Người Raglay ở vùng đệm VQG Núi Chúa sống dựa vào rừng

Thiennhien.Net – Vườn Quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận được coi là một trong những địa danh đặc trưng cho hệ sinh thái khô hạn ở Đông Nam Á. Hiện nay, khu rừng này đang phải chịu áp lực rất lớn từ việc khai thác tài nguyên rừng của cộng đồng các dân tộc sống ở vùng đệm, đặc biệt là đồng bào Raglay, với phong tục làm nương, rãy và sinh sống chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên rừng.


Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Ninh Thuận, được thành lập năm 2003, có tổng diện tích tự nhiên là 29.673 ha với 4 thành phần dân tộc chính sinh sống bao gồm Kinh, Raglay, Chăm và người Hoa. Cộng đồng người Raglay chủ yếu sống tại 8 thôn (Cầu Gãy, Đá Hang, Kiền Kiền 2, Ấn Đạt, Suối Đá, Suối Giếng, Xóm Bằng, Xóm Đèn) trong vùng đệm của VQG, với 1.540 hộ chiếm 20% so với các cộng đồng còn lại.

Tuy không phải là dân tộc chiếm đa số, song người Raglay lại là dân tộc tác động nhiều nhất đến tài nguyên rừng VQG Núi Chúa. Cộng đồng người Ragaly sinh sống và gắn bó lâu đời với vùng đất này, hoạt động kinh tế từ xưa vẫn phụ thuộc vào canh tác nương, rẫy trên các sườn núi và khai thác tài nguyên rừng. Khi VQG Núi Chúa được thành lập, nạn đốt nương, rẫy trong Vườn đã được ngăn chặn, nhưng việc khai thác tài nguyên rừng của người Raglay vẫn tiếp diễn, khiến tài nguyên rừng VQG Núi Chúa bị suy giảm nhanh chóng.

Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ và Trung tâm Đa dạng Sinh học & Phát triển (thuộc Viện sinh học Nhiệt đới) đăng trên Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển bền vững, tháng 9/2010 về sự phụ thuộc của người Raglay vào lâm sản VQG Núi Chúa cho thấy, việc tìm kiếm các nguồn lợi từ rừng hiện nay vẫn diễn ra phổ biến, chủ yếu là từ săn bắn, lấy mật, sáp ong và các loại lâm sản.

Trong cơ cấu thu nhập của của kinh tế hộ người Raglay sống ở vùng đệm VQG Núi Chúa, thu nhập nhờ lâm sản từ gỗ là nguồn thu chính, thậm chí, chiếm hơn 50% đối với 4/8 thôn: Suối Đá, Đá Hang, Xóm Bằng, Xóm Đèn. Khoảng 90% người dân Raglay có tham gia vào việc khai thác lâm sản các loại. Phụ nữ và trẻ em thường chặt củi. Riêng với đốt than và lấy gỗ thì chủ yếu là nam giới. Nguồn lợi từ đốt than cho khoảng 420.000 đồng/lò nhỏ mỗi tháng, và lò lớn là 490.000 đồng/lò/tháng.

Thu hái lâm sản ngoài gỗ tuy không mang lại thu nhập chính nhưng lại giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa cũng như phong tục của người Raglay ở VQG Núi Chúa. Các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ có nhiều và được khai thác quanh năm như: Cây thuốc, lá nón, sâm nam, song mây… Ngoài ra còn có những sản phẩm từ rừng khác như: Quả trám, treo, da đá, dâu… có nhiều từ tháng 7 – 10 âm lịch.

Hạn chế trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nên hầu hết các hộ dân trong thôn đều vào rừng khai thác lâm sản. Sự phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn tài nguyên từ rừng của người Raglay đang làm tài nguyên thiên nhiên nơi đây dần bị suy kiệt, làm mất đi tính đa dạng sinh học của VQG này.