Giám sát ô nhiễm môi trường bằng ảnh vệ tinh

ThienNhien.Net – Thành công ban đầu từ việc sử dụng ảnh vệ tinh để phát hiện ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội cho phép Việt Nam có thể tiến xa hơn trong việc áp dụng công nghệ này để giám sát tài nguyên và môi trường ĐẤT – NƯỚC – KHÔNG KHÍ tại nhiều khu vực, đặc biệt là tại các khu đô thị, khu chế xuất, cụm công nghiệp và những vùng khai khoáng lộ thiên.


Tại nhiều quốc gia phát triển như Đức, Hà Lan…, công nghệ này được áp dụng khá rộng rãi và cho kết quả khả quan, mức độ ô nhiễm thường xuyên được cập nhật trên trang web.


Còn ở Việt Nam, theo tìm hiểu của Tiền Phong Online ngày 28/6, ảnh vệ tinh đã được nghiên cứu ứng dụng từ những năm 80, chủ yếu là ảnh Mỹ, Nga, Pháp…, tập trung vào các lĩnh vực như: trắc địa và bản đồ, địa chất, lâm nghiệp, nông nghiệp, hải dương học và một số lĩnh vực khác.

Ngày nay, do quá trình đô thị hóa phát triển mạnh đi kèm với những thách thức từ tác động tiêu cực đến môi trường, chúng ta đã bổ sung thêm một số lĩnh vực nghiên cứu mới như ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm môi trường nước, biến đổi khí hậu…

Theo Trung tâm Viễn thám quốc gia (Bộ TN&MT), đơn vị chủ trì dự án “Xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường Việt Nam”, hiện chúng ta đã thử nghiệm công nghệ ảnh vệ tinh SPOT để phát hiện ô nhiễm môi trường không khí tại khu vực Hà Nội. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ và đề nghị được triển khai tại nhiều khu vực trọng điểm khác.