Hơn 1.000 ha rừng phải trồng bù khi làm cao tốc Bắc – Nam

Để phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 1.054 ha đất rừng.

Chuẩn bị thi công tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 1.054 ha đất rừng theo hướng đảm bảo không tác động lớn đến môi trường, “cán đích” đúng tiến độ đề ra.

Chuyển đổi 1 ha, trồng bù từ 1-3 ha

Chính phủ vừa có Tờ trình số 153/TTr-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên tại các địa phương thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam.

Theo đó, tổng diện tích rừng cần chuyển đổi là 1.054,63 ha, bao gồm 111,84 ha rừng phòng hộ, 4,45 ha rừng đặc dụng, 802,91 ha rừng sản xuất, 135,43 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng (có nguồn gốc rừng phòng hộ 14,89 ha, từ rừng đặc dụng 0,22 ha, từ rừng sản xuất 120,32 ha). Trong số này, Quảng Bình có diện tích rừng phải chuyển đổi lớn nhất với 437,25 ha (11,84 ha rừng tự nhiên, 425,41 ha rừng trồng).

Tổng diện tích rừng của 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh là 956 ha, để phục vụ cho dự án cao tốc Bắc – Nam thì 2 địa phương này cần chuyển đổi mục đích 697 ha đất rừng các loại.

Theo rà soát của Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT – Bộ GTVT), 7 tỉnh có diện tích đất rừng cần chuyển đổi để phục vụ làm cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025 gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hoà. Các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hòa hiện đã xây dựng phương án trồng rừng thay thế đối với các dự án thành phần đầu tư xây dựng có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên.

Các địa phương đã lên phương án sau chuyển đổi 1 ha rừng trồng sẽ trồng bù 1 ha rừng thay thế; chuyển đổi 1 ha rừng tự nhiên sẽ trồng 3 ha rừng thay thế, với cơ cấu trồng các loại cây lâm nghiệp. UBND các tỉnh, thành phố quyết định đơn giá trồng rừng, tiền hỗ trợ, thời gian chủ đầu tư phải nộp để trồng rừng thay thế. Đơn giá trồng rừng thay thế được tính theo mức dự toán trồng rừng bình quân của địa phương, gồm chi phí khảo sát, thiết kế, trồng rừng, chi phí quản lý đến khi thành rừng.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, trong số hơn 1.054 ha đất rừng cần chuyển đổi, có 39,83 ha rừng tự nhiên; 1.014,80 ha rừng trồng, trong đó: 111,84 ha quy hoạch rừng phòng hộ, 4,45 ha quy hoạch rừng đặc dụng, 802,91 ha quy hoạch rừng sản xuất và 135,43 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng có nguồn gốc rừng phòng hộ (14,89 ha), đặc dụng (0,22 ha) và sản xuất (120,32 ha).

Theo ông Nghĩa, để chuyển 1ha rừng trồng phải trồng bù 1 ha rừng thay thế, còn chuyển đổi 1 ha rừng tự nhiên phải trồng 3 ha rừng thay thế. Cơ cấu loại cây yêu cầu là cây lâm nghiệp.

UBND tỉnh sẽ quyết định đơn giá trồng rừng, tổng số tiền, thời gian chủ đầu tư phải nộp để trồng rừng thay thế. Đơn giá trồng rừng thay thế được tính theo mức dự toán trồng rừng bình quân trên địa bàn tỉnh tại thời điểm chủ đầu tư dự án nộp tiền, bao gồm cả chi phí khảo sát, thiết kế, trồng rừng, chi phí quản lý đến khi thành rừng.

Chủ đầu tư dự án sẽ phải bỏ tiền để thực hiện việc trồng rừng thay thế, kinh phí được tính toán vào tổng mức đầu tư xây dựng đường.

“Việc trồng rừng thay thế phải thưc hiện theo những quy định của Thông tư 13 của Bộ NN&PTNT và được giao cho UBND tỉnh, nơi có dự án đi qua thực hiện”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, trong phương án trồng thay thế có 2 cách thực hiện. Một là, địa phương tìm quỹ đất và trồng theo diện tích thay thế; hai là nếu địa phương không bố trí được quỹ đất, chủ đầu tư sẽ có thể tìm, nếu họ cũng không tìm được phải nộp số tiền đó cho địa phương và địa phương sẽ báo cáo Bộ NN&PTNT để lựa chọn địa phương khác để trồng thay thế.

Để giảm tác động môi trường khi sử dụng đất rừng cho mục đích khác, theo ông Nghĩa, việc trồng rừng thay thế có thể phải thực hiện ở một điểm cách xa nơi cũ, hoặc cũng có thể trồng ở địa phương khác do địa phương không bố trí được quỹ đất. Do đó, việc chấp hành các quy định trồng rừng và thời gian thực hiện (trong vòng 1 năm kể từ thời điểm lấy đất chuyển đổi) là rất cần thiết.

Theo ông Nghĩa, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội chỉ đạo các tỉnh nói trên phải quản lý chặt chẽ các diện tích rừng dự kiến chuyển đổi đến khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng.

Đồng thời, kiểm tra, rà soát toàn bộ hiện trạng rừng của các dự án thành phần, đảm bảo thông nhất về số liệu, vị trí giữa hồ sơ và thực địa.

