Ba cá thể gấu nuôi nhốt cuối cùng ở Lạng Sơn được về trung tâm cứu hộ

Ngày 25-6, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn và Tổ chức Động vật châu Á (AFF) đã tiếp nhận, chuyển giao ba cá thể gấu từ nhà hộ bà Nguyễn Bích Thúy (đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) đến Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo.

Một trong ba cá thể gấu tại nhà bà Thúy trước khi được chuyển giao. (Ảnh ENV).

Đây là ba cá thể nuôi nhốt cuối cùng trên địa bàn, chính thức đưa Lạng Sơn trở thành địa phương thứ 40 trên cả nước không có gấu bị nuôi nhốt lấy mật tại Việt Nam.

Theo hồ sơ ghi nhận, hộ gia đình bà Thúy đã nuôi nhốt gấu từ nhiều năm trước và được đăng ký quản lý cùng gắn chíp quản lý theo chương trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, ngày 26-11-2019, Đoàn kiểm tra – gắn chíp quản lý gấu với sự tham gia của đại diện Chi cục Kiểm lâm vùng I, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn và Tổ chức Bảo vệ Động vật thế giới (World Animal Protection) đã không phát hiện chíp quản lý trên một trong tổng số ba cá thể gấu đang được nuôi tại cơ sở và lập biên bản về vụ việc trên.

Từ thời điểm đó, Chi cục kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan chức năng có liên quan thường xuyên trao đổi, vận động gia đình bà Thúy chuyển giao gấu cho Nhà nước.Ba cá thể được nuôi ở gian cuối cùng của một căn nhà ống, nên đoàn cứu hộ phải gây mê để đưa gấu ra ngoài. Được biết, chủ nuôi từng có năm cá thể gấu ngựa được mua từ những năm 2000 từ Nghệ An, nhưng hai cá thể đã chết. Sau khi được vận động, gia đình đã quyết định tự nguyện chuyển giao ba cá thể gấu còn lại cho Tổ chức Động vật châu Á cứu hộ và chăm sóc.

Ba cá thể gấu, hai cá thể cái, một cá thể đực nặng ước chừng khoảng 150 kg, được Tổ chức đặt tên là Hy Vọng, Tương Lai và Vui bởi từ nay trở đi, cuộc sống của chúng sẽ chuyển biến tích cực và tự do, vui vẻ mãi về sau.

Khám sức khỏe toàn diện cho gấu, đồng thời lấy mẫu lông, mẫu máu. (Ảnh: AFF).
Cá thể gấu Tương Lai bị cụt một chi trái. (Ảnh: AFF).

Gấu được cứu hộ bằng phương pháp gây mê, và đưa từng cá thể gấu ra khỏi chuồng nuôi hiện tại. Các bác sĩ khám sức khoẻ lâm sàng, siêu âm ổ bụng, kiểm tra chi khớp, mắt, răng, lấy mẫu máu, lông… đánh giá sức khỏe tổng thể của gấu trước khi đưa gấu vào lồng vận chuyển.

Các mẫu máu, lông của gấu sẽ được xét nghiệm và phân tích khi về đến Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam. Bác sĩ thú y Shaun Thomson nhận định ba cá thể gấu có sức khỏe tương đối tốt so với độ tuổi, tuy nhiên hai cá thể gấu cái bị cụt chi (có thể do bị bẫy bắt từ nhỏ).
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Chính quyền tỉnh Lạng Sơn luôn coi trọng công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung và việc quản lý, bảo vệ gấu nói riêng. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về trường hợp này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và các tổ chức bảo tồn thường xuyên vận động, tuyên truyền tới chủ gấu để có thể chuyển giao ba cá thể gấu cuối cùng tại Lạng Sơn về với trung tâm cứu hộ. Chúng tôi tin tưởng rằng các cá thể gấu này sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn tại trung tâm cứu hộ”.

Sau hành công của Lạng Sơn, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) kêu gọi các địa phương chỉ còn một hoặc hai cá thể gấu cuối cùng như Long An, Sơn La, Hà Nam, Yên Bái, Hưng Yên và Thái Nguyên noi gương tỉnh Lạng Sơn tăng cường vận động các chủ gấu nuôi trên địa bàn mình để trở thành địa phương tiếp theo không còn gấu nuôi nhốt.

Tiếp nhận các cá thể gấu để đưa về trung tâm cứu hộ, (Ảnh Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn).
Hộ gia đình bà Thúy thực hiện chuyển giao ba cá thể gấu cuối cùng. (Ảnh: AFF).

Theo cơ sở dữ liệu của ENV, tính tới tháng 6, cả nước vẫn còn 346 cá thể gấu bị nuôi nhốt trong các cơ sở tư nhân. Đặc biệt, thành phố Hà Nội đang là điểm nóng nhất về nuôi nhốt gấu với 161 cá thể, chiếm khoảng 46,5% tổng số gấu bị nuôi nhốt trên cả nước

Một số cơ sở nuôi nhốt gấu ở Thủ đô có dấu hiệu buôn bán mật gấu và các dấu hiệu vi phạm pháp luật về động vật hoang dã khác nhưng vẫn chưa bị xử lý triệt để.

Chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại Việt Nam là một nhu cầu và xu thế tất yếu. Hoạt động nuôi nhốt gấu không được Nhà nước khuyến khích do tất cả các cá thể gấu có nguồn gốc bất hợp pháp, việc nuôi nhốt gấu không những không mang lại lợi ích cho người dân mà còn đẩy các loài động vật hoang dã đến con đường tuyệt chủng và tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, để chấm dứt được hoạt động nuôi nhốt gấu đòi hỏi nỗ lực rất nhiều của các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các dấu hiệu vi phạm về gấu, đặc biệt tại các cơ sở nuôi nhốt gấu và tăng cường tuyên truyền, thuyết phục chủ nuôi chuyển giao gấu cho Nhà nước.