Thừa Thiên – Huế: Giao cho dân quản lý để giữ rừng

ThienNhien.Net – Thừa Thiên – Huế đã thực hiện chuyển giao toàn bộ gần 241.000 ha rừng và đất lâm nghiệp cho các chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế tổ chức quản lý bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, đem lại nhiều kết quả khả quan.

Theo đó, giai đoạn 2010-2014, tỉnh Thừa Thiên – Huế đầu tư gần 34 tỷ 253 triệu đồng (trong đó nhà nước đầu tư và hỗ trợ gần 24 tỷ 212 triệu đồng, chủ rừng đầu tư hơn 10 tỷ 041 triệu đồng) để thực hiện việc chuyển giao gần 241.000 ha rừng và đất lâm nghiệp.

Đến thời điểm hiện tại (ngoài diện tích rừng do các nông, lâm trường quản lý), toàn tỉnh đã giao cho dân quản lý hơn 15 nghìn ha rừng tự nhiên (không kể rừng trồng).

Đây được xác định là một trong những biện pháp phát triển rừng bền vững nhất hiện nay. Theo đánh giá của ngành kiểm lâm, mô hình giao rừng cho cộng đồng quản lý, bảo vệ trên địa bàn bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, bởi không chỉ phát triển vốn rừng gắn với đời sống của người dân một cách bền vững mà còn góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo an sinh xã hội.

Thôn Thuỷ Yên Thượng, xã Lộc Thuỷ (huyện Phú Lộc) tiếp nhận quản lý và bảo vệ 404,5 ha rừng tự nhiên. Trở thành chủ nhân của rừng, bà con trong thôn, trong xã bắt đầu có ý thức và trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, nhờ đó, tình trạng dân vào rừng khai thác gỗ trái phép đã cơ bản được chấm dứt. Bên cạnh đó, người dân còn trực tiếp được hưởng lợi hơn 50 m3 gỗ rừng đến tuổi được phép khai thác và các sản phẩm ngoài gỗ như mây, lá nón, củi khô… (Theo Quyết định 178/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Thực tế mô hình quản lý rừng của cộng đồng thôn Thuỷ Yên Thượng trong thời gian qua đã chứng minh hiệu quả trong việc giao rừng cho dân trực tiếp quản lý, xoá bỏ tình trạng là điểm nóng về khai thác rừng bừa bãi, toàn bộ diện tích đã được phục hồi tươi tốt.

Tuy nhiên, Chi cục kiểm lâm tỉnh cho biết, toàn tỉnh vẫn còn hơn 54 ngàn ha rừng “vắng chủ”, tập trung ở các vùng giáp ranh thuộc các huyện A Lưới, Phong Điền, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Trà…, đang là điểm nóng của tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Với diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh như hiện nay, nếu chia đều cho toàn lực lượng kiểm lâm chuyên trách, thì bình quân một cán bộ kiểm lâm phải quản lý gần 1.000 ha rừng. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều diện tích rừng khó được kiểm soát, chính vì thế, rừng cần phải được giao cho cộng đồng quản lý bảo vệ để làm giàu vốn rừng.