Thẩm định xong đánh giá tác động môi trường

Đại diện Phòng Điều hành dự án 4 (Ban QLDA 6, Bộ GTVT), đơn vị được giao phụ trách hai dự án thành phần Vũng Áng – Bùng va Bùng – Vạn Ninh cho biết, nhằm đảm bảo môi trường, không ảnh hưởng đến chiến lược phát triển lâm nghiệp, đối với diện tích rừng cần chuyển đổi, các Ban QLDA đều đã có tờ trình gửi cấp có thẩm quyền địa phương về việc trồng rừng thay thế.

Với dự án thành phần Vũng Áng – Bùng, Ban QLDA 6 đã có tờ trình gửi các cấp chức năng tỉnh Quảng Bình trồng rừng thay thế trên diện tích 11,84 ha rừng tự nhiên; 140,66 ha rừng trồng; trình cơ quan thẩm quyền tỉnh Hà Tĩnh trồng rừng thay thế đối với 3,32 ha rừng tự nhiên và 35,88 ha rừng trồng…

Phương thức thực hiện trồng rừng thay thế được đề xuất là chủ đầu tư dự án sẽ nộp tiền trồng rừng vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết: “Chúng tôi đã thẩm định xong đánh giá tác động môi trường, yêu cầu các chủ đầu tư tiếp thu và hoàn thiện”.

Đa phần rừng trồng, hiệu quả kinh tế không cao

Thông tin tìm hiểu tại các địa phương, đa phần diện tích đất rừng phải chuyển đổi mục đích phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam là rừng trồng, giá trị kinh tế thấp. Tại 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, tổng diện tích chuyển đổi là 697 ha đất rừng các loại.

Ở Hà Tĩnh có gần 101 ha (3,32 ha rừng tự nhiên; 97,53 ha rừng trồng), Quảng Bình là hơn 437 ha (11,84 ha rừng tự nhiên, hơn 425 ha rừng trồng).

Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh.

Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, cho biết, đơn vị vừa chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát diện tích rừng cần chuyển đổi để thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam. Các địa phương có đất rừng cần chuyển đổi gồm các huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TX Kỳ Anh.

Cũng theo ông Huấn, ngoài diện tích rừng tự nhiên cho trữ lượng 36 m3 gỗ/ha thì diện tích rừng trồng chủ yếu là keo và bạch đàn. UBND tỉnh Hà Tĩnh hiện đã có báo cáo gửi Bộ NN&PTNT về kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng gần 101ha đất rừng để thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn.

Theo Ban QLDA 6 cho biết, việc xác nhận hướng tuyến để phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên (3,32 ha) đã được nghiên cứu kỹ lưỡng để giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động đến rừng; bám ven hồ chứa nước Sơn Kim; tránh giao chéo với đường dây 500 kV… vì vậy không thể điều chỉnh đầu tư xây dựng ở vị trí khác.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, cũng cho biết, khi chuyển đổi đất rừng sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế địa phương cũng như người dân.

Tại tỉnh Quảng Bình, hiện địa phương này đã có công văn gửi Bộ GTVT về nhu cầu cần chuyển mục đích đất rừng sản xuất 528 ha; đất rừng phòng hộ 69,98 ha.

Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Trạch, trên địa bàn huyện có khoảng vài trăm ha đất rừng sản xuất của người dân diện chuyển đổi. Đây chủ yếu là rừng keo, tràm nhưng năng suất đem lại không cao.

Tại Bình Định, diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng khoảng 200 ha, tại các dự án thành phần Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Hoài Nhơn – Quy Nhơn và Quy Nhơn – Chí Thạnh.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, diện tích rừng chuyển đổi chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Trong đó, rừng sản xuất đang trồng một số cây như keo, bạch đàn, dừa, xoài…

“Địa phương đã có phương án trồng một số loại cây trên các diện tích đất khác, vừa đảm bảo về môi trường sinh thái, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế cho những khu vực bị ảnh hưởng”, ông Phúc nói và khẳng định, quan điểm của địa phương là chuẩn bị tất cả các điều kiện để triển khai cao tốc qua địa bàn một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cũng cho biết, trong số gần 177 ha rừng chuyển đổi để làm cao tốc của địa phương, chủ yếu là rừng sản xuất. Ngoài ra, có một diện tích rừng đặc dụng tập trung ở khu vực đèo Cả, giáp tỉnh Khánh Hòa và rừng phòng hộ (chủ yếu ở huyện Sông Hinh, Đồng Xuân…).

Theo ông Thế: “Hiện tỉnh chỉ mới xin chuyển đổi mục đích sử dụng để phục vụ thi công cao tốc một cách hiệu quả, kịp tiến độ chứ chưa thể đánh giá cụ thể việc ảnh hưởng khi chuyển đổi các loại rừng này đến đời sống người dân”.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, dự án cao tốc Bắc – Nam là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển KT-XH của đất nước. Bộ NN&PTNT cũng đã rất tích cực đôn đốc, phối hợp với các địa phương và Bộ GTVT để có báo cáo trình Chính phủ. Bộ NN&PTNT mong muốn dự án triển khai tốt, đặc biệt là các địa phương có đường đi qua, cần chuyển đổi diện tích đất rừng thì cần triển khai và thực hiện nghiệm các quy định và thời gian chuyển đổi thay thế theo quy định.