An Giang: Triển vọng mô hình nuôi cá chình ở huyện Châu Phú

ThienNhien.Net – Giá cá tra, basa trong thời gian qua không ổn định đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh nói chung và ở huyện Châu Phú nói riêng. Một số hộ chăn nuôi đã không còn mặn mà với nghề nuôi cá tra, cá basa nữa. Thay vào đó họ tìm kiếm những giống cá mới, có thể đảm bảo năng suất và lợi nhuận cho người chăn nuôi. Một trong những giống cá được Trung tâm Giống thủy sản An Giang lựa chọn để triển khai nuôi thí điểm và nhân rộng ở huyện Châu Phú là giống cá chình bông.

Hai bên con đường làng trải nhựa khá rộng, cách xa đường quốc lộ khoảng 7 cây số dẫn đến UBND xã Bình Chánh, huyện Châu Phú. Thấp thoáng phía sau những ngôi nhà khang trang là những cánh đồng bát ngát, một màu xanh phơi phới của những thửa ruộng. Anh Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho biết, năm nay nông dân trồng lúa ở xã phấn khởi hơn bởi lẽ nhờ có đê bao khép kín nên bà con có thể yên tâm sản xuất lúa suốt 3 vụ, giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, song song với niềm vui của những nông dân trồng lúa là nỗi buồn của các hộ nuôi thuỷ sản. Nuôi cá tra, basa thì không yên tâm vì giá cả không ổn định. Nuôi tôm thì nguồn nước từ các ruộng lúa thải ra không đảm bảo cho tôm phát triển tốt, có thể gây ngộ độc cho tôm. Nhờ có mô hình nuôi cá chình bông rất có triển vọng ở vùng đất này, tương lai không xa sẽ giúp xóa tan những lo lắng cho các hộ nuôi thuỷ sản ở đây.

Ông Nguyễn Văn Nhơn, ở ấp Bình Phước, xã Bình Chánh, một trong những hộ nuôi thuỷ sản đi đầu thử nghiệm mô hình nuôi cá chình bông. Ông Nhơn được Trung tâm Giống thủy sản An Giang hỗ trợ 6 triệu đồng. Ông mạnh dạn đầu tư thêm vốn, thả nuôi 300 con cá chình bông trong ao cá rộng 1.000 m2 sau nhà. Sau 7 tháng nuôi, hiện nay đàn cá chình của ông cân nặng trung bình mỗi con từ 500 đến 700gram.

Ông Nhơn cho biết, cá chình bông rất dễ nuôi, ít bị nhiễm bệnh và rất mau lớn, đặc biệt là đảm bảo năng suất, trung bình mỗi con cân nặng từ 1kg đến 8kg, thậm chí có thể đạt đến 10kg. Cá chình bông càng lớn thì bán càng có giá. Về thức ăn cho cá thì ông Nhơn không phải lo lắng nhiều vì nguồn cá tạp tươi sống rất phong phú ở vùng sông nước này. Bình quân, đàn cá của ông mỗi ngày tiêu thụ từ 4 đến 5kg thức ăn, chi phí khoảng 30.000 đồng. Ông Nhơn ước tính, sau 12 tháng chăm sóc, đàn cá chình bông sẽ cho thu hoạch trên 400kg, với giá bán 300.000 đồng/kg, trừ chi phí ông còn lời khoảng 60 triệu đồng.

Nhận thấy được triển vọng từ việc nuôi cá chình bông, ông Nhơn quyết tâm sẽ mở rộng diện tích ao nuôi. Đồng thời, tăng cường học hỏi, nghiên cứu các biện pháp để ươm con giống. Theo ông Nhơn, nếu ươm con giống thành công, mô hình này không những mang đến lợi nhuận lớn cho gia đình ông mà còn giúp giảm bớt chi phí sản xuất cho các hộ chăn nuôi ở đây, vì giống cá chình bông rất hiếm, giá bán khá cao, dao động trên dưới 800.000 đồng/kg con giống.

Xã Bình Chánh có trên 4,6 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Để giúp bà con nông dân địa phương từng bước thoát nghèo một cách căn cơ, bền vững, xã phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản An Giang đang nhân rộng mô hình nuôi cá chình bông đến từng hộ gia đình bằng cách tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cùng với bà con thường xuyên theo dõi và phòng ngừa dịch bệnh cho cá. Tuy nhiên, do số vốn nuôi cá chình bông khá cao so với các loại cá khác nên các hộ nuôi trồng ở đây vẫn còn e ngại. Trong khi đó, Trung tâm Giống thủy sản An Giang cũng chỉ có thể hỗ trợ về kỹ thuật nuôi và một phần chi phí sản xuất, phần còn lại phụ thuộc vào điều kiện cho vay vốn của các Ngân hàng, đó cũng là trăn trở của anh Nguyễn Tấn Nang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Chánh trong quá trình khai thác hiệu quả của mô hình này.

Nhờ biết tận dụng và khai thác lợi thế của từng vùng để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, ngành Nông nghiệp An Giang đã và đang cùng bà con nông dân ổn định sản xuất, cải thiện đời sống, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.