Đi qua những cánh rừng núi đá vôi Đông Bắc (Kỳ I)

ThienNhien.Net – Một “thớt” nghiến giá 8 trăm ngàn đồng; 1m3 gỗ nghiến có giá ít nhất 10 triệu đồng. Cũng chính vì giá trị có thể quy ra thành tiền như vậy, loài gỗ nghiến quý hiếm mọc trên vách núi đá vôi đang dần cạn kiệt! Đem theo nỗi ám ảnh từ những gốc nghiến đại thụ bị đốn hạ, nhựa tứa ra đỏ như máu giữa rừng sâu; tôi tìm đến những cánh rừng núi đá vôi Đông Bắc, những mong gặp gỡ màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng nghiến hiếm hoi còn nguyên vẹn.


Lời nguyền Mó nước

Mọi làng bản của người Tày, người Nùng ở Cao Bằng, Bắc Kạn đều có Mó nước. Mó nước nằm cạnh khu rừng thiêng mà bà con gọi là Đông sấn. Đông sấn giữ cho Mó nước luôn đầy. Theo luật tục, ai chặt của Đông sấn một cái cây, nhặt một cành củi mà không xin phép sẽ bị phạt rất nặng. Cũng nhờ luật tục nghiêm khắc nên nhiều gốc nghiến trăm tuổi đã thoát “án tử hình”.

Mong manh cây nghiến ngàn năm tuổi

Nếu không được ông Đinh Ngọc Hải – Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường tỉnh Cao Bằng – phân tích kỹ càng, khó có ai trong chúng tôi có thể ngờ gốc nghiến đại thụ 6 người ôm không giáp vòng tay đầu xóm lũng Tủng, xã Kim Loan kia lại có tuổi đời lên đến…ngàn năm!

“Cụ Tổ” nghiến lừng lững đứng sát con đường đang mở dẫn vào trụ sở UBND xã. Lúc đầu, người ta phóng tuyến con đường băng qua chỗ “cụ”, lấy cớ bứng “cụ” đi. May mà người già Lũng Tủng biết sớm và ra tay ngăn cản nên cụ mới còn được sống

 

Gốc nghiến có tuổi đời ngàn năm tại Lũng Tủng, Kim Loan, Cao Bằng

Bên kia đường, một “cụ nghiến” khác đã bị đốn hạ. Bà lão Lầu Thị Ứng đang nhặt củi bên vách đá, chỉ gốc cây còn tươi nhựa bảo: “Cái cây này mất nhanh lắm, tao ngủ một đêm sáng ra thấy nó không còn”. Lời bà lão khiến tôi ái ngại cho gốc nghiến ngàn tuổi được ông Đinh Ngọc Hải và ông Hoàng Văn Hạnh, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Hạ Lang bất ngờ phát hiện trong chuyến đi. Hy vọng gốc nghiến không bị phép màu nào đó “thổi” bay khỏi rừng thiêng Lũng Tủng để ông Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường còn có vật chứng mà hãnh diện khoe với cả thế giới: “Cao Bằng Việt Nam vừa phát hiện cây nghiến đại thụ ngàn năm!”

Nắng tháng 7 chói chang như xối xuống từ bầu trời cao xanh mà Mó nước Lũng Tủng cứ mát lạnh, trong veo. Mó nước nằm dưới chân Đông sấn, cạnh miếu Thần rừng. Miếu tuềnh toàng nhưng sự bất di bất dịch của thớt nghiến đặt bên trong lại ngầm cho thấy hình phạt nghiêm minh và hà khắc của luật tục đối với bất cứ ai có ý đồ vụng trộm, tư lợi sản vật rừng.

