VQG Cát Tiên: Tiềm năng trở thành khu di sản thiên nhiên thế giới

ThienNhien.Net – Được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (2001), riêng khu vực Bàu Sấu là khu Ramsa thứ 2 của Việt Nam và là trung tâm nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế. Nếu được trở thành khu di sản thiên nhiên thế giới, VQG Cát Tiên sẽ là khu di sản thiên nhiên thế giới thứ 3 của Việt Nam.

VQG Cát Tiên với diện tích 71.920 ha, được hơn 90 km chiều dài sông Đồng Nai bao bọc cùng những cảnh quan hùng vĩ của núi rừng ẩn chứa nhiều điều kì bí của thiên nhiên. Cho đến nay, Vườn đã xác định được 1610 loài thực vật gồm các loại từ cây gỗ lớn, gỗ nhỏ tới các loài dây leo và ký sinh… Trong đó có nhiều cây quý, tuổi được tính bằng nhiều thế kỷ, có tên trong Sách Ðỏ như Gỗ đỏ (Afzelia xylocarpa), giáng hương quả to (Pterocarpus macrocarpus), xoay (Dialium cochinchinensis), cẩm lai (Dalbergia oliveri)… Có những cây cổ thụ từ 300-600 tuổi thẳng đứng cao vun vút hơn 70m, gốc có tới 10 người ôm không hết. Một cây gỗ đỏ, đường kính 3,2m có độ tuổi nghìn năm, cây bằng lăng 6 ngọn có trên 300 tuổi.

Cùng với sự đa dạng về hệ sinh thái (núi cao, sông suối, thác ghềnh, đồng bằng và đầm lầy),  hệ động vật ở VQG Cát Tiên cũng hết sức đa dạng, phong phú với 76 loài thú, 320 loài chim, 74 loài bò sát và 35 loài ếch nhái và 99 loài cá và 435 loài bướm được ghi nhận chính thức. Trong số đó có 16 loài thú, 15 loài chim và 8 loài bò sát đang bị đe dọa trên toàn cầu.

Cát Tiên là một trong các khu quan trọng nhất để bảo tồn các loài thú lớn ở Việt Nam. Trong đó có các loài hiện đang có tại đây là Voi châu á (Elephas maximus), Tê giác Java (Rhinoceros sondaicus), Lợn rừng (Sus scrofa), Nai (Cervus unicolor) và Bò tót (Bos gaurus), Cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis), trong đó trừ voi và tê giác, các loài nêu trên có mật độ cao hơn bất kỳ nơi nào ở Việt Nam. Quần thể loài thú lớn quan trọng nhất của VQG Cát Tiên là quần thể Tê giác Java. Được biết loài tê giác này chỉ còn tồn tại ở Cát Tiên (Việt Nam) và Indonesia. Tuy nhiên, số lượng quần thể và vùng phân bố của loài này ở VQG đã suy giảm mạnh trong vòng hai thập kỷ qua, còn lại không đến 10 cá thể và cực kỳ khó bắt gặp.

Bên cạnh đó còn có các loài linh trưởng như Voọc vá chân đen (Pygathrix nigripes), Khỉ đuôi lợn (Macaca leonina) và Vượn đen má hung (Hylobates gabriellae), và các loài chim đặc hữu như Gà so cổ hung (Arborophila davidi), Gà tiền mặt vàng (Polyplectron germaini) và Chích chạch má xám (Macronous kelleyi). Cát Tiên cũng là điểm quan trọng đối với việc bảo tồn các loài chim nước. Trong số các loài chim nước bị đe dọa toàn cầu đã ghi nhận ở khu vực là Quắm cánh xanh (Pseudibis davisoni), Ngan cánh trắng (Cairina scutulata) và Già đẫy nhỏ (Leptoptilos javanicus).

Với sự đa dạng của hệ động thực vật, Cát Tiên xứng đáng là khu dự trữ sinh quyển thế giới và  tiềm năng trở thành khu di sản thiên nhiên thế giới. Không chỉ có vậy, Cát Tiên còn là nơi hội tụ sự đang dạng về văn hóa bởi số đông cộng đồng dân cư sống quanh khu vực như Stiêng và Châu Mạ với các giá trị văn hóa nổi bật như đền, tháp, cổ vật… Vào tháng 11/1998, người ta đã phát hiện một ngôi làng cổ ở Cát Tiên niên đại cách đây hơn 1.000 năm, gồm có đền tháp và nhiều vật thờ mang nét pha trộn giữa nền văn minh Chân Lạp ở phía nam và Chămpa ở phía bắc. Trong số các cổ vật khai quật có những linh vật mà người Chăm thờ phụng là Linga-Yoni (sinh thực khí nam-nữ) có Linga cao 2,1m được xem là ngẫu tượng lớn nhất thế giới hiện nay. Ngòai ra, còn có tượng thần Siva, tượng Ganesa đầu người…

Với các đặc điểm thiên nhiên, văn hóa như vậy VQG Cát Tiên đã và đang đón hàng triệu du khách tới thăm mỗi năm. Và nếu được sự quan tâm, quản lý đúng mức thì VQG Cát Tiên sẽ hơn hẳn Night Safari của Singapore. Hi vọng, Cát Tiên sẽ sớm được trở thành di sản thiên nhiên thế giới thứ 3 của Việt Nam và đầu tiên của phía Nam.