Bảo vệ giá trị sinh thái và cảnh quan Vườn quốc gia Bái Tử Long

Là khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng ở vùng biển Ðông Bắc của Tổ quốc, Vườn quốc gia Bái Tử Long thuộc huyện đảo Vân Ðồn (Quảng Ninh) với "vùng lõi" đảo Ba Mùn, có giá trị cao trong nghiên cứu khoa học và du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác các giá trị kinh tế, du lịch biển cần chú trọng bảo vệ hệ sinh thái, môi trường và cảnh quan nơi đây.

Chiếc du thuyền nhỏ hơn 30 chỗ ngồi bồng bềnh lướt trên mặt sóng, đưa khách tham quan những hòn đảo xanh thẫm mầu rừng nguyên sinh trong vịnh Bái Tử Long. Anh Linh, chủ thuyền kiêm lái tàu nhiệt tình hướng dẫn và giới thiệu tỉ mỉ về từng đảo, dường như anh thông thuộc khu vực vịnh biển và Vườn quốc gia Bái Tử Long như trong lòng bàn tay mình.

Ðáp lại nhận xét đó, anh cười: “Các bạn nói thế cũng đúng bởi tôi ở đây hơn hai chục năm nay rồi. Ði bộ đội, đóng quân ở Vân Ðồn, ra quân, đất lành chim đậu, tôi lấy vợ và ở lại định cư nơi này luôn”. Khi những cây cầu đang từng bước hình thành, vươn mình nối Vân Ðồn với đất liền, nhiều nhà đầu tư và du khách bắt đầu đến với huyện đảo ngày càng đông, anh Linh góp vốn cùng một người bạn cố gắng đóng chiếc du thuyền này và “túc tắc” đưa khách đi thăm vịnh biển và các đảo. Anh cho biết, những ngày cao điểm, không có đủ thuyền để đáp ứng nhu cầu của du khách. Sóng biển êm đềm, trong xanh và đảo rừng nguyên sinh thì vô vàn các loài động vật, thực vật quý hiếm.

Nhiều hôm, anh Linh đưa khách, nhất là khách nước ngoài, có khi là cả một đoàn các nhà nghiên cứu khoa học đi thăm các đảo, họ cứ mê mẩn chiêm ngưỡng và tìm hiểu cặn kẽ, hỏi đủ thứ bởi nhiều điều độc đáo của thiên nhiên nơi đây. Những điều anh Linh nhận xét đã được kiểm nghiệm trong suốt chuyến thăm vòng quanh các đảo với nhiều sự ngạc nhiên và cả những điều còn trăn trở, day dứt.

Vườn quốc gia Bái Tử Long được thành lập trên cơ sở chuyển hạng khu Bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn theo Quyết định 85/2001/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 15.783 ha, trong đó diện tích rừng và đất rừng là 6.125 ha với hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ và 9.650 héc-ta diện tích mặt nước biển, vụng áng, bãi triều ngập nước. Trong đó khu sinh thái đảo Ba Mùn, xã Minh Châu là vùng lõi, “trung tâm” của vườn quốc gia. Các loài động thực vật sinh sống trong vườn rừng và vùng biển tại khu vực Vườn quốc gia Bái Tử Long rất phong phú, quý hiếm, có giá trị cao về bảo tồn nguồn gien.

Theo thống kê của các nhà khoa học, hiện tại đã xác định được tại vườn quốc gia này có hơn 178 loài thực vật thủy sinh, 119 loài cá, 132 loài động vật không xương sống, 106 loài san hô trú ngụ, sinh trưởng tại vùng biển, bãi triều, vụng áng và hàng chục loài chim săn mồi đặc hữu như: chim ưng Nhật Bản, diều hâu đen, chích chòe lửa, bìm bịp lớn, đớp ruồi Hải Nam, v.v.

Ðây còn là khu bảo tồn về cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn văn hóa – lịch sử với các di chỉ khảo cổ về người Việt cổ tại hang Soi Nhụ và dấu tích một thương cảng Vân Ðồn sầm uất cách đây nghìn năm. Neo thuyền ngoài bờ mấy chục mét, theo những chiếc thuyền thúng của ngư dân “đổ bộ” lên bờ đảo Ba Mùn và men theo lối đường mòn vào rừng để có được một chút chiêm ngưỡng và cảm nhận. Ðây là đảo phiến thạch duy nhất có rừng nguyên sinh của vịnh Bái Tử Long và vịnh Hạ Long với diện tích khoảng 1.800 ha, chiều dài hơn 20 km, chạy dài theo hướng đông tây, trên đảo có ngọn núi cao 397 m. Rừng cây trên đảo khá thấp và lúp xúp, nếu đi sâu vào trong vẫn còn những cây cổ thụ lâu đời.

