Tầng lớp trung lưu Châu Á – nhà tiêu dùng tương lai

ThienNhien.Net – Khu vực Châu Á vốn được coi là “nhà máy của thế giới” nay đã chuyển mình trở thành khu vực tiêu dùng có ảnh hưởng lớn đến thị trường thế giới nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong vài thập kỷ vừa qua, cùng với sự tăng lên nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.


Tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng…

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), sự tăng lên nhanh chóng về số lượng của tầng lớp trung lưu và sức tiêu thụ của họ trong nền kinh tế đang lớn mạnh trong hai thập kỷ vừa qua đã làm giảm đáng kể tình trạng nghèo đói và đưa các hộ nghèo trước đây gia nhập tầng lớp trung lưu.

Trong ấn bản của nghiên cứu có tựa đề: “Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu Châu Á” mới công bố cuối tháng 8 vừa rồi, ADB đã nhận định, người tiêu dùng của thị trường Châu Á mới nổi đang đóng vai trò then chốt trong việc tái cân bằng nền kinh tế thế giới, vốn là vai trò truyền thống của tầng lớp này ở châu Âu và Mỹ.

Nghiên cứu cũng xác định tầng lớp trung lưu ở Châu Á có mức tiêu dùng khoảng 2 đến 20 USD Mỹ /ngày.

Theo một thống kê năm 2008 thì tầng lớp trung lưu tại khu vực Châu Á là 1,9 tỷ người, chiếm 56% dân số của khu vực.

Nghiên cứu của ADB cho biết ngày càng nhiều cá nhân có thể chi trả cho các mặt hàng “xa xỉ” như tủ lạnh, ti vi, máy tính, máy giặt, điện thoại di động, xe ô tô… Điều này mang lại thành công cho các doanh nghiệp, điển hình là các nhà cung cấp xe ô tô tại Trung Quốc và Ấn Độ. Các hãng này đã đạt sự tăng trưởng từ 15% đến 30% một năm trong thập kỷ vừa rồi và các nước này cũng là thị trường điện thoại di động lớn nhất nhì thế giới.

Nghiên cứu cũng chỉ rõ mức tiêu dùng của khu vực châu Á đã đạt tới 4,3 nghìn tỷ đô la Mỹ năm 2008, và với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì tới năm 2030, mức tiêu dùng của khu vực này sẽ đạt 32 nghìn tỷ đô la Mỹ, chiếm 43% mức tiêu dùng của toàn thế giới.

… và những mặt trái của sự phát triển nóng

Rõ ràng là sự gia tăng tầng lớp trung lưu khu vực châu Á mới có tác động mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và thế giới, tuy nhiên nó cũng gây ra những vấn đề về môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe.

Sự phát triển quá nóng và khai thác tài nguyên ồ ạt để đáp ứng cho tốc độ tăng trưởng này có lẽ là nguồn cơn của tình trạng lụt lội, lở đất đang hoành hành tại miền tây Trung Quốc và khắp Pakistan.

Bên cạnh đó, sự tăng lên của tỷ lệ bệnh béo phì ở Trung Quốc, Ấn Độ cũng là vấn đề đáng quan ngại, đặc biệt là khi phần đông dân số khu vực vẫn sống trong nghèo đói.

Trung Quốc hiện có 11% dân số sống dưới mức tiêu dùng tối thiểu, trong khi tỷ lệ này ở Ấn Độ là hơn 20%.

Để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững và hạn chế những mặt trái của cơn lốc tăng trưởng, ADB đã đặt ra những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, bao gồm: giải quyết triệt để tình trạng đói nghèo; phổ cập giáo dục; đấu tranh cho bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em; đấu tranh với HIV/AIDS, bệnh sốt rét và các bệnh dịch khác; bảo vệ môi trường; hợp tác toàn cầu cho phát triển.

Trong khi sự nổi lên của tầng lớp trung lưu ở châu Á sẽ “đặt ra một số thách thức về chính sách”, nghiên cứu cũng kết luận rằng điều đó cũng “tạo ra những cơ hội tiềm năng cho khu vực và thế giới”.