Khoáng sản ra đi, khó khăn ở lại

Dù là huyện rất giàu tài nguyên khoáng sản nhưng Quỳ Hợp đang chịu quá nhiều hệ lụy từ hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản gây ra. Trong khi đó, các nguồn thu từ hoạt động này lại không được điều tiết đúng mức đã gây nên những khó khăn lớn cho công tác quản lý nhà nước cũng như gánh nặng lớn về môi trường cho địa phương này.

Hàng loạt hệ lụy…

Huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) là huyện trọng điểm về hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và bảo vệ môi trường. Trong những năm qua, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và bảo vệ môi trường đã được các cấp, ngành cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và khắc phục hậu quả do khai thác, chế biến khoáng sản và ô nhiễm môi trường gây ra còn nhiều bất cập, gây khó khăn, thiếu thốn đối với huyện, xã và đặc biệt là người dân.

Một khu mỏ khai thác quặng thiếc tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp

Theo số liệu từ UBND huyện Quỳ Hợp, trên địa bàn toàn huyện đã có 121 điểm mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác. Đến thời điểm hiện nay đã có 57 điểm mỏ hết hạn khai thác, còn khoảng trên 60 điểm mỏ còn hạn và mới được cấp phép khai thác; có 176 xưởng chế biến khoáng sản; có 158 doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

Không thể phủ nhận rằng, hoạt động khoáng sản đã đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Các khoản thu ngân sách bao gồm thuế các loại của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn phân cấp cho huyện thu; các doanh nghiệp phân cấp cho tỉnh thu; các doanh nghiệp ngoài địa bàn đăng ký nộp ngân sách cho các địa phương khác; thu thuế xuất nhập khẩu từ các cửa khẩu. Nếu tính trong vòng 10 năm trở lại đây, các khoản thu do hoạt động khoáng sản tại Quỳ Hợp đạt hàng ngàn tỷ đồng, góp phần làm chuyển biến kinh tế – xã hội chung của tỉnh, của huyện. Trong đó, tổng thu ngân sách phần phân cấp cho huyện thu trong 5 năm trở lại đây đạt khoảng 700 tỷ đồng. Riêng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 5 năm gần đây đạt trên 56 tỷ đồng.

Nước suối Nậm Tôn đoạn qua xã Châu Quang và thị trấn Quỳ Hợp luôn có màu đỏ quạch bởi hoạt động khai thác quặng thiếc trên thượng nguồn

Tuy nhiên, hoạt động khoáng sản đã gây hậu quả nặng nề như nguồn nước dùng nhiều cho hoạt động khoáng sản dẫn đến thiếu nước, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân địa phương, một số diện tích bị bỏ hoang; do cấp đất cho hoạt động khoáng sản dẫn đến thiếu đất sản xuất, ảnh hưởng đến lao động, việc làm và thu nhập của nhân dân; hạ tầng giao thông xuống cấp nhanh chóng, nhân dân đi lại khó khăn; ô nhiễm môi trường nước, nước đục, nước có chứa hóa chất đã ảnh hưởng trực tiếp đến cây cối, hoa màu và vật nuôi; năng suất một số cây trồng giảm, một số diện tích không có năng suất. Đặc biệt là vào mùa mưa lũ, các dòng chảy trong các núi đá bị đất đá vùi lấp, tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập úng đầu nguồn làm thiệt hại kinh tế cho người dân. Bên cạnh đó còn tiềm ẩn và phát sinh nhiều tệ nạn xã hội như buôn bán, vận chuyển, sử dụng chất ma túy, nghiện ma túy; tai nạn lao động, tại nạn rủi ro, tai nạn giao thông…

Nước thải trong quá trình xẻ đá trắng vô tư chảy ra môi trường, gây ô nhiễm

Vì vậy, áp lực trong công tác quản lý nhà nước là rất lớn như giải quyết tranh chấp đất đai; quản lý nhà nước về khai thác, chế biến khoáng sản và bảo vệ môi trường, GPMB, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai liên quan đến hoạt động khoáng sản; quản lý nhà nước về mua bán, vận chuyển, sử dụng chất ma túy và các tệ nạn xã hội khác…

Địa phương “kêu trời”

Theo quy định tại khoản 1, Điều 5 Luật Khoáng sản năm 2010: “Địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước”;

Tại Điều 12, Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ cũng nêu rõ: “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực hiện nộp 70% cho ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương, đối với Giấy phép do Trung ương cấp; 100% cho ngân sách địa phương, đối với Giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp”.

Đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT tại hiện trường sự cố vỡ đập chứa nước thải quặng thiếc trên suối Bắc năm 2017

Được biết, trong 5 năm gần đây, tổng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp là trên 56 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn bộ số thu nêu trên, UBND tỉnh Nghệ An đã đưa vào cân đối ngân sách. Theo đó, đối với các giấy phép khai thác khoáng sản do Trung ương cấp: Ngân sách Trung ương 70%; Ngân sách tỉnh 30%. Đối với giấy phép khai thác khoáng sản do tỉnh cấp: Ngân sách tỉnh 50%; Ngân sách huyện 40%; Ngân sách xã 10%.

