Việt Nam không thể có cả gấu và mật gấu

ThienNhien.Net – "Là đàn ông, trên 30 tuổi, sống ở Thủ đô, tốt nghiệp trên phổ thông, dùng mật gấu để trị bệnh", đó là chân dung một người tiêu dùng mật gấu điển hình được phác hoạ từ bản báo cáo khảo sát thái độ và tình hình sử dụng mật gấu tại Việt Nam vừa được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) công bố.

Trong những năm qua, ENV đã tiến hành nhiều hoạt động điều tra giám sát tình hình buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam. Với kết quả đợt khảo sát lần này tập trung vào người tiêu dùng mật gấu trong nước, bà Vũ Thị Quyên – Chủ tịch hội đồng sáng lập ENV cho biết Trung tâm hướng đến mục tiêu góp phần giảm việc tiêu thụ mật gấu trong nước, đồng thời sớm chấm dứt việc nuôi nhốt gấu trái phép.

Đợt khảo sát kéo dài 6 tháng, từ tháng 5 đến tháng 11 năm 2009, với hơn 3.000 đối tượng phỏng vấn được lựa chọn ngẫu nhiên tại 3 thành phố lớn nhất cả nước, cũng là đại diện của ba miền: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Báo cáo cho biết hai yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định tiêu thụ mật gấu của người dân là độ tuổi và vị trí địa lý. Thông tin khai thác từ những người thừa nhận đã từng dùng mật gấu (chiếm 22% số người được phỏng vấn) cho thấy tuổi tác càng cao thì người ta càng dùng mật gấu phổ biến hơn. Những người trên 60 tuổi dùng mật gấu nhiều gấp 2,8 lần so với những người ở độ tuổi 20.

Trong ba thành phố được lựa chọn để khảo sát, Hà Nội có xu hướng sử dụng mật gấu nhiều hơn cả, vượt xa so với hai thành phố còn lại. Đáng tiếc rằng, trình độ học vấn của người tiêu dùng cũng tỉ lệ thuận với việc tiêu thụ mật gấu. Những người có trình độ học vấn cao có khả năng sử dụng mật gấu nhiều hơn 1,7 lần hơn so với những người có trình độ thấp hơn. Mật gấu họ có được do mua trực tiếp thì ít mà phần nhiều do được biếu xén, cho, tặng.

Tuy không được phản ánh trong bản báo cáo của ENV nhưng những ghi nhận này liên quan đến nhận định tồn tại lâu nay trong xã hội rằng quan chức và những người có thế lực trong xã hội có xu hướng tiêu thụ động vật hoang dã, trong đó có mật gấu nhiều hơn cả.

Trong số những người phỏng vấn, một số thậm chí còn ngộ nhận rằng mật gấu là phương thuốc chữa bách bệnh. Đây là nhìn nhận hoàn toàn vô căn cứ, đồng thời trái ngược với những thông tin mà ông Tuấn Bedixen, đại diện của Quỹ động vật châu Á (AAF) cho biết: “Mật gấu trên thị trường hiện nay đa phần không đảm bảo về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm. Xét nghiệm ngẫu nhiên của chúng tôi cho thấy hơn ½ số mẫu mật gấu có nhiễm vi khuẩn, thậm chí có những mẫu có chứa chất độc hại, nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể có nguy cơ gây ung thư.”

Từ kết quả khảo sát, ENV đề xuất ba hướng giải pháp, tác động vào nhận thức người dân, hiệu lực và vấn đề thực thi pháp luật, nghiên cứu bảo tồn.

ENV cho biết hiện Việt Nam có khoảng 3.500 cá thể gấu nuôi nhốt. Số gấu này chủ yếu đều có nguồn gốc hoang dã. Trong khi đó, số lượng gấu trong tự nhiên của Việt Nam còn lại không nhiều, ước chừng không quá vài trăm cá thể.

Tính đến năm 2006, với sự hỗ trợ của Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới (WSPA), Tổ chức Free the Bear và Wildlife At Risk (WAR), lực lượng kiểm lâm đã gắn chíp cho 4346 cá thể gấu nuôi nhốt. Ông Chris Gee, Giám đốc WSPA cho biết tổ chức này ghi nhận một số dấu hiệu tích cực ở Việt Nam như số lượng gấu nuôi và số lượng trại nuôi nhốt gấu đã giảm một nửa so với năm 2006. Tuy nhiên, tại các trại nuôi đã phát hiện những cá thể gấu mới chưa được gắn chíp, những tang chứng vi phạm này đã không bị tịch thu và xử lý. Vụ phát hiện 80 cá thể gấu nuôi nhốt ở Quảng Ninh kéo dài cho tới nay không được xử lý dứt điểm là một ví dụ cụ thể. WSPA rất sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giám sát và quản lý gấu nuôi nhốt, tuy nhiên cũng cần các nhà chức trách Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn nữa.