8 xóm của xã Kim Loan đều có rừng nghiến. Ông Hoàng Văn Cầu, Chủ tịch xã Kim Loan kể rằng từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nghiến đã… ào ạt chảy từ Kim Loan sang bên kia biên giới. Ký ức của vị Chủ tịch xã còn in hằn hình ảnh hàng cây số ngựa, người cõng nghiến đi bán. Thớt gỗ nghiến đường kính 40cm, cao 70cm, đưa sang tận Trùng Khánh cũng chỉ có giá từ 5 đến 7 tệ. Bán được gỗ, từng đoàn người lại thi nhau cõng về vải vóc, đài, đèn pin. Hàng hóa rẻ tiền nên chẳng bao lâu đều hư hỏng, vứt không ai thèm nhặt. Nhưng rừng nghiến thì tan hoang và những người hăm hở xẻ nghiến thành “hoành”, thành “thớt” gùi cõng đi mỗi ngày vài chục cây số đường rừng mong đổi đời đến tận bây giờ vẫn còn nằm trong danh sách các hộ nghèo của một xã cũng được xếp vào diện nghèo của vùng cao biên giới!

Giữ rừng nhờ luật tục hà khắc

Từng là xã giàu nghiến nhất nhì ở 9 tỉnh vùng núi đá vôi Đông Bắc, đến nay Kim Loan vẫn có đến 151/256 hộ nghèo. “Hộ nghèo ở Kim Loan không phá rừng nữa vì rừng sạch nghiến rồi, chỉ còn toàn gỗ tạp” – Chủ tịch xã Kim Loan chua xót nói.

Như mọi xã của các tỉnh vùng cao khác, Kim Loan thụ hưởng nhiều dự án, mô hình trồng, bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh rừng. Có dự án kết thúc chẳng đem lại kết quả gì, có dự án còn trong giai đoạn hứa hẹn và hiện nay mô hình “thí điểm lâm nghiệp cộng đồng” (LNCĐ) đang được người dân hưởng ứng do gần gũi với luật tục và hương ước.

Trước khi vào Lũng Tủng, chúng tôi gặp tấm biển xi măng xác định vị trí, ranh giới mô hình thí điểm LNCĐ. Dân Lũng Tủng hình như rất…quý tấm biển xi măng, vì nhờ nó mà người lạ ít táy máy chặt cành, bẻ cây.

 

Miếu thờ mó nước rừng thiêng ở xóm Lũng Tủng, xã Kim Loan, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng.

Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 công nhận quyền của cộng đồng dân cư thôn là một chủ thể được giao những khu rừng mà cộng đồng đang quản lý, bảo vệ có hiệu quả. Kết quả điều tra của Viện Khoa học Lâm nghiệp cho thấy Cao Bằng là một trong 10 tỉnh đảm bảo được các tiêu chí thực hiện quản lý rừng cộng đồng. Trên cơ sở đó, Cục Lâm nghiệp đã chọn Cao Bằng tham gia Dự án “Chương trình thí điểm LNCĐ” đồng thời đại diện cho 9 vùng sinh thái của cả nước thực hiện các mục tiêu chung của Dự án.

Ông Nguyễn Văn Lễ, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Cao Bằng tự hào chia sẻ với chúng tôi thông tin rằng 90% thôn bản ở Cao Bằng đều có rừng cộng đồng. Đã có 1633 cộng đồng được giao rừng với khoảng 149.048,5 ha.

Chương trình LNCĐ không chỉ bám sát luật tục mà còn dựa vào Hương ước sẵn có của cộng đồng thôn để bảo vệ rừng. Một nội dung Hương ước khiến ông Chủ tịch xã nào cũng “sợ” là hình phạt “tách khỏi hội làng” đối với người phá hoại rừng. Chủ tịch xã Đức Quang, huyện Hạ Lang – Nông Văn Ngoạt, bảo rằng đã thẳng tay gạch bỏ nội dung này trong bản hương ước các thôn trình lên vì nó là một hình thức tẩy chay, cô lập quá hà khắc nhưng không ngăn cản được bà con ngấm ngầm thực hiện.

Ở rừng nghiến Coỏng Hoài, xã Đức Quang, tôi gặp trưởng thôn Nông Văn Dũng, người kiên quyết bảo vệ điều khoản “tách khỏi hội làng” đối với hành vi tái phạm phá rừng lần thứ 3. Chạy vội về nhà đưa cho tôi bản Hương ước, chỉ tay vào cụm nghiến xanh um, ông Dũng nói chân tình: “Phá rừng nghiến là phá Mó nước. Nước cạn thì dời làng đi chỗ khác à?”.

Lời nguyền Mó nước khắc tạc vào thân cây nghiến ngàn đời, thật khó mà lung lay.