Vụ mất hàng ngàn hécta đất rừng ở Trảng Bom (Đồng Nai): Cấp xã cũng ký giấy bán đất

Qua tìm hiểu thực tế tại những cánh rừng được giao cho Trạm Trồng rừng huyện Thống Nhất theo Quyết định 176, được biết lô đất nào cũng đều có giấy tờ mua bán, chuyển nhượng với đầy đủ chữ ký xác nhận của UBND xã Bắc Sơn và đơn vị được giao quản lý rừng…

Mua bán “giấy tay” vô tội vạ

Cầm trên tay tập hồ sơ mua bán “giấy tay” khu đất 4,5ha, vợ chồng ông Trịnh Văn Sáu một mực khẳng định với phóng viên: Đây là của bà Nguyễn Thị Cỏi bán cho gia đình tôi. Có chữ ký xác nhận của UBND xã hẳn hoi, sao lại nói đất của lâm trường được”.

Theo “Giấy xin chuyển nhượng đất” ngày 6-11-1996 mà ông Sáu đưa ra, có xác nhận và chữ ký, đóng dấu của Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Quách Kim Tính: “Đất sử dụng ổn định, không tranh chấp. Nay bà Trần Thị Cỏi (không phải Nguyễn) xin chuyển quyền SDĐ cho ông Trịnh Văn Sáu như nội dung đơn trên…”.

Khi nghe phóng viên “chất vấn” về nguồn gốc lô đất mà bà Cỏi bán cho ông là của Trạm Trồng rừng huyện Thống Nhất, chị Hoa-vợ ông Sáu xì ra tờ giấy xác nhận của Lâm trường Nguyên liệu giấy Trị An (được đổi tên từ Trạm Trồng rừng huyện Thống Nhất) có nội dung xác nhận của ông Phạm Văn Hà, Phó Giám đốc lâm trường: “Qua kiểm tra, diện tích này của gia đình tự sang nhượng, không thuộc quản lý của lâm trường”. Sau khi được xã chứng nhận, ông Sáu lại viết giấy tay chuyển nhượng phần lớn diện tích đất rừng này cho ông Đỗ Viết Hưởng. Và ông Hưởng cũng lại được UBND xã Bắc Sơn “vô tư” ký xác nhận: “Đất ổn định, không tranh chấp, chấp nhận cho chuyển nhượng…”.

Trường hợp của ông Tạ Văn Chức cũng được UBND xã Bắc Sơn ký xác nhận cho chuyển nhượng 3ha lại có tình tiết thật khó hiểu. Theo hồ sơ “giấy tay” mà ông Chức cung cấp, nguồn gốc của lô đất này được ông ký giấy cho lâm trường muợn trồng rừng từ năm 1992. Từ đó đến nay gia đình ông đã nhiều lần làm đơn đòi lại nhưng lâm trường không trả.

Khi vụ việc “tranh chấp” chưa ngã ngũ, thì đùng một cái, ngày 20-4-1996 Giám đốc lâm trường Phạm Tiến Ngọc ký thỏa thuận trả 3ha đất cho ông Chức! Có được xác nhận này, chỉ 20 ngày sau, UBND huyện Trảng Bom ra Quyết định số 358 cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ cho ông Chức. Ngay sau đó, ông Chức cắt ra 2ha chuyển nhượng cho ông Đồng Văn Khiêm, thu hàng trăm triệu đồng.

Đó chỉ là hai trong số hàng chục trường hợp đất rừng bị đem mua bán với những tờ “giấy tay” – có sự xác nhận của chính quyền địa phương mà phóng viên thu thập được. Còn nhiều sự “cười ra nước mắt” khác từ những dòng ký xác nhận “vô tư” của UBND xã Bắc Sơn và Lâm trường Nguyên liệu giấy Trị An (nay là Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Đông Nam bộ).

Đơn cử như trường hợp chuyển nhượng “giấy tay” hơn 1ha đất rừng giữa ông Lê Văn Mừng và bà Nguyễn Thị Lý. Không chỉ xác nhận cho chuyển nhượng đất rừng, UBND xã Bắc Sơn còn thu luôn cả thuế trước bạ và thuế chuyển quyền SDĐ-trong khi UBND huyện Trảng Bom chưa ra quyết định cấp giấy chứng nhận chuyển quyền SDĐ cho bà Lý(!?).

Mất đất rừng do… dân (!?)

Đi tìm câu trả lời nguyên nhân nào khiến hàng ngàn hécta đất rừng được giao cho Lâm trường Nguyên liệu giấy Trị An quản lý và chỉ một thời gian đã bị mất trắng, phóng viên tìm gặp ông Trần Đức Hồng, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn.

Câu trả lời đầu tiên, ông Hồng khẳng định: “Do lâm trường quản lý tồi”. “Thế ai đã ký xác nhận chuyển nhượng trong hồ sơ mua bán “giấy tay” cho người dân?” . Ông Hồng quả quyết: “Trước kia có tình trạng ký “giấy tay”, nhưng ký bao nhiêu và ai ký tôi không biết. Đây là chuyện nội bộ, huyện đã có quy định không cung cấp thì tôi không thể (!?)”.

Ông Hồng còn tuyên bố: “Đất rừng lâm trường không canh tác để cho dân lấn chiếm, khai hoang thì địa phương phải cấp giấy cho dân, không thể nói không với dân được”.

Tìm gặp Ban giám đốc Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Đông Nam bộ, ông Phạm Tiến Ngọc, Phó Giám đốc xí nghiệp (nguyên Giám đốc Lâm trường Nguyên liệu giấy Trị An) khẳng định với: “Đất giao cho chúng tôi quản lý, nhưng còn dân ở trong đó, mất làm sao chúng tôi biết được. Trách nhiệm quản lý là của địa phương chứ. Địa phương cấp giấy cho họ mà!”.

Khi đề cập đến những vụ chuyển nhượng đất rừng bằng “giấy tay” có xác nhận của Giám đốc lâm trường Phạm Tiến Ngọc, chính ông Ngọc đã bác bỏ toàn bộ sự việc và khẳng định không biết và không nắm rõ hồ sơ mua bán “giấy tay” hàng ngàn hécta đất rừng trong những năm qua. Ông Ngọc còn giới thiệu tôi tìm gặp Giám đốc Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Đông Nam bộ hiện nay-ông Nguyễn Tư Huy. “Ông Huy biết rõ mọi chuyện và ông Huy mới là người chịu trách nhiệm trả lời về thực trạng mất đất rừng của xí nghiệp rừ trước đến nay” – ông Ngọc thừa nhận với phóng viên

Kỳ 1: Vụ mất hàng ngàn hécta đất rừng ở Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai): Đất rừng chỉ còn… trên giấy!