảm. Nhưng một số khác thì ngược lại, Indonesia vẫn cho phép phá và chuyển đổi rừng tự nhiên thành đất nông nghiệp để khai thác dầu cọ.

Trong bối cảnh chúng ta có quá ít thông tin về lượng phát thải và dự trữ các-bon, cũng như sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn thay đổi lối tư duy cũ thì REDD sẽ vẫn tồn tại. Tuy nhiên, cũng sẽ rất khó để nắm bắt thực tế tình trạng của REDD hiện ra sao.

Các ký kết toàn cầu vẫn sẽ được triển khai và giúp đưa ra những chỉ dẫn, song đối với các quốc gia việc xác định liệu REDD hay REDD+ có thực đạt được các mục tiêu giảm phát thải hay không là vấn đề khó khăn. Ra quyết định đối với một chương trình cụ thể thậm chí còn khó hơn.

Ngày nay, mục tiêu của hầu hết các chương trình REDD là tạo lập một tư thế “sẵn sàng” cho các quốc gia để tham gia REDD+, hướng đến việc xây dựng nên các hệ thống nhằm định rõ các yếu tố căn bản ảnh hưởng đến tình trạng phá rừng. Đối với nhiều quốc gia, mục đích nhằm tạo ra một kênh quản lý dòng tài trợ.

Một tiêu chí đơn giản quyết định sự tồn tại của một chương trình nhiều khi chỉ đơn giản là nó có được cấp tiền hay không. Hiện nay các nhà tài trợ trên toàn cầu đã cam kết một khoản cung cấp 4 tỉ USD cho Quỹ đối tác REDD+. Song, liệu quỹ này có thực sự triệt tiêu được những nguyên nhân của phá rừng, thúc đẩy công tác quản lý để có thể thực sự góp phần giảm phát thải và tăng lượng dự trữ các-bon hay không, điều này còn khá mù mờ.

Một vài chương trình giám sát các dự án REDD đã bắt đầu xuất hiện. Viện Tài nguyên Thế giới hiện đang theo sát các dự án REDD do Ngân hàng Thế giới và Chương trình REDD của Liên hợp quốc (UNREDD) tài trợ. Mục tiêu của việc giám sát này nhằm vạch rõ xem liệu trong quá trình triển khai các chương trình người ta có tuân thủ những nguyên tắc cơ bản về quản lý và liệu REDD có thực sự góp phần cải thiện việc quản lý rừng hay không.

Cơ quan Giám sát Toàn cầu cũng đã kêu gọi thiết lập một hệ thống giám sát REDD độc lập, còn Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) gần đây công bố một nghiên cứu trên quy mô toàn cầu về tác động của REDD.

Còn quá sớm để tung hô hay khai trừ REDD

Nhìn nhận từ những điều đã diễn ra thì thấy, ngay trong ngành lâm nghiệp, mỗi sáng kiến cũng có chu kỳ của nó. Khoảng 30 năm trước, người ta háo hức xây dựng Kế hoạch Hành động Lâm nghiệp Nhiệt đới (TFAP), cũng gây dựng các quỹ và hứa hẹn sẽ giảm tốc độ phá rừng đến năm 2000. Nhưng chỉ cách mốc 2000 vài năm nó đã bị tẩy chay rộng rãi. Tốn kém rất nhiều tiền của và lý lẽ đã được thổi phồng đầy hấp dẫn, nhưng kết quả giảm phá rừng thì không.

Gối sau đó là tới các sáng kiến về Thăm dò sinh học và Lâm sản phi gỗ (NTFP’s), chúng được xem như giải pháp cứu thế nhờ gắn với những giá trị thực tiễn của rừng hơn là biến những khu bảo tồn thành rừng chết.

Khởi động, bước vào cao trào rồi thoái trào, vòng đời của mỗi sáng kiến kéo dài hoảng hơn kém một thập kỷ. Tuy nhiên, chưa sáng kiến nào bị coi là thất bại hoàn toàn. Chúng đều có những đóng góp ở mặt này hay mặt khác giúp chúng ta có thêm am hiểu về khoa học lâm nghiệp. Nói như vậy chỉ để gợi nhắc rằng, tạm gác một bên tính hấp dẫn nhất mang tính thời đoạn của các sáng kiến, công việc bảo tồn rừng thực sự cần tập trung vào mục tiêu xây dựng các hệ thống quản lý và thay đổi cách chúng ta sở hữu, khai thác và hưởng lợi từ rừng về dài hạn.

Cả mục tiêu lẫn các chương trình REDD+ vẫn đang nên hình hài. Cộng đồng, các nhóm thiểu số, và các tổ chức phi chính phủ ngày càng năng động hơn. Các chính phủ cũng có thể thay đổi lối mòn tư duy của họ. Các nhà tài trợ có thể đầu tư thực sự để cải cách vấn đề quyền sở hữu và hỗ trợ cộng đồng. Những đàm phán về Thoả thuận Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu sắp tới diễn ra tại Cancun có thể thổi thêm luồng sinh khí cho việc triển khai REDD. Nói tóm lại, vẫn còn chỗ dựa để gửi gắm hy vọng.

Hãy còn quá sớm để khai tử hay tung hô REDD. Câu chuyện vẫn đang tiếp diễn. Giám sát cả mục tiêu lẫn chương trình triển khai REDD một cách nghiêm túc và độc lập là cần thiết để chúng ta có thể biết được REDD đang diễn tiến ra sao. Những nỗ lực mạnh mẽ và liên tục, từ nhiều phía nhằm xác định nguyên nhân thực chất của mất rừng và cải tổ cơ chế sở hữu, quản lý sẽ giúp sáng kiến thành công.