Điều này đồng nghĩa với việc huyện và xã không được hưởng nguồn thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Số tiền nêu trên đã nằm trong mục chi thường xuyên nên cấp huyện và xã không thể sử dụng để chi hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Với thực trạng như trên thì đây là vấn đề bất cập, gây khó khăn, thiếu thốn cho huyện và xã nơi có hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là với đặc thù hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản rất tốn kém chi phí quản lý nhưng không có cơ chế hưởng lợi cho huyện và xã; trong khi đó tiền đấu giá đất (tài nguyên) cần rất ít chi phí quản lý thì lại có cơ chế hưởng lợi cho huyện và xã lên đến 65, thậm chí 70%. Trong khi đó, Quỳ Hợp có khoáng sản thì hầu như không có quỹ đất để đấu giá; nhiều huyện hầu như không có khoáng sản thì lại có quỹ đất để đấu giá. Điều này gây bất công bằng giữa các huyện trên địa bàn toàn tỉnh.

Nước suối Nậm Tôn ô nhiễm kim loại nặng nghiêm trong nhưng Trạm cấp nước Quỳ Hợp vẫn phải sử dụng để xử lý cấp cho người dân sinh hoạt

Một “thiệt thòi” nữa của huyện giàu khoáng sản như Quỳ Hợp là theo Nghị định Số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ quy định Quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản không kể dầu thô và khí tự nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật bảo vệ môi trường và Luật ngân sách nhà nước để phòng và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản; Khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản;…

Trong 5 năm qua, tổng thu phí môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp là trên 42 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thời gian nêu trên, UBND tỉnh Nghệ An đã đưa vào dự toán chi ngân sách đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường cho huyện Quỳ Hợp chỉ vẻn vẹn 9 tỷ đồng/42 tỷ đồng. Còn hơn 33 tỷ đồng, UBND tỉnh đã đưa vào cân đối ngân sách theo tỷ lệ tỉnh 50%; huyện 40%; xã 10%.

Khoáng sản cứ lần lượt ra đi để lại bao khó khăn, hệ lụy cho vùng đất Quỳ Hợp

Điều này đồng nghĩa với việc huyện và xã không được hưởng nguồn thu phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản (trên 33 tỷ đồng) theo quy định. Số tiền này đã nằm trong mục chi thường xuyên nên huyện và xã không thể sử dụng để hỗ trợ công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật ngân sách nhà nước, Luật bảo vệ môi trường và Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tiền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường phải nộp 100% vào ngân sách nhà nước theo các quyết định của UBND tỉnh Nghệ An. Vì vậy, huyện và xã không được sử dụng khoản này vào công tác quản lý nhà nước và bảo vệ môi trường.

Người dân Quỳ Hợp sống khổ trên “rốn” khoáng sản

Trước thực tế nêu trên, cử tri và đại biểu HĐND huyện, HĐND các xã đã nhiều lần có ý kiến tại các kỳ họp và các kỳ tiếp xúc cử tri; huyện Quỳ Hợp cũng đã nhiều lần có ý kiến đề nghị UBND tỉnh và các Sở, ban ngành cấp tỉnh và có ý kiến tại các kỳ họp HĐND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét, giải quyết.

Trong những năm qua, kinh phí hỗ trợ là rất ít so với quy định và yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, huyện Quỳ Hợp và các xã của huyện Quỳ Hợp đã gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn trong công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và bảo vệ môi trường cũng như đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội và khắc phục sự cố môi trường tại địa bàn có khai thác, chế biến khoáng sản.

Hệ lụy từ khai thác khoáng sản sẽ còn kéo dài đến sau này…

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, cho biết, vấn đề bất cập trong công tác điều tiết nguồn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản huyện Quỳ Hợp đã kiến nghị hàng chục lần, bắt đầu từ khoảng năm 2014 đến nay nhưng không ai quan tâm, giải quyết.

“Mang tiếng là huyện giàu tài nguyên khoáng sản nhưng chúng tôi hầu như không được gì, trong khi mất thì quá nhiều; từ ô nhiễm môi trường đến mất đất sản xuất, an ninh trật tự, chi phí quản lý…Cứ nhắc đến vấn đề này tôi lại bức xúc, kiến nghị quá nhiều lần nhưng vẫn không cấp nào quan tâm trả lời, giải quyết thấu đáo. Cơ chế như thế huyện, xã, người dân huyện Quỳ Hợp đã và đang chịu thiệt thòi quá lớn. Những hệ lụy, nhất là hệ lụy về môi trường về lâu về dài đều đổ vào đầu người dân cả” – Ông Tùng, bức xúc.