Theo người dân địa phương, trước đây, rừng trên đảo có nhiều loài cây quý như đinh, lim, sến, táu, vàng hương, còn ngày nay, những cây gỗ quý này đã phần nào ít nhiều vắng bóng trong các cánh rừng. Anh Linh, người bạn dẫn đường kể lại, cách đây gần chục năm, khi còn theo thuyền đánh cá đi qua đây vào những đêm trăng sáng, anh và các bạn có khi còn bắt gặp cảnh cả đàn nai hoặc sơn dương núi, rồi cả voọc, khỉ ra sát bờ đảo uống nước, nhởn nhơ sục cát, chạy nhảy.

Tuy có những cố gắng nhất định trong việc phối hợp các cơ quan nghiên cứu điều tra, khảo sát và xây dựng kế hoạch bảo vệ sau khi được nâng cấp, chuyển hạng thành vườn quốc gia, nhưng với lực lượng mỏng và công tác quản lý còn có nhiều vấn đề, tình trạng xâm hại tài nguyên, môi trường và cảnh quan Vườn quốc gia Bái Tử Long đang có chiều hướng gia tăng trong vài năm gần đây.

Yêu và gắn bó với vùng biển, đảo này, anh Linh khá buồn khi cho chúng tôi biết, tình trạng khai thác có tính chất hủy diệt tài nguyên biển và xây dựng các cơ sở chế biến hải sản một cách bừa bãi đang diễn ra một cách công khai ngay tại khu vực trung tâm của Vườn quốc gia là đảo Ba Mùn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên của Vườn quốc gia và vịnh biển.

Mặc dù đây là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, nghiêm cấm xâm phạm cảnh quan, môi trường và khai thác hải sản, nhưng tại đảo Ba Mùn, lại có nhiều xưởng chế biến sứa được dựng lên quanh bờ đảo với từng đoạn tường đá bê-tông dựng lên, xé lẻ bờ đảo như một tấm áo vá nham nhở. Các lán trại tạm bợ với bao ni-lông, tôn, gỗ dán với những bể xi-măng vuông làm nơi ngâm, tẩm sứa biển đã được sơ chế.

Ðã từng tồn tại từ nhiều năm trước, nhưng gần đây các xưởng chế biến này được đẩy lên quy mô lớn với sự tham gia của các ông chủ nước ngoài và khép kín từ sơ chế đến đóng gói thành phẩm thủ công. Toàn bộ lượng nước chế biến, hóa chất, phèn chua và muối ngâm sứa đều được thải trực tiếp xuống mặt vịnh biển, gây ô nhiễm cả vùng nước. Ngày cao điểm, lượng sứa được thu mua và chế biến tại đây lên tới gần mười nghìn thùng sản phẩm. Vào thời điểm chính mùa, khu vực biển đảo Ba Mùn tập trung tới cả nghìn tàu đánh bắt khiến vùng nước bị ô nhiễm bởi xăng dầu, ảnh hưởng tiêu cực đến việc nuôi thủy sản của hàng trăm hộ gia đình, doanh nghiệp.

Không phải các cơ quan quản lý của địa phương không biết việc khai thác, chế biến sứa đã và đang phá vỡ cảnh quan, gây ô nhiễm nghiêm trọng khu vực trung tâm Vườn quốc gia Bái Tử Long nhưng vì sao vấn đề này lại không được quan tâm xử lý một cách triệt để. Theo anh Linh, một phần lý do của sự xâm hại cũng còn bởi diện tích vườn quốc gia trên vịnh biển quá rộng, địa hình lại khó quản lý và điều chủ yếu là do sự xen kẽ của khu vực dân cư của năm xã nằm trong khu vực bảo tồn và vùng đệm của vườn quốc gia là Bản Sen, Quan Lạn, Minh Châu, Hạ Long và Vạn Yên.

Nhiều ý kiến giải thích khác nhau, nhưng có một lý do mà người dân ở đây ai cũng biết: Các xưởng chế biến sứa đang vi phạm khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia lại là nguồn thu không nhỏ cho địa phương. Bên cạnh việc vận động, tuyên truyền ý thức bảo vệ tài nguyên biển, đảo cho người dân, vấn đề trước mắt là cần lập tức chấn chỉnh lại việc khai thác và hoạt động của các xưởng chế biến sứa. Khai thác kinh tế và du lịch nhưng phải bảo vệ cho được các giá trị sinh thái, cảnh quan và môi trường, đừng để những mối lợi nhỏ làm tổn hại đến “Bảo tàng thiên nhiên” quý giá Bái Tử Long.